Đến dự có ông Phạm Lê Tuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế; ông Lê Cảnh Nhạc - Phó Tổng cục trưởng thường trực, Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình; ông Võ Thành Đông - Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa Gia đình; bà Astrid Bant - Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam… Ngoài ra còn có đại diện các bộ ngành, cơ quan chính phủ, các Đại sứ quán, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế.
Năm 2018 cũng là kỷ niệm 50 năm Hội nghị Quốc tế về quyền con người được tổ chức vào năm 1968. Tại hội nghị này, lần đầu tiên kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) được công nhận và khẳng định là một trong những quyền cơ bản của con người trên phạm vi toàn cầu. Điều này tiếp tục được ghi nhận trong Chương trình hành động của Hội nghị Quốc tế về dân số và phát triển (ICPD) được tổ chức vào năm 1994. Chương trình hành động này chính là cơ sở để UNFPA thiết kế và thực hiện phần lớn các hoạt động của mình tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương và trên toàn thế giới.
Chiếu phim về ngày dân số thế giới. (Ảnh: PK) |
Tại kỳ họp lần thứ 70 diễn ra vào tháng 9/2015 ở New York, Đại hội đồng Liên Hợp quốc đã thông quan Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, chúng ta có thể đạt được các mục tiêu phát triển bền vững trên toàn thế giới hay không sẽ phụ thuộc đáng kể vào việc thực hiện các quyền và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho phụ nữ, thanh niên và vị thành niên như thế nào. Giải quyết các nhu cầu chưa được đáp ứng về KHHGĐ chính là sự đầu tư thích hợp nhất mang lại hiệu quả cao nhất với chi phí thấp nhất mà các quốc gia nên cân nhắc thực hiện.
Ông Bjorn Andersson, Giám đốc khu vực UNFPA của khu vực châu Á – Thái Bình Dương nhận định, lần đầu tiên trong lịch sử, số phụ nữ và trẻ em gái vị thành niên sinh sống tại các quốc gia đang phát triển hiện đang sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại lên đến gần 700 triệu người. Các biện pháp tránh thai hiện đại là phương tiện tốt nhất giúp họ thực hiện quyền được đưa ra quyết định về số con và khoảng cách giữa các lần sinh con mà họ mong muốn.
“Chúng ta đã chứng kiến rất nhiều thành tựu ấn tượng trong việc thực hiện các quyền và trong chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục tại Việt Nam nói riêng và khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn hơn 140 triệu phụ nữ tại khu vực này vẫn chưa được đáp ứng nhu cầu về KHHGĐ, đặc biệt ở khu vực Nam Á có hơn 70 triệu người vẫn chưa được đáp ứng các nhu cầu đó", ông Bjorn Andersson cho biết thêm.
Chia sẻ tại lễ mít tinh, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn khẳng định, các kết quả công tác dân số - KHHGD đạt được góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt là đóng góp vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, bản vệ, chăm sóc sức khỏe, thực hiện thành công các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cải thiện đời sống của người dân.
"Có thể nói, đầu tư vào các chương trình dân số - KHHGĐ đã tiết kiệm các khoản chi cho các dịch vụ xã hội và tăng GDP bình quân đầu người khoảng 2%/năm, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo của đất nước”, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn nhấn mạnh.
Đại biểu tham dự lễ mít tinh với nhiều lứa tuổi khác nhau. (Ảnh: PK) |
Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong việc đảm bảo tiếp cận với các dịch vụ KHHGĐ. Việc đầu tư liên tục đã giúp Việt Nam đảm bảo sự sẵn có của các phương tiện tránh thai, các dịch vụ và các thông tin về KHHGĐ cho người dân trên toàn quốc. Chính vì vậy, tỉ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đã tăng từ 37% (năm 1988) lên 67% (năm 2016).
Tỉ lệ tử vong mẹ trên toàn quốc đã giảm đáng kể tư 233/100.000 ca sinh sống trong những năm 1990 xuống còn 58/100.000 ca sinh sống vào năm 2016. Tổng tỉ suất sinh đã giảm hơn một nửa, từ mức trung bình 5 con/cặp vợ chồng tại thời điểm những năm 1970 xuống mức sinh thay thế 2.09 vào năm 2006.
Có thể nói, xóa bỏ những khoảng trống nói trên có thể mang lại lợi ích cho mọi người dân, đặc biệt là cho đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào hiện đang sinh sống tại các vùng sâu vùng xa sẽ giúp chúng ta phát huy được hết tiềm năng của họ. Đầu tư vào chăm sóc sức khỏe và phát triển cho thanh niên và vị thành niên sẽ giúp quốc gia gặt hái được nhiều lợi ích kinh tế xã hội to lớn và lâu dài.