Người dân Palestine biểu tình phản đối kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ ngày 22/6. (Nguồn: AFP) |
Động thái diễn ra khi thời điểm mà Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố triển khai, ngày 1/7, đang đến gần.
Hãng tin trên dẫn lời một quan chức Mỹ yêu cầu giấu tên cho biết, Đại sứ Mỹ tại Israel David Friedman sẽ trở về Washington để tham gia cuộc họp có sự tham dự của Ngoại trưởng Mike Pompeo, Cố vấn Nhà Trắng Jared Kushner và Đặc phái viên Trung Đông Avi Berkowitz. Tổng thống Donald Trump cũng có thể tham gia cuộc họp này.
Trước đó, trong cuộc gặp Bộ trưởng Quốc phòng Benny Gantz và Ngoại trưởng Gabi Ashkenazi tối 17/6, Thủ tướng Netanyahu đã đưa ra 4 kịch bản sáp nhập, từ việc lấy 30% Bờ Tây cho đến sáp nhập một phần nhỏ của khu vực này.
Dư luận cho rằng, bất kỳ hành động sáp nhập đơn phương nào của Israel sẽ đều bị xem là vi phạm luật pháp quốc tế và gặp phải sự phản đối kịch liệt từ người Palestine, các nước trong khu vực, đặc biệt là Jordan, Liên minh châu Âu (EU). Lập trường phản đối từ các nước Arab đồng minh của Mỹ cũng đang ngày càng trở nên cứng rắn hơn.
Trong khi đó, cùng ngày, Chính quyền Palestine cho biết đang chuẩn bị đệ trình lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) một dự thảo nghị quyết chống lại kế hoạch của Israel nhằm sáp nhập một số khu vực thuộc Bờ Tây.
Theo Tổng Thư ký Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) Saeb Erekat, phiên họp tới của HĐBA sẽ thảo luận tình hình tại các vùng lãnh thổ Palestine, đặc biệt là kế hoạch sáp nhập của Israel. Ông Erekat nhấn mạnh: "Cuộc họp sẽ được tổ chức ở cấp bộ trưởng và hết sức quan trọng để đệ trình một bản dự thảo nghị quyết, bất chấp khả năng Mỹ phủ quyết".
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas hồi tuần trước đã chỉ đạo đại diện của Palestine tại LHQ Riyad Mansour kêu gọi tổ chức một hội nghị các ngoại trưởng trong khuôn khổ phiên họp ngày 24/6 của HĐBA nhằm thảo luận về kế hoạch của Israel sáp nhập khu Bờ Tây.
Trong diễn biến liên quan, cùng ngày, hàng nghìn người Palestine đã biểu tình phản đối Kế hoạch hòa bình Trung Đông của Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong đó có nội dung công nhận hành động sáp nhập các khu vực thuộc Bờ Tây của Israel.
Cuộc biểu tình trên được đảng Fatah của Palestine tổ chức tại Jericho, phía Nam thung lũng Jordan. Đây là cuộc biểu tình lớn nhất kể từ khi ông Trump công bố kế hoạch gây tranh cãi về hòa bình Israel-Palestine hồi tháng 1/2020, trong đó bật đèn xanh cho Israel sáp nhập các khu định cư ở Bờ Tây và thung lũng Jordan.
Đáng chú ý, các nhà ngoại giao Trung Quốc, Nga, Liên minh châu Âu và Nhật Bản cũng tham gia vào cuộc biểu tình trên.
Phát biểu tại cuộc tuần hành, Lãnh sự Jordan tại Palestine Mohammad Abu Wandi khẳng định, Amman sẽ tiếp tục "nỗ lực hết mức" để ngăn chặn kế hoạch của Israel sáp nhập một số khu vực thuộc Bờ Tây. Ông Wanadi quả quyết: "Ngăn chặn sáp nhập là bảo vệ hòa bình".
Trong khi đó, điều phối viên đặc biệt của Liên hợp quốc (LHQ) về Trung Đông Nikolay Mladenov đã nhấn mạnh rằng, kế hoạch của Israel sáp nhập khu Bờ Tây không những là bất hợp pháp mà còn "dập tắt giấc mơ hòa bình", đồng thời hối thúc Palestine: "Các bạn không thuê nhà ở đây, nơi đây là nhà của các bạn. Người dân Palestine đừng bao giờ từ bỏ, đừng bao giờ từ bỏ, đừng bao giờ từ bỏ, bởi vì hòa bình là điều mà tất cả chúng ta mong muốn".