📞

Kết luận 12: Thực hiện tốt hơn chủ trương đại đoàn kết dân tộc

HÀ ANH 15:05 | 11/09/2021
Theo ông Lương Thanh Nghị - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), cần phải tuyên truyền sâu về về những nội dung chính và những nhiệm vụ trọng tâm của Kết luận 12 để hiểu sâu và hiểu đúng về tinh thần mà Kết luận đề ra.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN Lương Thanh Nghị tại tọa đàm trực tuyến Thanh niên, sinh viên NVNONN với Trại hè Việt Nam. (Ảnh: Cảnh Tiêu)

Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) trong tình hình mới đã đặt ra sáu nhóm nhiệm vụ, giải pháp nổi bật. Trong bối cảnh hiện nay, Ủy ban Nhà nước về NVNONN sẽ tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm nào?

Trước mắt, chúng tôi xác định tập trung vào ba nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau đây:

Thứ nhất là nâng cao ý thức, thực hiện tốt chủ trương đại đoàn kết dân tộc, trong đó có các giải pháp nhằm làm đa dạng, đổi mới các hình thức vận động cộng đồng NVNONN, đặc biệt là giới trẻ phát huy được tiềm năng của mình.

Thứ hai là việc chăm lo, hỗ trợ cho kiều bào có địa vị pháp lý ổn định, hội nhập sâu rộng ở nước sở tại và tiếp tục phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đặc biệt, với việc dạy và học tiếng Việt, cần có những giải pháp công nghệ mới nhằm tạo thuận lợi cho việc học và gìn giữ tiếng Việt của bà con.

Thứ ba là khuyến khích kiều bào đóng góp cho quê hương, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách và pháp luật để tạo điều kiện tốt nhất cho bà con khi trở về nước kinh doanh, đầu tư làm ăn và sinh sống, đồng thời có giải pháp để phát huy sáng kiến và ý tưởng của kiều bào vào sự nghiệp phát triển đất nước.

Theo ông, cần làm gì để Kết luận 12 nhanh chóng đi vào cuộc sống?

Để làm được những điều này, trước hết chúng tôi sẽ phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và các đơn vị liên quan nhằm thông tin sâu rộng đến bà con trong và ngoài nước về những nội dung chính và những nhiệm vụ trọng tâm của Kết luận 12.

Trong thời gian tới, chúng tôi phối hợp với Cơ quan đại diện ta ở nước ngoài cùng với các hội đoàn, cá nhân kiều bào, để tuyên truyền rộng rãi về Kết luận 12, giúp bà con hiểu sâu và hiểu đúng về tinh thần mà Kết luận đề ra.

Chúng tôi cũng sẽ phối hợp với các bộ, ban, ngành và địa phương liên quan để triển khai thực hiện Kết luận 12, trong đó đưa vào những nội dung mới, biện pháp mang tính sáng tạo.

Trong thời gian tới, chúng tôi phối hợp với Cơ quan đại diện ta ở nước ngoài cùng với các hội đoàn, cá nhân kiều bào, để tuyên truyền rộng rãi về Kết luận 12, giúp bà con hiểu sâu và hiểu đúng về tinh thần mà Kết luận đề ra.

Hiện Bộ Ngoại giao cũng có chương trình riêng để các đơn vị trong Bộ và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phối hợp triển khai Kết luận 12.

Nói tóm lại, công tác NVNONN trong tình hình mới đề ra rất nhiều nhiệm vụ, giải pháp mà chúng ta phải tích cực thực hiện trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.

Do vậy, thời gian tới, chúng ta phải thực hiện đồng bộ, khẩn trương với những biện pháp cụ thể để công tác này ngày càng thực chất và hiệu quả hơn.

Vậy ở thời điểm hiện nay, các hoạt động của Ủy ban Nhà nước về NVNONN có những đổi mới ra sao so với trước đây?

Đại dịch Covid-19 đã tác động đến mọi mặt đời sống xã hội và người Việt trên khắp thế giới. Tất cả các hoạt động mang tính chất truyền thống như Về nguồn, Trại hè Việt Nam, Xuân Quê hương, Chuyến thăm Trường Sa... do chúng tôi tổ chức trước đây đã không thể thực hiện được.

Bởi vậy, chúng tôi phải cùng bà con suy nghĩ tổ chức các hoạt động phù hợp với tình hình mới. Chẳng hạn như từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã tổ chức rất nhiều tọa đàm trực tuyến nhằm kết nối với kiều bào, cùng đội ngũ chuyên gia người Việt toàn cầu đồng hành với công tác phòng chống dịch trong nước.

Có thể nói, các hoạt động truyền thống đã được thay đổi bằng hình thức trực tuyến như cuộc giao lưu giữa thanh niên, sinh viên kiều bào về Trại hè Việt Nam, hay chương trình tọa đàm về biển đảo Việt Nam.

Cũng vì hoàn cảnh dịch bệnh, nhiều mong muốn của bà con được trở về quê hương không thực hiện được, chúng tôi cũng phối hợp với các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để tổ chức các chương trình phù hợp cho bà con.

Như dịp Tết Nguyên đán 2021, lần đầu tiên sự kiện Tết Cộng đồng đã được tổ chức trực tuyến ở các địa bàn có nhiều người Việt sinh sống. Dù qua trực tuyến nhưng bà con vẫn cảm nhận được bản sắc văn hóa dân tộc và hương vị đậm đà của Tết truyền thống.

Ông có cảm nhận gì về những tình cảm của kiều bào hướng về quê nhà trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19?

Trong thời gian qua, dù gặp khó khăn bởi dịch bệnh nhưng bà con luôn đồng hành cùng nước sở tại, cũng như sát cánh cùng trong nước. Qua đây, bà con không chỉ nâng cao được vị thế và vai trò của mình ở các nước sở tại, mà còn phát huy tình đoàn kết, chia sẻ với người dân trong nước bằng với nhiều hình thức khác nhau.

Chứng kiến sự góp sức của bà con dành cho quê hương, tôi thấy rất xúc động và có thể nói chưa khi nào tinh thần của người Việt lại tỏa sáng như lúc khó khăn này.

Một điều đáng mừng là giữa bối cảnh khó khăn, bà con vẫn tổ chức được nhiều hoạt động cộng đồng phù hợp với tình hình dịch bệnh và điều kiện của từng nước. Có thể thấy, cộng đồng NVNONN đã thích nghi rất nhanh với hoàn cảnh mới và cũng rất sáng tạo trong các hoạt động để phát triển ngày càng lớn mạnh hơn.

Ý kiến kiều bào về Kết luận 12:

TS. Trần Hải Linh, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam:

Kết luận số 12-KL/TW sẽ giúp công tác NVNONN được các cơ quan, tổ chức quan tâm đúng mức; công tác nắm tình hình cộng đồng, tham mưu, kiến nghị và phối hợp triển khai chủ trương, chính sách sâu sát, chặt chẽ và kịp thời hơn nữa; đồng thời sẽ khuyến khích, động viên và phát huy được tiềm năng, thế mạnh của đồng bào ta ở nước ngoài.

Việt Nam đã và đang tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài với mục tiêu tập trung thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, lấy sản phẩm công nghệ cao, bảo vệ môi trường và giá trị thặng dự kinh tế là tiêu chí đánh giá chủ yếu; ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, có phương thức quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Do vậy, việc tăng cường vai trò của các đại diện kiều bào tiêu biểu (là người hiểu được rõ cả hai phía) trong công tác hỗ trợ các cơ quan chức năng của Việt Nam phác thảo những chương trình, kế hoạch mang định hướng chiều sâu, thu hút đầu tư và phối hợp đầu tư có hiệu quả sẽ là điều hết sức quan trọng và cần thiết trong thời gian tới.

Bà Ngô Liên Hương, kiều bào Canada:

Tôi nhất trí cao với nhiệm vụ đa dạng hoá các hoạt động hỗ trợ đồng bào Việt Nam ở nước ngoài giữ gìn tiếng Việt, phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Chỉ đạo này sẽ góp phần quan trọng trong việc đổi mới, nâng cao hiệu quả, phương thức tổ chức dạy và học tiếng Việt cho kiều bào, đưa tiếng Việt vào chương trình giảng dạy ở các cơ sở giáo dục tại địa bàn có đông người Việt Nam sinh sống.

Mong rằng trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều hoạt động ý nghĩa để khuyến khích, cổ vũ đồng bào, nhất là thế hệ trẻ học tập và giữ gìn tiếng Việt.

Ông Vũ Đức Lượng, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Hàn Quốc:

Tôi cảm thấy rõ hơn sự quan tâm, trách nhiệm Đảng và Nhà nước trong việc chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Với tôi, nội dung đáng chú ý là công tác hộ trợ bà con có địa vị pháp lý vững chắc, ổn định cuộc sống ở nước sở tại, từ đó nâng cao được công tác bảo hộ công dân, đẩy lùi được tình trạng người Việt Nam vi phạm pháp luật ở nước sở tại.