📞

Kết quả bầu cử giữa kỳ Mỹ: ‘Phiếu đại đại cử tri’ thuộc về nền kinh tế, giấc mơ Mỹ của ông Trump sẽ vượt lên?

Minh Anh 13:29 | 09/11/2022
Cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022 của Mỹ diễn ra vào đúng thời điểm kinh tế Mỹ dễ bị tổn thương. Bởi vậy, mối quan tâm hàng đầu của hầu hết cử tri là các vấn đề về kinh tế và những lá phiếu quyết định rất có thể khá đơn giản, chỉ là ủng hộ một thông điệp kinh tế phù hợp.
Bầu cử giữa kỳ Mỹ: ‘Phiếu đại đại cử tri’ thuộc về nền kinh tế, giấc mơ Mỹ sẽ vượt lên? Ảnh: Đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump. (Nguồn: Getty Images)

Kết quả của cuộc bầu cử lần này xác định cấu trúc của một cơ quan Quốc hội có tiềm năng ban hành các chính sách sẽ làm thay đổi cơ bản bối cảnh kinh tế của đất nước. Trong bối cảnh lạm phát tại nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn tiếp tục tăng cao, các dự đoán về suy thoái phần lớn đã chuyển sang “khi nào” chứ không phải “nếu”.

Lạm phát làm khó phe Dân chủ

Ngoài các vấn đề "truyền thống" lâu nay vẫn gây chia rẽ theo đường lối đảng phái, người Mỹ đang đặc biệt cảm thấy “bị tổn thương” bởi các khó khăn về kinh tế, trong khi lãi suất vẫn tăng qua mỗi kỳ điều chỉnh chính sách của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).

Trong đó, mặc dù nền kinh tế đang có số lượng công việc kỷ lục, nhưng vì một số lý do khiến lạm phát vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của đảng Dân chủ cầm quyền, khiến họ gặp khó khăn trong việc đưa ra thông điệp về nền kinh tế. Trong khi đảng Cộng hòa đã tận dụng tốt cơ hội, tranh thủ “đào sâu” vào vấn đề mà cử tri Mỹ đặc biệt quan tâm. Các cuộc thăm dò cho thấy, tình hình kinh tế bế tắc đang có lợi cho đảng Cộng hòa.

Lạm phát đang gây thêm khó khăn cho đảng Dân chủ. Kết quả cuộc thăm dò của ABC News/IPSOS được thực hiện chưa đầy 3 tuần trước cuộc bầu cử, cho thấy, ngày càng nhiều người Mỹ tin tưởng đảng Cộng hòa hơn đảng Dân chủ về cả tình hình kinh tế và giá khí đốt.

Một cuộc khảo sát vào giữa tháng 10 từ Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy, lạm phát là mối quan tâm kinh tế chủ đạo đối với người Mỹ hiện nay. Gần 3/4 số người được hỏi lo lắng về giá thực phẩm và hàng tiêu dùng, tiếp theo là giá xăng dầu, năng lượng và chi phí nhà ở.

Đương kim Tổng thống Joe Biden vẫn đang cố gắng nêu bật các thành tích của mình, từ tầm nhìn về việc xây dựng một nước Mỹ tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người, tới một nền kinh tế phát triển "từ dưới lên và từ trong ra ngoài". Ông cũng lên tiếng cảnh báo “đảng Cộng hòa sẽ gây ra hỗn loạn trong nền kinh tế Mỹ và chỉ làm gia tăng lợi ích cho những người rất giàu có”, tại một sự kiện gần đây của đảng Dân chủ.

Tuy nhiên, đối với bà Kari Stephens, 50 tuổi, nền kinh tế Mỹ đang khá tồi tệ. Chia sẻ quan điểm với giới truyền thông tại Ohio, bà Stephens cho rằng, dường như các nhà lãnh đạo đang bỏ quên những người dân nhỏ bé ở Ohio, quan tâm nhiều hơn tới những thứ ít liên quan, như thúc đẩy phát triển ô tô điện - thứ mà bà không đủ khả năng chi trả.

Trong khi đó, những người ủng hộ Tổng thống Biden chỉ ra rằng, lạm phát là một hiện tượng toàn cầu, còn đảng Dân chủ đã có thành tích rất tốt trong phục hồi số lượng lớn việc làm hậu đại dịch Covid-19. Nền kinh tế Mỹ đã có thêm 261.000 việc làm trong tháng 10, nâng tổng số việc làm mới kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức lên hơn 10 triệu - nhiều hơn mọi tổng thống khác đã làm được trong 20 tháng đầu tiên cầm quyền.

Thành tựu được nêu bật của đảng Dân chủ còn là giải quyết được một số vấn đề tồn đọng về cơ sở hạ tầng, khí hậu, chăm sóc sức khỏe và nợ sinh viên. Nhưng lợi ích từ những việc như vậy sẽ phải mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm mới có thể thấy được. Trong khi đó, trước mắt, hàng triệu cử tri Mỹ đang chịu "tổn thương về kinh tế" lại chưa nhìn thấy bất kỳ kế hoạch khả thi nào để giúp họ yên lòng.

Bình luận về chiến dịch tranh cử của đảng Dân chủ, chiến lược gia của đảng này Mike Lux cho rằng, Tổng thống Biden lẽ ra nên nói thẳng về lạm phát và nền kinh tế, bởi đó là một vấn đề khó khăn đang thống trị bối cảnh chính trị. "Tôi nghĩ rằng, việc né tránh bình luận về vấn đề này là điều tồi tệ nhất mà đảng Dân chủ đã làm", ông nói.

Và tất nhiên, đảng Cộng hòa đã nắm bắt được mối lo ngại lạm phát và giá khí đốt của các cử tri để cáo buộc đảng Dân chủ chi tiêu quá nhiều và hạn chế sản xuất năng lượng. Phía Cộng hòa đổ lỗi cho các chính sách của đảng Dân chủ và tuyên bố sẽ mở rộng hệ thống khoan và đường ống dẫn dầu để làm cho ngành năng lượng của Mỹ độc lập và mạnh mẽ trở lại.

Thông điệp về lạm phát được đảng Cộng hòa tận dụng hiệu quả hơn nhiều trong các quảng cáo chính trị, so với đảng Dân Chủ, theo phân tích của Wesleyan Media Project. Theo đó, trong tháng trước, 32% quảng cáo của đảng Cộng hòa liên quan lạm phát, so với chỉ 8% quảng cáo của đảng Dân chủ. Và ngược lại đúng với vấn đề phá thai, với 28% quảng cáo của đảng Dân chủ tập trung vào vấn đề này, so với chỉ 3% quảng cáo của đảng Cộng hòa.

"Cứu lấy giấc mơ Mỹ"?

Cùng với những vấn đề khác đang diễn ra trong cuộc bầu cử này - lạm phát và nền kinh tế có thể là những thứ phá vỡ hy vọng của phe Dân chủ, khi các gia đình Mỹ có thu nhập thấp tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi lạm phát.

Giới quan sát nhận định, đương kim Tổng thống Mỹ Biden đang đối mặt môi trường chính trị đầy ảm đạm, khi chi phí sinh hoạt của người dân Mỹ đã tăng lên mức cao kỷ lục trong vòng 40 năm. Hy vọng của ông về một cú hồi phục kinh tế mạnh mẽ trong năm tới đang bị phủ bóng bởi nỗi lo suy thoái.

Trong khi đó, dù không là ứng cử viên trực tiếp cạnh tranh trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, nhưng cựu Tổng thống Donald Trump đang nổi lên là nhân tố thu hút sự ủng hộ của các cử tri dành cho đảng Cộng hòa. Phát biểu tại một cuộc vận động tranh cử ở bang Pennsylvania, ông Trump tiếp tục kêu gọi các cử tri "cứu lấy giấc mơ Mỹ" bằng cách bỏ phiếu cho đảng Cộng hòa.

Trở về 4 năm cầm quyền, đặt "Nước Mỹ trên hết", thành tựu kinh tế là một trong những dấu ấn quan trọng của cựu Tổng thống Donald Trump. Theo đánh giá của tờ Economic Times, trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Trump đã đưa nền kinh tế Mỹ lên tầm cao mới. Một số chính sách của ông Trump như cắt giảm thuế đã giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm đói nghèo và giảm thất nghiệp xuống mức thấp nhất trong nửa thế kỷ.

Với cách tiếp cận trực tiếp, như tờ New York Post đánh giá , ông Trump đã làm được nhiều điều cho tầng lớp lao động Mỹ ở mọi sắc tộc. Gói cải cách thuế năm 2017 đã đem tiền bạc quay lại với phần lớn người lao động Mỹ và khiến các doanh nghiệp trở nên cạnh tranh hơn. Điều này cũng mang đến cú hích cho nền kinh tế khi tiền lương của người lao động tăng lên và tỷ lệ thất nghiệp thấp ở mức kỷ lục.

Thực tế, nền kinh tế Mỹ đã và đang gặp nhiều trắc trở dưới thời Tổng thống Biden, thị trường chứng khoán nhiều khoảng thời gian rơi mạnh. Trong khi đó, dưới thời ông Trump, nền kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh trong gần 3 năm đầu trước khi rơi vào suy thoái năm 2020 do đại dịch Covid-19.

Tất nhiên, chưa có gì đảm bảo các kế hoạch của đảng Cộng hòa sẽ tạo ra những tác động tích cực đến cuộc khủng hoảng lạm phát và tình hình kinh tế khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ lâu nay đã trở thành phương tiện để cử tri bày tỏ nỗi thất vọng của họ, trong khi niềm tin rằng kinh tế sẽ sớm phục hồi vẫn khá mờ mịt, có thể là điểm trừ lớn đối với phe Dân chủ.

Kết quả các cuộc khảo sát và một số nhà phân tích cho rằng, kịch bản có thể xảy ra nhất là đảng Dân chủ vẫn giữ được Thượng viện, trong khi đảng Cộng hòa lấy lại được Hạ viện. Tuy nhiên, bầu cử Mỹ luôn tiềm ẩn yếu tố bất ngờ, cán cân quyền lực giữa hai đảng trong Quốc hội sẽ chỉ được xác định rõ ràng khi kết quả chính thức được công bố sau ngày 8/11 (giờ Mỹ).