📞

Khả năng thông qua TPP tại Mỹ vẫn còn bỏ ngỏ

19:08 | 22/08/2016
Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh trả lời phỏng vấn báo TG&VN bên lề Hội nghị Ngoại giao 29 biết như vậy, dù Hiệp định này vừa có ý nghĩa kinh tế thương mại, vừa có ý nghĩa chiến lược đối với nước Mỹ.  

Cả hai ứng cử viên chức Tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ và Cộng hòa đều công khai chống Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Đại sứ nhận định như thế nào về khả năng TPP được thông qua?  

Hiện nay, để tranh thủ phiếu bầu của cử tri, ứng cử viên cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều đang hướng nội nhiều hơn, trong đó tập trung vào những nhu cầu của cử tri Mỹ. Tuy nhiên, giữa chính trị bầu cử và lợi ích quốc gia của Mỹ, thì sau này dù ai là Tổng thống cũng sẽ phải cân nhắc tới.

Chiến lược đối ngoại, an ninh, kinh tế của nước Mỹ cũng phải căn cứ vào lợi ích quốc gia. Nếu nhìn lại lịch sử của nước Mỹ, hầu hết các hiệp định thương mại tự do đều được thông qua với tỉ lệ sít sao vì nó liên quan trực tiếp đến kinh tế, điều kiện việc làm, tiền lương của người dân.

Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh. (Nguồn: TTXVN)

Về vấn đề TPP, thực sự nước Mỹ có lợi ích trong việc xây dựng những khu vực mậu dịch tự do. TPP vừa có ý nghĩa kinh tế thương mại vừa có ý nghĩa chiến lược. Tuy nhiên, hiện TPP đang là vấn đề của tranh cử, do vậy nó vấp phải nhiều ý kiến, cả phản đối và ủng hộ kém.

Chúng ta trông đợi, khi chính trị bầu cử ở nước Mỹ lắng lại, người ta sẽ tính tới lợi ích của nước Mỹ nhiều hơn, trong đó có khả năng xem xét TPP. Chắc chắn, đây là một vấn đề rất phức tạp và khó khăn.

Theo Đại sứ, quan hệ Việt – Mỹ sẽ thay đổi thế nào sau khi Mỹ có tân Tổng thống vào năm 2017?

Quan hệ giữa Việt – Mỹ đã có những bước phát triển đáng kể trong thời gian qua, hai bên đã thiết lập được khuôn khổ ổn định, lâu dài. Đó là quan hệ đối tác toàn diện được thông qua trong năm 2013. Tiếp đó, nhiều chuyến thăm cấp cao giữa hai nước đã diễn ra. Tôi tin rằng, trong khuôn khổ đối tác toàn diện, chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ tiếp tục tạo đà cho quan hệ hai nước.

Vấn đề hiện nay là làm thế nào để khai thác hết tiềm năng của mối quan hệ đó, phát huy những lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh. Ví dụ, về chính trị, chắc chắn việc tiếp tục thúc đẩy các chuyến thăm cấp cao, các cấp, đồng thời thúc đẩy lòng tin, tôn trọng nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi. Về hợp tác kinh tế, giữa hai nước còn nhiều tiềm năng để khai thác.

Đại sứ kỳ vọng gì về triển vọng hợp tác thương mại Việt - Mỹ trong thời gian tới?

Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kim ngạch thương mại hai chiều Việt - Mỹ trung bình hàng năm là 20%. Dự kiến năm 2016, đạt khoảng 50 tỷ USD. Trong hợp tác thương mại, lượng xuất khẩu của Việt Nam luôn chiếm tỉ trọng lớn hơn.

Năm 2015, kim ngạch thương mại hai chiều Việt – Mỹ là 45 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam là 30 tỷ USD. Các mặt hàng Việt Nam đang xuất khẩu mạnh vào thị trường Mỹ là dệt may, giày da, đồ gỗ, linh kiện điện thoại, điện tử, máy móc, các mặt hàng về nông, thủy sản.

Trong quá trình trao đổi thương mại, Việt Nam đang chiếm ưu thế, tuy nhiên, tiềm năng của thị trường Mỹ vẫn còn rất nhiều. Có số liệu cho thấy con số xuất khẩu của Việt Nam chỉ chiếm 1,5 - 1,9% thị trường Mỹ.

Dù hai nước cùng là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới  (WTO), cùng nhau ký kết Hiệp định thương mại song phương (BTA), nhưng phía Mỹ vẫn chưa công nhận Việt Nam có quy chế kinh tế thị trường, do vậy, vẫn áp dụng một số rào cản kỹ thuật, chống bán phá giá, quota... Chúng ta còn phải tiếp tục đấu tranh với phía Mỹ về vấn đề này.

Nếu Hiệp định TPP có hiệu lực và Việt Nam tranh thủ được cơ hội, vượt qua những thách thức ban đầu, thì khả năng tiếp cận thị trường Mỹ sẽ rộng mở hơn.

Tuy nhiên, do tiêu chuẩn của thị trường Mỹ rất cao, nên các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam phải đặc biệt chú ý đến tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng sản phẩm.

Xin cảm ơn Đại sứ!

(ghi)