📞

Khắc phục sạt lở bờ sông tại An Giang

15:00 | 15/05/2017
Khảo sát khu vực sạt lở tại xã Mỹ Hội Đông huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang sáng 15/5, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định chính quyền các cấp sẽ tạo điều kiện hết sức để bà con khu vực sạt lở tái định cư, ổn định cuộc sống.

Cùng đi với Phó Thủ tướng có Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, lãnh đạo các Bộ NN&PTNT, GTVT, KH&ĐT, Văn phòng Chính phủ cùng đại diện một số bộ, ban, ngành Trung ương.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác Chính phủ khảo sát tại hiện trường khu vực sạt lở tại xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.

Phó Thủ tướng cùng đoàn công tác đã đi cano khảo sát một số điểm có nguy cơ sạt lở cao dọc bờ sông Vàm Nao; thăm và tặng quà cho 16 hộ dân bị mất nhà do sạt lở đất tại khu dân cư sinh sống tập trung thuộc tổ 12, ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, trên tuyến lộ liên xã bờ sông Hậu khu vực Vàm Nao.

Tại hiện trường, chiều dài sạt lở khoảng 70 m, lấn sâu vào bờ trên 35 m và cắt đứt đường giao thông liên xã. Trước mắt, địa phương đã di dời khẩn cấp 107 căn nhà và 1 nhà máy xay xát, một trường tiểu học…

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã trò chuyện, chia sẻ khó khăn với đại diện 16 hộ dân bị chìm nhà do lở đất, các hộ dân hiện đang phải di dời do nằm trong khu vực nguy hiểm.

Phó Thủ tướng mong muốn, bà con sẽ tiếp tục đoàn kết, tuyệt đối tuân thủ các quyết định di dời của chính quyền để bảo đảm an toàn tối đa về người và tài sản. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng khẳng định, chính quyền các cấp sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân sớm ổn định cuộc sống.

Trong những năm qua, tình hình thiên tai diễn biến phức tạp và ngày càng nghiêm trọng, ngay cả trong mùa khô, đặc biệt là sạt lở dọc theo các tuyến sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Nao.

Năm 2010 sạt lở bờ sông nghiêm trọng đã xâm thực vào Quốc lộ 91 đoạn qua xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, với chiều dài 150 m. Năm 2012 sạt lở tại phường Bình Đức,  TP. Long Xuyên, với chiều dài 80 m (điểm sạt lở cách Quốc lộ 91 khoảng 40-50m); phường Bình Khánh,  TP. Long Xuyên, với chiều dài sạt lở là 112 m; tại xã Phú An, huyện Phú Tân, với chiều dài 130 m (điểm sạt lở cách tỉnh lộ 954 khoảng 10 m). Năm 2014 sạt lở tại khóm Long Thạnh, phường Long Châu, thị xã Tân Châu, với chiều dài 100 m, làm ảnh hưởng rất lớn đến cơ sở hạ tầng, công trình giao thông trong khu vực…

Kết quả quan trắc và cảnh báo sạt lở đất bờ sông tại tỉnh An Giang cho thấy, tỉnh hiện có 51 đoạn nằm trong cảnh báo sạt lở (dọc sông Tiền có 11 đoạn, sông Hậu 26 đoạn, sông Bình Di 1 đoạn, sông Châu Đốc 2 đoạn, sông Vàm Nao 2 đoạn, kênh Xáng Tân An 4 đoạn, kênh Ông Chưởng 5 đoạn), với tổng chiều dài khoảng 162.550 m, gây ảnh hưởng cho 20.000 hộ dân; trong đó, có hơn 5.380 hộ dân cần di dời khẩn cấp ra khỏi khu vực sạt lở, gây khó khăn đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Hiện nay, tình hình sạt lở tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp: Trong 5 tháng đầu năm 2017 đã xảy ra 15 điểm sụp lún, sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch (An Phú 6 điểm, Chợ Mới 3 điểm, Tân Châu 4 điểm, Phú Tân 2 điểm) với chiều dài sạt lở 1.224 m, ảnh hưởng đến 170 căn nhà, có 18 căn nhà đã sụp hoàn toàn xuống sông cùng với nhiều tài sản và các công trình hạ tầng khác, đã di dời khẩn cấp 136 căn, phải di dời thêm các hộ dân vùng lân cận có nguy cơ tiếp tục xảy ra sạt lở.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ân cần thăm hỏi, động viên, tặng quà cho 16 hộ gia đình bị mất nhà do sạt lở, đồng thời khẳng định chính quyền các cấp sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân sớm ổn định cuộc sống.

Trước tình hình khẩn cấp trên, UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương tập trung mọi nguồn lực để khắc phục hậu quả.

Cụ thể, đã di dời khẩn cấp 107 hộ và 1 nhà máy xay xát. Tỉnh đã hỗ trợ những hộ di dời và bị sạt lở 40 triệu đồng/hộ (trong đó chi phí Trung ương là 20 triệu đồng/hộ). Ngoài ra, địa phương đã vận động các tổ chức cá nhân hỗ trợ tiền mặt và hiện vật cho các hộ bị thiệt hại. Tổ chức phân công trực ban 24/24 để tuần tra canh gác bảo vệ an ninh trật tự trong khu vực bảo vệ tính mạng người dân, theo dõi diễn biến sạt lở xảy ra.

Chính quyền cơ sở cũng đã thông báo, cắm biển cảnh báo, khoanh vùng ngăn không cho người, phương tiện vào khu vực sạt lở. Cắm biển báo đường bộ và đường thủy để hạn chế tốc độ, tải trọng các loại phương tiện giao thông đi qua khu vực sạt lở này. Đối với đường thủy không cho tàu ghe lưu thông gần bờ xảy ra sạt lở và khu vực có nguy cơ sạt lở.

Tỉnh An Giang cũng đã huy động lực lượng xử lý cấp bách để ổn định bờ sông nhằm không cho sạt lở tiếp với chiều dài là 250 m tại vị trí sạt lở và khu vực lân cận. Thi công đường tránh Ấp Chiến Lược-Mương Ông Chủ nhằm điều tiết giao thông qua khu vực sạt lở. Thi công xây dựng khu dân cư với diện tích 4,8 ha để bố trí cho những hộ phải di dời.

* Tiếp tục chương trình công tác, ngay trong buổi trưa, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc làm việc về công tác phòng chống sạt lở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.