📞

Khai giảng khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên kiều bào năm 2022

Lê An 16:31 | 15/08/2022
Sáng 15/8, tại Hà Nội, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Lễ khai mạc Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài năm 2022.
Các giáo viên kiều bào về nước tham dự khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt năm 2022 chụp ảnh cùng các giảng viên và Ban tổ chức. (Ảnh: Dương Tiêu)

Phát biểu khai mạc sự kiện, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) Mai Phan Dũng nhấn mạnh bản sắc văn hóa và truyền thống của dân tộc, đặc biệt là tiếng mẹ đẻ, là hồn cốt của mỗi quốc gia, dân tộc.

Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp”.

Đối với cộng đồng 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, việc giữ gìn tiếng Việt luôn mang ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt, vì đây là động lực, sợi dây gắn kết trong cộng đồng và với quê hương, đất nước.

Tuy nhiên, cộng đồng cũng đang đứng trước nguy cơ mai một về ngôn ngữ dân tộc, nhất là đối với thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài. Bên cạnh đó, những hạn chế về phương pháp sư phạm, giáo trình... của các chương trình dạy tiếng Việt trong cộng đồng cũng là những thách thức không nhỏ trong giai đoạn hiện nay.

Nhận thức thực tế này, Ủy ban luôn quan tâm đến công tác xây dựng, củng cố, phát triển phong trào dạy, học tiếng Việt cho cộng đồng NVNONN, coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong việc hỗ trợ cộng đồng giữ gìn bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc; góp phần phổ biến, truyền bá tiếng Việt và văn hóa cho NVNONN.

Đặc biệt, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tác động của đại dịch Covid-19, phong trào dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng vẫn đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Các thầy cô, giáo viên kiều bào vẫn luôn tận tình, nỗ lực phát huy, sáng tạo trong công tác giảng dạy tiếng Việt cho thế hệ trẻ tại nhiều địa bàn.

Ủy ban Nhà nước về NVNONN ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực, cống hiến không mệt mỏi của các thầy cô trong sự nghiệp “gieo chữ, trồng người”, mang đạo lý và truyền thống dân tộc sâu sắc.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN Mai Phan Dũng phát biểu tại Lễ khai mạc. (Ảnh: Dương Tiêu)

Nhân dịp này, ông Mai Phan Dũng cũng thông tin về việc Thủ tướng Chính phủ đã thông qua Đề án Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023-2030, chính thức lựa chọn ngày 8/9 hằng năm là Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN.

Ông nhấn mạnh: “Đây cũng là dấu mốc quan trọng trong đời sống tinh thần của cộng đồng kiều bào với những hoạt động thiết thực nhằm tôn vinh ngôn ngữ dân tộc.

Ngày Tôn vinh tiếng Việt sẽ mang ý nghĩa lan tỏa mạnh mẽ tình yêu tiếng Việt, trở thành động lực thúc đẩy phong trào dạy và học tiếng Việt, qua đó góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta”.

Về khóa tập huấn năm nay, do tình hình dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, là điều kiện thuận lợi để Ủy ban Nhà nước về NVNONN phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức trực tiếp nhằm mang lại cho các học viên kỹ năng sư phạm cần thiết, những kiến thức chuyên môn bổ ích, để tiếp tục truyền lại ngôn ngữ dân tộc cho thế hệ trẻ NVNONN.

Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt sẽ kéo dài tới ngày 30/8 với sự tham dự cho khoảng 80 học viên về từ các nước.

Bà Vũ Thị Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng khẳng định đội ngũ giáo viên dạy tiếng Việt cho NVNONN có vai trò quan trọng đối với sự phát triển, bảo tồn ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ.

Chính vì vậy, việc tổ chức bồi dưỡng, cung cấp thông tin, cập nhật kiến thức mới, trao đổi phương pháp, kỹ năng và kinh nghiệm dạy học cho giáo viên kiều bào là hết sức cần thiết.

Khóa tập huấn nhằm giúp giáo viên dạy học dễ dàng hơn và hiệu quả góp phần duy trì ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ cho con em kiều bào, đồng thời củng cố kiến thức và kinh nghiệm dạy học để từ đó áp dụng vào thực tế hoạt động giảng dạy.

Tại các buổi tập huấn, giáo viên sẽ được nghe các báo cáo viên Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Khoa tiếng Việt-Việt Nam học - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, vốn có nhiều kinh nghiệm thực tiễn về giảng dạy tiếng Việt trình bày, trao đổi về một số chuyên đề nhằm giúp các thầy cô hiểu rõ hơn, sâu hơn về một số kỹ năng thực hành dạy học.

Bên cạnh đó, khóa tập huấn cũng là dịp để các thầy cô học hỏi, trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm dạy học hay cùng những khó khăn vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ.

Tại Lễ khai mạc, cô Phạm Phi Hải Yến, giáo viên dạy tiếng Việt ở Nhật Bản (Trường cao đẳng Tổng hợp về trẻ em thành phố Kobe, tỉnh Hyogo) chia sẻ về tâm nguyện dạy tiếng Việt nhằm tuyên truyền văn hóa, ngôn ngữ của Việt Nam đến với trẻ em kiều bào để các em hiểu về cội nguồn của mình.

Cô Hải Yến cho biết, số lượng trẻ em Việt Nam ở Nhật Bản khá lớn, nhưng các em đang sử dụng ngôn ngữ giao tiếp chủ yếu bằng tiếng Nhật, hạn chế về khả năng sử dụng tiếng mẹ đẻ.

Trước thực trạng này, cô đã tổ chức một lớp học tiếng Việt trực tuyến cho người Việt Nam. Từ khóa học này, cô sẽ có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng để thực hiện tốt hơn tâm nguyện của mình.

Tọa đàm “Áp dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy tiếng Việt cho NVNONN" được tổ chức vào ngày khai mạc. (Ảnh: Dương Tiêu)

Ngay sau Lễ khai mạc, Ban tổ chức đã tổ chức Tọa đàm “Áp dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy tiếng Việt cho NVNONN”.

Tại đây, PGS.TS Nguyễn Thiện Nam - Trưởng Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn đã chia sẻ với các học viên về phương pháp giảng dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài. TS. Đỗ Phương Thảo - giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã cung cấp một số ứng dụng thông tin bổ ích trong dạy học tiếng Việt cũng như giải đáp các câu hỏi của một số học viên.

Phát biểu kết thúc tọa đàm, ông Đinh Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thông tin Văn hóa, Ủy ban Nhà nước về NVNONN đã gửi lời cảm ơn tới thầy cô đang giảng dạy tiếng Việt ở các địa bàn khắp thế giới, đặc biệt là 80 đại biểu đã trở về nước tham dự khóa học lần này.

Ông Đinh Hoàng Linh đặc biệt gửi lời cảm ơn đến các thầy cô là giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Sư phạm Hà Nội đã là người truyền cảm hứng, nguồn năng lượng tích cực, kiến thức, các kỹ năng sư phạm cùng các ứng dụng thông tin cho những giáo viên kiều bào.

Sau hai năm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các học viên đều phấn khởi vì khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt được tổ chức trực tiếp trở lại ở quê hương. (Ảnh: Dương Tiêu)

Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên VNONN là hoạt động thường niên, được tổ chức từ năm 2013, nhằm nâng cao trình độ và kỹ năng sư phạm, cập nhật kiến thức cho các giáo viên chuyên và không chuyên đang giảng dạy tiếng Việt tại các cơ sở của cộng đồng.

Đến nay, hơn 600 lượt giáo viên kiều bào đã tham gia các khóa tập huấn với sự hỗ trợ của các giảng viên là những chuyên gia ngôn ngữ hàng đầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo trực tiếp lên lớp, giảng dạy.

Do tác động của đại dịch Covid-19 trong hai năm qua, Ủy ban Nhà nước về NVNONN đã nỗ lực tổ chức khóa tập huấn theo hình thức trực tuyến, thu hút sự tham gia của hơn 400 giáo viên kiều bào.