📞

Khai mạc Đại hội Đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II

Lê An 12:20 | 04/12/2020
TGVN. Sáng 4/12, Đại hội Đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cùng nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới dự Lễ khai mạc.

Đại hội Đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số lần thứ II nhằm đánh giá những thành tựu, kết quả thực hiện chính sách dân tộc, công tác dân tộc giai đoạn 2010-2020, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm, tiếp tục hoàn thiện chính sách dân tộc, đưa ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030.

Đại biểu tham dự Lễ khai mạc Đại hội Đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II. (Nguồn: VGP)

Với chủ đề “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau, phát huy nội lực cùng phát triển với đất nước', Đại hội là diễn đàn giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm giữa các dân tộc, đồng thời là đợt sinh hoạt chính trị, xã hội sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin và sự đồng thuận của đồng bào các dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Về dự Đại hội có 1.600 đại biểu, được bầu chọn tại Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số cấp tỉnh lần thứ ba, đại diện cho 54 dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Trong đó, đại biểu nam chiếm tỷ lệ gần 67%, đại biểu nữ chiếm hơn 33%; đại biểu cao tuổi nhất là ông Huỳnh Phến, 91 tuổi đến từ Sóc Trăng, đại biểu trẻ nhất là Nguyễn Đăng Lộc, 18 tuổi, dân tộc Tày, đến từ Bình Phước.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết, trong thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã quan tâm chỉ đạo; Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đã tạo điều kiện phối hợp tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số ở 363 huyện, 50 tỉnh, thành phố trong cả nước, tạo nên không khí hồ hởi, phấn khởi, góp phần vào thành công của Đại hội Đảng các cấp, vững tin hướng tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

"Đại hội cấp tỉnh và các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương đã chọn cử được 1.592 đại biểu ưu tú về dự Đại hội Đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II đủ đại diện của cả 54 dân tộc, đại diện lãnh đạo các cấp, nhân sĩ trí thức, văn nghệ sĩ, tướng lĩnh quân đội, công an, Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động, doanh nhân, nghệ nhân, người có uy tín... thể hiện tinh thần đại đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, đóng góp vào thành công của Đại hội chúng ta", Phó Thủ tướng Thường trực nói.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại lễ khai mạc. (Nguồn: Lao Động)

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Đại hội Đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II là diễn đàn giao lưu, trao đổi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số, tạo sự đồng thuận và niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng trước thềm Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Phó Thủ tướng cho biết, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88 phê duyệt Đề án và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

"Đây là lần đầu tiên chúng ta có một Chương trình mục tiêu quốc gia dành riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với tổng mức vốn bố trí cho giai đoạn 2021 – 2025 là hơn 130 nghìn tỉ đồng, đầu tư phát triển toàn diện các lĩnh vực với trọng tâm là phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững cho đồng bào; phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nâng cao chất lượng công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân; phát triển văn hóa, thông tin và du lịch; đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở vùng dân tộc thiểu số và miền núi vững mạnh.

Đặc biệt là giải quyết những vấn đề cấp thiết về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt..., tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân; thu hẹp dần khoảng cách so với vùng phát triển, giảm dần, tiến tới không còn xã, thôn có điều kiện đặc biệt khó khăn về kinh tế, xã hội của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vào năm 2030", Phó Thủ tướng Thường trực cho biết.

Đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II vào viếng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Nguồn: VOV)

Theo Báo cáo tổng hợp về nhân sự Đại hội, 51 tỉnh/thành phố và 55 bộ, ngành, cơ quan Trung ương đã chọn cử đủ đại biểu đại diện cho 54 dân tộc để tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II. Trong đó, các dân tộc có số lượng đại biểu đông nhất (có từ 100 đại biểu trở lên) gồm các dân tộc: Tày 225 người; Mường 176 người; Thái 142 người; Khmer 132 người, Mông 116 người.

Các dân tộc có số lượng đại biểu ít nhất gồm 5 dân tộc: Chứt, Pu Péo, Rơ-măm, Brâu, Ơ Đu (mỗi dân tộc 1 đại biểu). Đại biểu cao tuổi nhất là ông Huỳnh Phến, 91 tuổi, dân tộc Hoa, Chủ tịch Hội Tương tế người Hoa TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng; đại biểu nhỏ tuổi nhất là em Nguyễn Đăng Lộc, 18 tuổi, dân tộc Tày, Học sinh giỏi Trường chuyên Quang Trung, tỉnh Bình Phước.

Về trình độ, đại biểu có trình độ Tiến sỹ 65 người; Thạc sỹ 272 người; Đại học: 883 người; Cao đẳng, trung cấp: 107 người; trình độ khác: 261 người.

Trước đó, chiều 3/12, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gặp mặt 100 Đại biểu tiêu biểu các các dân tộc thiểu số dự Đại hội dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ II năm 2020, đây là những đại biểu ưu tú của 54 dân tộc.

Cùng dự buổi gặp mặt có Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến...

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gặp mặt các đại biểu ưu tú. (Nguồn: Nhân dân)

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, những đại biểu tiêu biểu ưu tú hôm nay sẽ là hạt nhân tích cực lan tỏa, truyền cảm hứng để xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc vững mạnh hơn. Đó là cội nguồn sức mạnh, là truyền thống quý báu của dân tộc ta, từ đó khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước ta phát triển phồn thịnh, hạnh phúc.

Có thể nói, Đại hội thực sự là ngày hội lớn mang tính chính trị, xã hội sâu sắc, kết nối lan tỏa sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Sự kiện nhận được sự quan tâm sâu rộng của đồng bào các dân tộc trên mọi miền của đất nước, nhằm tạo được bầu không khí hồ hởi, phấn khởi trong cộng đồng các dân tộc, thi đua lao động, sản xuất, học tập, công tác và chiến đấu, lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.