Các nhà lãnh đạo nhóm G7 thăm đền Ise Jingu ngày 26/5, ngày đầu tiên của Hội nghị thượng đỉnh. Ảnh: Kyodo |
Các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị, được tổ chức tại tỉnh Mie trong hai ngày, gồm có Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Pháp Francois Hollande, Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Anh David Cameron, Thủ tướng Italy Matteo Renzi, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, cùng Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã chào đón Tổng thống Mỹ Barack Obama và các nhà lãnh đạo G7 khác đến thăm ngôi đền Ise Jingu ở tỉnh Mie - ngôi đền được xem là lớn và linh thiêng nhất tại Nhật Bản. Cũng giống như nhiều người tiền nhiệm, ông Abe đến thăm đền này tháng Giêng hàng năm để bắt đầu Năm mới.
Đây là hội nghị thượng đỉnh G7 đầu tiên được tổ chức tại châu Á trong vòng 8 năm qua.
Nhân dân địa phương hoan nghênh các nhà lãnh đạo G7 đến thăm đền Jsse Jingu. |
Dự kiến, các nhà lãnh đạo tham dự sẽ nhất trí thực thi các chiến lược tài khóa linh hoạt và xúc tiến các cải cách cơ cấu nhằm thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu.
Sau các cuộc thảo luận trong khuôn khổ Hội nghị, các nhà lãnh đạo có thể sẽ đưa ra tuyên bố bày tỏ "sự phản đối mạnh mẽ" đối với hành động xây đảo và quân sự hóa các tiền đồn trên Biển Đông.
Ngoài ra, các nhà lãnh đạo sẽ tìm cách thể hiện phản ứng thống nhất đối với cuộc khủng hoảng người tị nạn ở Syria, tình hình Ukraine, hoạt động phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên cũng như tình trạng trốn thuế sau vụ rò rỉ khối lượng tài liệu khổng lồ về các thiên đường trốn thuế trong "Hồ sơ Panama".
Các nhà lãnh đạo G7, đại diện Liên minh châu Âu và thống đốc tỉnh Mie trồng cây lưu niệm tại đền Ise Jingu ngày 26/5. Trong ảnh (từ trái sang): Thống đốc Eikei Suzuki, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk, Thủ tướng Italy Matteo Renzi, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Anh David Cameron, Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker. Ảnh: Kyodo |
Ngoài ra, tuyên bố này cũng được dự kiến nhấn mạnh 3 nguyên tắc pháp trị mà Thủ tướng Abe đề xuất năm 2014 đối với các tuyên bố chủ quyền trên biển. Những nguyên tắc này yêu cầu làm rõ các tuyên bố chủ quyền dựa trên luật pháp quốc tế, không sử dụng vũ lực hoặc ép buộc để đạt được những tuyên bố về chủ quyền, tìm cách giải quyết những tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình.
Tổng thống Barack Obama (trái) và Thủ tướng Nhật khi đi thăm đền Ise Jingu. Ảnh: Kyodo |
Trong ngày hội nghị thứ hai, các nhà lãnh đạo của bảy quốc gia gồm Indonesia, Việt Nam, Bangladesh, Papua New Guinea, Lào, Sri Lanka, Chad, cùng các lãnh đạo các thể chế toàn cầu gồm Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng thế giới (WB), Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB)... sẽ tham dự hội nghị G7 mở rộng. Dự kiến, vấn đề an ninh hàng hải sẽ là chủ đề thảo luận quan trọng tại hội nghị G7 mở rộng với chủ đề Ổn định và Thịnh vượng châu Á. Hội nghị G7 mở rộng cũng sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi “quy định của pháp luật,” ban hành các nguyên tắc dựa trên luật pháp quốc tế và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình. |