Chương trình nghệ thuật với chủ đề "Hoa Lư - Ngàn năm vang mãi". (Nguồn: TTXVN) |
Tham dự lễ khai mạc có ông Đinh Tiến Dũng - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội; ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Vũ Đức Đam - Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch cùng đại diện lãnh đạo các ban, ngành Trung ương, lãnh đạo một số tỉnh thành phố, các tổ chức, hiệp hội... cùng hơn 2.000 đại biểu khách mời và du khách thập phương.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, như các Lễ khai mạc Năm du lịch Quốc gia thường kỳ được tổ chức từ năm 2003 đến nay, Lễ hội này sẽ được tiếp nối bằng nhiều hoạt động trên phạm vi cả nước và cả ở nước ngoài nhằm quảng bá cho du lịch Việt Nam, đất nước, con người Việt Nam.
Theo Phó Thủ tướng, lễ khai mạc năm nay được diễn ra trong bối cảnh thế giới vẫn đang phải đối mặt với đại dịch Covid-19; ngành du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Với sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hy sinh quên mình của các lực lượng chức năng, đặc biệt là sự tham gia của nhân dân, Việt Nam đã và đang kiểm soát tốt dịch bệnh.
Những năm vừa qua, ngành du lịch nước ta có bước phát triển ấn tượng. Việt Nam đã trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch thế giới. Ninh Bình cũng được vinh danh là 1 trong 50 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới; 1 trong 20 điểm đến lý tưởng của du lịch khám phá và đặc biệt vừa qua, Ninh Bình được bầu chọn là Điểm đến hiếu khách nhất.
Để phát triển du lịch trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp hiện nay, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu người dân cùng nhau thực hiện thật nghiêm các quy định, hướng dẫn để có thể chung sống an toàn và phát triển trong đại dịch.
"Khi Việt Nam chưa thể mở cửa đón khách quốc tế thì đây là dịp tốt để du khách khám phá thêm những nét đẹp về thiên nhiên văn hóa của Tổ quốc, bồi đắp thêm tình yêu quê hương đất nước và lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Đối với các cơ quan nhà nước cũng như các cơ sở cung cấp dịch vụ, đây cũng là dịp rà soát lại những chính sách, chủ trương định hướng phát triển, hoàn thiện nâng cấp để các sản phẩm được nâng lên, sẵn sàng khi du lịch quốc tế mở cửa trở lại", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại Lễ khai mạc. |
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Nghị quyết số 08/NQ-TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn nêu rõ, ngành du lịch Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ nhưng tiềm năng, lợi thế vẫn còn nhiều đòi hỏi không ngừng nỗ lực và sáng tạo. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành cần phối hơp đề xuất chính sách hỗ trợ thiết thực phù hợp giúp ngành du lịch bớt phần nào khó khăn do đại dịch; chủ động đón khách quốc tế trở lại. Các cấp, ngành cần thực hiện các giải pháp để triển khai chuyển đổi số du lịch; chú trọng xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện, văn hóa; gìn giữ những giá trị truyền thống đặc sắc của dân tộc.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cần cụ thể hoá các chủ trương của Đảng, Nhà nước thành các chính sách cụ thể để khuyến khích tham gia cộng đồng doanh nghiệp, các hộ gia đình và mọi người dân tham gia đầu tư du lịch và các ngành dịch vụ liên quan đến du lịch.
Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cùng các bộ, ngành cần phối hợp với các hiệp hội đề xuất các chính sách hỗ trợ thiết thực và phù hợp để giúp ngành du lịch bớt được phần nào khó khăn do đại dịch Covid-19. Cùng với đó là việc chủ động để có thể đón du khách quốc tế trở lại một cách an toàn và hiệu quả khi điều kiện cho phép.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc phát biểu khai mạc Năm Du lịch. |
Tại lễ khai mạc, ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, cùng với những giá trị nổi bật toàn cầu về cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, địa chất, địa mạo và chiều sâu văn hóa, vùng đất Hoa Lư, Ninh Bình còn ghi dấu những sự kiện lịch sử oai hùng, trọng đại của đất nước. Ngày mùng 10 tháng 3 năm Mậu Thìn - 968, sau khi đánh dẹp và thu phục 12 sứ quân, thống nhất đất nước, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, định đô tại Hoa Lư, lấy niên hiệu là Thái Bình - gắn liền với thiết chế nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên trong lịch sử dân tộc, mở ra nền chính thống quốc gia, là sự tiếp nối quốc thống của các vua Hùng.
Các giá trị di sản văn hóa, di sản thiên nhiên tại địa phương luôn được các thế hệ người dân nơi đây gìn giữ, lưu truyền, tôn tạo, hiện hữu trong đời sống vật chất, tinh thần của người dân, trở thành nguồn lực vô giá cho hôm nay và mai sau.
Những năm qua, du lịch Ninh Bình đã có bước phát triển bứt phá, trở thành điểm sáng được nhiều chuyên trang du lịch quốc tế bình chọn là một trong những điểm đến hấp dẫn hàng đầu Việt Nam và thế giới. Tốc độ tăng trưởng khách bình quân giai đoạn 2010-2019 đạt trên 11%. Năm 2019, Ninh Bình đón gần 8 triệu lượt khách, tạo việc làm và sinh kế bền vững cho hàng chục nghìn người dân địa phương, tạo động lực thúc đẩy, định hướng chiến lược phát triển cho nhiều ngành, nhiều lĩnh vực.
Đặc biệt, năm 2021, Ninh Bình tiếp tục đăng cai tổ chức Năm Du lịch Quốc gia, đây vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh, cũng là cơ hội để khẳng định vị thế, hình ảnh du lịch Ninh Bình trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới.
Chương trình nghệ thuật với chủ đề "Hoa Lư - Ngàn năm vang mãi". (Nguồn: TTXVN) |
Sau lễ khai mạc là Chương trình nghệ thuật với chủ đề "Hoa Lư - Ngàn năm vang mãi" gồm ba chương: Hoa Lư thủa ấy; Nước non ngàn dặm và Việt Nam - I love You, với sự tham gia biểu diễn của khoảng 500 nghệ sĩ và nhân dân. Đây là chương trình nghệ thuật được dàn dựng công phu, thể hiện niềm tự hào về truyền thống vẻ vang của vùng đất lịch sử Cố đô Hoa Lư ngàn năm cũng như những bước chuyển mình mạnh mẽ của đất nước, của quê hương Ninh Bình và thể hiện niềm tin, kỳ vọng vào một tương lai tươi sáng.
Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Hoa Lư-Ngàn năm vang mãi”, gồm ba chương: Hoa Lư thủa ấy; Nước non ngàn dặm và Việt Nam - I love You, với sự tham gia biểu diễn của khoảng 500 nghệ sĩ và nhân dân là điểm nhấn của lễ khai mạc. Chương trình được dàn dựng công phu, thể hiện niềm tự hào về truyền thống văn hóa lịch sử của Cố đô Hoa Lư, cũng như những bước chuyển mình mạnh mẽ của đất nước và của quê hương Ninh Bình.
Chương trình nghệ thuật với chủ đề "Hoa Lư - Ngàn năm vang mãi". |
Trong năm 2021 sẽ có 38 hoạt động tổ chức tại Ninh Bình; 104 sự kiện do 27 tỉnh, thành phố khác hưởng ứng. Tại Ninh Bình sẽ diễn ra các lễ hội văn hóa du lịch đặc sắc, như: Lễ hội Cố đô Hoa Lư, lễ hội Tràng An, lễ hội chùa Bái Đính, tuần lễ Cúc Phương đại ngàn... các hội chợ, triển lãm thương mại, du lịch... Ninh Bình đã tập trung nguồn lực đầu tư đưa vào phục vụ khách du lịch một số sản phẩm mới, như: Chùa Vàng, chùa Bạc; du lịch thiền tại chùa Bái Đính; trung tâm bảo tồn gấu, công viên động vật hoang dã quốc gia; bãi biển Cồn Nổi...