Phát biểu khai mạc Ngày hội, Chủ tịch EUNIC Emmanuel Labrande cho biết, chương trình Ngày hội Sách châu Âu 2018 được tổ chức với sự đa dạng các tác phẩm đến từ Áo, Đan Mạch, Đức, Phần Lan, Pháp, CH. Czech, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Italy và Phái đoàn Wallonie–Bruxelles (Bỉ). Ông hy vọng thông qua các hoạt động đa dạng của ngày hội, độc giả có thể tìm được những cuốn sách phù hợp với mình.
Ngày hội sách châu Âu 2018 được tổ chức tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. (Nguồn: BTC) |
Cùng sự đa dạng của các tác phẩm đến từ 10 quốc gia châu Âu, Ngày hội Sách châu Âu còn là một sự kiện sống động, đa sắc màu nghệ thuật, có nhiều hoạt động cho người yêu sách như: giới thiệu sách, triển lãm, đọc truyện, thảo luận văn học, chiếu phim, các hoạt động tương tác và đặc biệt tuần lễ tôn vinh và giảm giá sách châu Âu…
Đặc biệt, một số tác phẩm văn học kinh điển của châu Âu nổi tiếng tại Việt Nam sẽ được phân tích sâu hơn qua các tọa đàm, buổi giới thiệu như: Thế giới huyền bí của Hans Christian Andersen, Những cuộc phiêu lưu của Don Quixote lừng danh và giám mã Sancho Panza, Thời nắng lịm của Eugen Ruge, Đời ong của Maurice Maeterlinc, Cái trống thiếc của Gunter Grass…
Ngoài ra, các cuốn sách, công trình nghiên cứu của tác giả châu Âu về Việt Nam cũng được giới thiệu trong dịp này. Trong đó, nổi bật là hai buổi giới thiệu những tác phẩm kinh điển của các học giả Pháp viết về Tây Nguyên, được Nhà xuất bản Tri Thức và Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh thực hiện ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, là Rừng người thượng (Henri Maitre) và Chúng tôi ăn rừng (Georges Condominas).
Ngày hội Sách (trước đây mang tên Những ngày Văn học châu Âu) được EUNIC tổ chức thường niên tại Hà Nội từ năm 2011 với sự hỗ trợ của Phái đoàn Liên minh châu Âu. Hoạt động này nhằm tôn vinh, chia sẻ những tinh hoa văn hóa từ châu Âu tới bạn đọc Việt Nam.
Năm nay, Ngày hội Sách châu Âu mang đến nhiều tác phẩm, nhiều hoạt động, giúp cho người tham dự không chỉ tiếp cận gần hơn với nền văn học mà còn với lối sống và văn hoá châu Âu.