Báo cáo kinh tế Hồi giáo toàn cầu ước tính, chi tiêu cho thực phẩm Halal đang tăng nhanh từ 1.400 tỷ USD năm 2020 lên 1.900 tỷ USD vào năm 2030 và gần 5.000 tỷ USD vào năm 2050. (Nguồn: Getty Images) |
Theo tiếng Arab, “Halal” có nghĩa là “hợp pháp” hay “hợp quy” (được phép), phù hợp với chuẩn mực và giá trị của Hồi giáo. Một sản phẩm, dịch vụ đáp ứng tiêu chuẩn Halal được xác nhận bằng văn bản cụ thể (chứng nhận Halal) và ký hiệu cụ thể (đóng dấu Halal).
Tiềm năng rộng lớn
Các nước Hồi giáo đều có tiêu chuẩn riêng đối với các sản phẩm Halal nói chung và hiện chưa có sự hài hòa, chấp nhận lẫn nhau. Các tiêu chuẩn Halal được sử dụng phổ biến hiện nay là: OIC/SMIIC của Viện Tiêu chuẩn đo lường các nước Hồi giáo thuộc Tổ chức hợp tác Hồi giáo (OIC), GSO của Tổ chức tiêu chuẩn hóa các nước Arab vùng Vịnh, MS của Malaysia...
Theo ước tính, quy mô nền kinh tế Halal toàn cầu đạt tới 7.000 tỷ USD năm 2022 và dự kiến tăng lên mức khoảng 10.000 tỷ USD trước năm 2028. Số người Hồi giáo hiện đang chiếm khoảng 24% dân số thế giới và có thể sẽ tăng thêm 3% vào năm 2050.
Báo cáo kinh tế Hồi giáo toàn cầu 2020 ước tính, chi tiêu cho thực phẩm Halal tăng nhanh từ 1.400 tỷ USD năm 2020 lên 1.900 tỷ USD vào năm 2030 và gần 5.000 tỷ USD vào năm 2050.
Thị trường tiêu thụ sản phẩm Halal phân bổ rộng khắp trên thế giới, từ các nước Hồi giáo đến phi Hồi giáo. Mức chi tiêu và sử dụng các sản phẩm Halal có xu hướng ngày càng tăng. Chiều ngược lại, các quốc gia sản xuất Halal lớn nhất trên thế giới phần lớn không phải là các quốc gia Hồi giáo. Theo báo cáo phát hành tháng 1/2023 của Tập đoàn IMARC, thị trường thực phẩm Halal được định giá hơn 2.000 tỷ USD vào năm 2022, vượt mốc dự kiến năm 2030.
Cơ hội với Việt Nam
Việt Nam có nhiều tiềm năng để sản xuất và xuất khẩu sản phẩm Halal khi sở hữu nguồn nguyên liệu thô dồi dào, lại nằm ở châu Á-nơi có khoảng 70% trong số 1,9 tỷ người Hồi giáo trên thế giới.
Hiện nhiều quốc gia là các thị trường tiêu dùng Hồi giáo hoặc xuất khẩu sản phẩm Halal lớn trên thế giới (như Hàn Quốc, Saudi Arabia, Indonesia, Malaysia…) bày tỏ quan tâm, mong muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong đầu tư, phát triển ngành Halal tại Việt Nam để phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Hơn nữa, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành Halal như: vị trí địa lý thuận lợi, thế mạnh về nông nghiệp, thực phẩm, du lịch, dịch vụ; hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, toàn diện khi tham gia nhiều liên kết kinh tế hàng đầu khu vực. Chính phủ rất quan tâm tới việc khai mở và hỗ trợ doanh nghiệp (DN) Việt Nam tham gia hiệu quả vào thị trường Halal toàn cầu…
Mặt khác, Việt Nam có nhiều cơ hội sản xuất và xuất khẩu thực phẩm Halal nhờ vào nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên. Chưa kể, việc là một thành viên của ASEAN đã kết nối Việt Nam với các thị trường Halal quan trọng ở châu Á. Việt Nam cũng nằm trong Nhóm công tác ASEAN về Thực phẩm Halal nhằm tăng cường mối quan hệ với các thị trường tiêu dùng Halal trong khu vực.
Việt Nam và một số quốc gia khác trong ASEAN đã bắt đầu đàm phán công nhận lẫn nhau về chứng nhận Halal. Điều này sẽ giúp các DN Việt Nam đạt được chứng nhận Halal dễ dàng và nhanh hơn ở Việt Nam, thay vì ở nước tiếp nhận. Việt Nam đã tham gia vào các cuộc thảo luận song phương về thực phẩm Halal với các quốc gia thành viên ASEAN khác.
Ngoài ra, Việt Nam ký kết nhiều FTA khác, chẳng hạn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tạo điều kiện lý tưởng cho các nhà đầu tư nước ngoài thông qua Việt Nam để thâm nhập thị trường thực phẩm Halal ở Đông Nam Á.
Đến nay, Việt Nam đã ban hành bốn tiêu chuẩn quốc gia TCVN lĩnh vực Halal, gồm: Thực phẩm Halal-Yêu cầu chung; Thực hành nông nghiệp tốt đối với cơ sở sản xuất Halal; Thức ăn chăn nuôi Halal; Thực phẩm Halal-Yêu cầu đối với giết mổ động vật. Đồng thời, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chứng nhận sản phẩm theo tiêu chuẩn Halal cho hai tổ chức. Bộ đang nghiên cứu xây dựng đề án thành lập Trung tâm chứng nhận Halal quốc gia và đang tích cực làm việc với các tổ chức chứng nhận Halal của các nước để triển khai ký kết việc thừa nhận lẫn nhau đối với các tiêu chuẩn kỹ thuật.
Việc tiêu chuẩn hóa các đối tượng liên quan đến sản phẩm Halal là một trong các biện pháp quan trọng nhằm đưa sản phẩm Halal của Việt Nam tiếp cận tốt hơn với thị trường Halal toàn cầu, góp phần tăng giá trị của chuỗi nông sản Việt Nam.
Quy mô nền kinh tế Halal toàn cầu là thị trường đầy tiềm năng với doanh nghiệp Việt Nam. |
Dấu hiệu tích cực
Theo Trung tâm Halal Việt Nam, Việt Nam có tiềm năng sản xuất hàng hóa Halal trị giá tới 34 tỷ USD cho các quốc gia OIC. Tuy nhiên, các DN trong nước mới đáp ứng được một phần nhu cầu của các thành viên OIC do DN phải có chứng nhận Halal cho các sản phẩm của mình.
Chứng nhận Halal phức tạp hơn các chứng nhận khác do quy trình kiểm tra cũng như không có tổ chức quốc tế thống nhất nào cấp, mỗi quốc gia có các cơ quan riêng của mình. Do đó, sản phẩm Halal phải đáp ứng tiêu chuẩn quy định của quốc gia sản xuất và cả quốc gia nhận hàng. Các DN gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu chứng nhận Halal.
Những năm gần đây, dấu hiệu tích cực là số lượng DN Việt đạt được chứng nhận Halal ngày càng tăng với khoảng gần 1.000 DN. Top 10 tỉnh, thành có nhiều DN đạt chứng nhận Halal gồm: Cần Thơ, Hà Nội, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Phú Thọ, Bến Tre, Vĩnh Phúc, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Kiên Giang. Năm lĩnh vực có DN đạt chứng nhận Halal nhiều nhất gồm: Thủy, hải sản, chè, trà, đồ ngọt, sản phẩm từ đường, phở, bún, bánh tráng, rau củ quả (tươi/sấy)…
Ngày 14/2/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030”, trong đó Bộ Ngoại giao được giao là cơ quan đầu mối, chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương và DN trong quá trình triển khai sẽ khai mở thị trường Halal tiềm năng này.
Hiện nay, Bộ Ngoại giao đã xây dựng Kế hoạch hành động triển khai Đề án trong năm 2023, trong đó tập trung theo các nhóm giải pháp lớn như: lồng ghép nội dung phát triển ngành Halal Việt Nam trong hợp tác song phương với các đối tác; thúc đẩy ký kết các thỏa thuận nhằm tạo khuôn khổ pháp lý để tăng cường hợp tác quốc tế về Halal; đẩy mạnh nghiên cứu, cung cấp thông tin liên quan tới Halal, nhất là về chính sách thương mại, văn hóa Hồi giáo, chứng nhận Halal…; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đầu tư về sản phẩm, dịch vụ Halal; hỗ trợ, kết nối các địa phương, DN Việt Nam với các thị trường Halal toàn cầu...
Đồng thời, Bộ đang tích cực phối hợp với các bộ, ban, ngành và tỉnh, thành liên quan thúc đẩy mạnh mẽ thông tin, tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức của người dân, DN, địa phương về các thông tin cơ bản liên quan Halal như: khái niệm, tiêu chuẩn, chứng nhận, xu thế phát triển của thị trường Halal và văn hóa, kinh doanh với người Hồi giáo…
Bên cạnh đó là hỗ trợ, khuyến khích các DN, địa phương sản xuất sản phẩm, dịch vụ đạt tiêu chuẩn Halal, gắn với quy hoạch phát triển ngành, địa phương để tham gia sâu và hiệu quả vào thị trường Halal toàn cầu, đồng thời quảng bá hình ảnh, thương hiệu các sản phẩm, dịch vụ đạt tiêu chuẩn Halal của Việt Nam trên bản đồ Halal toàn cầu. Đặc biệt là xây dựng, hoàn thiện cơ chế quản lý phù hợp, hướng tới từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý trong chứng nhận, quản lý, phát triển tiêu chuẩn Halal...
Với tinh thần ngoại giao phục vụ kinh tế và phát triển, Bộ Ngoại giao với vai trò “mở đường, đồng hành” đã, đang và sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan sát cánh, hỗ trợ các địa phương, DN trong tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển ngành Halal Việt Nam toàn diện, chuyên nghiệp, nhằm khai mở một thị trường lớn, tiềm năng và tạo thêm sinh lực mới cho sự phát triển kinh tế bền vững của đất nước.