📞

Khai thông xuất khẩu chính ngạch nông sản sang Trung Quốc

13:28 | 26/02/2023
Nếu không đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng, mẫu mã, an toàn thực phẩm khắt khe thì nông sản Việt Nam rất khó thâm nhập vào thị trường Trung Quốc theo đường chính ngạch.
Sơ chế tổ yến tại một doanh nghiệp. Ảnh minh họa. (Nguồn: Kinh tế & Đô thị)

Nông sản xuất khẩu đắt hàng, tăng giá

Dù mới được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc (tháng 9/2022) nhưng sầu riêng Việt Nam được kỳ vọng trở thành loại trái cây có giá trị xuất khẩu vượt 1 tỷ USD.

Giá trị sầu riêng xuất khẩu tăng gấp 2, thậm chí gấp 3 lần so với trước đây đã tạo động lực mạnh mẽ để người nông dân mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và các quy trình quản lý, kiểm dịch thực vật theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Qua đó, số lượng các vùng trồng đạt chuẩn sẽ ngày càng được nâng cao.

Theo ước tính của Bộ Công Thương, dự kiến mỗi năm, có ít nhất 68.000 tấn sầu riêng "made in Vietnam" được bày bán tại các cửa hàng, chuỗi siêu thị của Trung Quốc. Tuy nhiên, để trái sầu riêng mang về giá trị tỷ USD, cần có những giải pháp mang tính bài bản, chuyên sâu, nhằm phát triển mặt hàng này một cách bền vững, cũng như phòng chống các rủi ro trong thương mại.

Chia sẻ niềm vui khi sản phẩm tổ yến của doanh nghiệp đang được phía Trung Quốc ưa chuộng, Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển tổ yến Việt Nam Trần Phương Tuấn cho hay, khách hàng nước bạn đặc biệt đánh giá cao sản phẩm tổ yến Việt Nam. Ngay khi có thông tin tổ yến Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, các đối tác nước bạn liên tục đề nghị doanh nghiệp cung cấp hồ sơ để ký kết hợp đồng.

Đến thời điểm này, doanh nghiệp đã tìm hiểu kỹ và tuân thủ đúng, đầy đủ các yêu cầu của phía Trung Quốc về điều kiện quản lý cơ sở nuôi chim yến, chế biến tổ yến nhằm đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm tổ yến xuất khẩu theo đúng quy định.

“Chúng tôi mong muốn được Bộ NN&PTNT hỗ trợ, Văn phòng SPS Việt Nam hướng dẫn đăng ký DN xuất khẩu tổ yến trên hệ thống đăng ký của Tổng cục Hải quan Trung Quốc và hướng dẫn quản lý an toàn thực phẩm” – ông Trần Phương Tuấn đề xuất.

Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy đến nay, Việt Nam đã có 13 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, gồm: Tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, vải, chanh dây và sầu riêng.

Chú trọng thương hiệu và tiêu chuẩn chất lượng

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, chi phí logistic và hạ tầng phục vụ xuất khẩu vẫn là “điểm trừ” của xuất khẩu hàng hóa Việt Nam nói chung. Trong khi đó, việc Trung Quốc đã khai thông đường sắt tới Lào và Thái Lan mới đây, đã rút ngắn khoảng cách vận chuyển hàng hóa, nông sản xuống còn 1 ngày và giảm chi phí tới hơn 20%. Đây là bài toán cạnh tranh lớn của nông sản Việt khi thâm nhập vào thị trường 1,4 tỷ dân này.

PGS.TS Phạm Tất Thắng - Chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương) cho rằng, cả hai nước Việt - Trung cần hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đảm bảo khâu kiểm dịch hàng nông sản tại ga đường sắt Đồng Đăng - Bằng Tường và ga đường sắt Lào Cai - Hà Khẩu. Đồng thời, tăng cường hợp tác, đầu tư kho lạnh, kho bảo quản hàng nông sản tại khu vực hai bên biên giới của mỗi nước.

Đề cập giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) Tô Ngọc Sơn khuyến cáo, các địa phương, cơ quan quản lý nên xây dựng chiến lược phát triển ngành, xây dựng thương hiệu song song với xây dựng vùng sản xuất, vùng nuôi trồng chuyên canh tập trung, quy mô lớn dựa theo tín hiệu thị trường.

Với doanh nghiệp, cần thường xuyên cập nhật và tuân thủ quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của thị trường Trung Quốc. Cùng với đó, doanh nghiệp phải chú trọng xây dựng thương hiệu, bảo vệ thương hiệu và nghiên cứu kỹ nhu cầu, xu thế phát triển của thị trường.

Ngoài ra, cần xây dựng đội ngũ nhân viên thông thạo thị trường, ngôn ngữ, tận dụng tuyến vận tải đường sắt liên vận Việt Nam - Trung Quốc và thúc đẩy khai thác thị trường thông qua hình thức thương mại điện tử.

Về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) Huỳnh Tấn Đạt khuyến cáo, để được chấp thuận xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, DN phải đảm bảo đầy đủ thông tin theo quy định, chứng minh đầy đủ thành phần hồ sơ liên quan đến công đoạn sản xuất ngoài đồng ruộng đến thu hoạch, sơ chế, chế biến đảm bảo an toàn thực phẩm theo Lệnh 248 và 249.

“Các doanh nghiêoj cần hoàn thiện hết các hồ sơ nói trên, sau đó gửi về Cục Bảo vệ thực vật để tiếp tục giới thiệu sang Trung Quốc. Khoảng 2 - 3 tháng/lần, theo các danh sách mặt hàng, Cục sẽ gửi cho phía nước bạn xem xét phê duyệt” - ông Huỳnh Tấn Đạt lưu ý.

(theo Kinh tế & Đô thị)