Ảnh minh họa |
Nỗi buồn của ông Lamy
Người đứng đầu WTO cho biết, bất đồng giữa các bên trong đàm phán liên quan đến một loạt lĩnh vực quá lớn nên chưa thể ra được dự thảo văn bản đàm phán vào cuối tháng 4 như các nước thành viên đã nhất trí. Ông thừa nhận bế tắc ở lĩnh vực tiếp cận thị trường hàng phi nông nghiệp (NAMA) là cản trở lớn nhất đối với tiến trình. Lĩnh vực này đề cập đến những cam kết của các nền kinh tế lớn, kể cả các nền kinh tế mới nổi, về cắt giảm thuế nhập khẩu khi mở cửa thị trường hàng phi nông sản.
Trong khi đó, khoảng cách giữa Mỹ và Trung Quốc trong đàm phán không những lớn mà còn ngày càng khó, nếu không nói là không thể lấp được. Theo nguồn tin WTO, trong tuần qua, tình hình rất xấu trong các phiên đàm phán về tự do hóa thương mại liên quan tới những sản phẩm công nghiệp. Tại các phiên đàm phán này, Mỹ liên tục yêu cầu Trung Quốc và các quốc gia khác hạ thấp đáng kể mức thuế đối với hàng hóa nhập khẩu. Theo đánh giá của một chuyên gia phái đoàn Brazil, nếu nhượng bộ yêu cầu này, Brazil sẽ phải giảm mức thuế quan xuống dưới 8% đối với 3000 dòng thuế. Điều này là không thể chấp nhận được đối với các doanh nghiệp Brazil.
Thực tế, những bất đồng về mức thuế quan đối với các sản phẩm công nghiệp chỉ là một bất đồng nhỏ trong vô vàn những bất đồng khác. Bên cạnh những đòi hỏi nêu trên, Mỹ lại thẳng thừng từ chối những yêu cầu của các quốc gia thành viên khác trong việc loại bỏ trợ cấp về nông nghiệp và công nghiệp.
Đó là những lý do để ông Lamy luôn sốt sắng, tiên phong thúc đẩy các quốc gia thành viên kết thúc đàm phán. Ông đã không ngừng tuyên bố rằng, thỏa thuận chung về các vấn đề đã đạt được 80% và chỉ cần nỗ lực của các bên là có thể đạt được số phần trăm còn lại. Ông cho biết trong tháng này sẽ tham vấn các thành viên nhằm tìm hiểu rõ hơn khoảng cách trong đàm phán NAMA, để từ đó ra quyết định cho những bước tiếp theo. Ông kêu gọi các bên cần phải suy nghĩ về những hậu quả đối với hệ thống thương mại đa phương mà các nước thành viên đã xây dựng hơn 70 năm qua nếu vòng Doha thất bại. Khi đó, nền kinh tế thế giới sẽ bị đe dọa, đặc biệt đối với các nước kém phát triển nhất và các nước nhỏ hơn phải phụ thuộc nhiều vào hệ thống thương mại toàn cầu.
Tất nhiên, cũng có những người giữ được vẻ lạc quan như Đại sứ phái đoàn Thụy Sĩ, kiêm Chủ tịch Ủy ban đàm phán về các sản phẩm công nghiệp - Luzius Wasescha, khi cho rằng sẽ có thể có được văn bản dự thảo hiệp định vào cuối tháng này. Tuy nhiên, đó sẽ là văn bản không đầy đủ, nhưng sẽ cho phép phân tích một cách sáng suốt những vấn đề có thể và không thể đàm phán. Nhưng vừa qua, Đại sứ New Zealand, kiêm Chủ tịch Ủy ban đàm phán về nông nghiệp - David Walker lại tiết lộ rằng, các quốc gia thành viên đã không đóng góp một chi tiết mới nào vào dự thảo hiệp định đã được chuẩn bị từ tháng 12/2008.
Giám đốc Văn phòng Nhà nước phụ trách chính sách kinh tế Thụy Sĩ - Jean Daniel Gerber phân tích, nếu vòng Doha không thỏa thuận được trong năm nay, thì sẽ là thất bại rất nặng nề, bởi sẽ không có hy vọng gì trong 2012 - năm bầu cử ở Mỹ và Pháp. Đây cũng chính là lý do khiến ông Lamy phải triệu tập một cuộc họp khẩn cấp vào tối 28/03 để bàn tới vấn đề công bố văn bản dự thảo hiệp định.
Đồng thuận 153 lợi ích?
Đáp lại mong mỏi của ông Lamy, tuyên bố "khai tử vòng Doha" cho thấy rõ sự bế tắc tại WTO. Trước đó, Đại sứ Mỹ tại WTO - Michael Punke, cũng đã khẳng định, "Mỹ đồng ý quan điểm với các quốc gia thành viên rằng những tiến bộ như mong muốn đã không xảy ra... Nguyên nhân là do có sự bất đồng quá lớn".
Đánh giá về cơ may thành công, ông Gerber đã rất thận trọng, 153 quốc gia thành viên WTO cùng bảo vệ lợi ích của họ trong nhiều lĩnh vực, vì vậy, rất khó có thể đạt được sự đồng thuận. Vạch kế hoạch dài hơi hơn, ông này cho rằng, nếu vòng Doha lại thất bại, thì cần phải tìm thêm các giải pháp khác để thúc đẩy tự do hóa thương mại, như tiến hành ký kết các hiệp định giữa các quốc gia muốn mở cửa thị trường với nhau.
Được khởi động vào năm 2001, vòng đàm phán Doha dự kiến kết thúc vào năm 2004, tuy vậy, nhiều mốc thời gian đã đặt ra đều không thực hiện được vì không tìm được tiếng nói chung. Mặc dù vậy, tại mỗi hội nghị, các nhà đàm phán đều thống nhất một kỳ hạn mới nhằm tìm kiếm một thỏa thuận chung. Kết thúc vòng Doha vào cuối 2011 cũng là một cái đích mới.
An Sinh