TIN LIÊN QUAN | |
Nhớ lại một bài thơ Anh | |
Những hành tinh khác có người không? |
Ở Pháp có xuất bản một “Tủ sách” tên là “Đề cập mới” nhằm mang lại cho độc giả “Một nghệ thuật đọc, hay đọc lại” để khám phá ra những cái mới trong những cuốn sách cũ.
Thuộc loại này có thể liệt tập “Truyện cổ Andersen”, tác giả Đan Mạch thế kỷ XIX. Chúng ta ai chẳng đã từng đọc từ hồi còn bé một vài truyện của ông như “Cô bé bán diêm”, “Bộ y phục mới của Hoàng đế”... và lớn lên ta không đọc lại nữa, chỉ mua cho con cháu đọc, yên chí đó là truyện thần tiên dành cho trẻ con. Chúng ta đã nhầm to.
Một tập “Truyện cổ Andersen” dịch sang tiếng Anh ra đời cách đây vài năm ở quê hương Odense của ông, được đánh giá là đầy đủ nhất và lột được tinh thần nguyên bản nhất. Trong bài giới thiệu đầu sách, một chuyên gia về Andersen đưa ra một số nhận xét có tính phê phán về vấn đề Andersen bị hiểu nhầm hoặc dịch sai. Cái tác hại cho Andersen là ngay khi còn sống, đã quá ư nổi tiếng là nhà văn viết cho thiếu nhi: cho đến nay, trên thế giới nhiều người vẫn yên chí là như vậy, mà không biết là ông là một nhà văn xuất sắc cho cả người lớn, có những truyện thâm thúy chỉ người lớn mới hiểu được, trẻ con không hiểu nổi hoặc chỉ hiểu một phần. Cũng do thành kiến này mà trên thế giới, các nhà xuất bản ra tuyển tập Andersen chỉ chọn truyện cho trẻ con, khiến độc giả bị thiệt thòi lớn. Hơn nữa, các bản dịch hầu như không lột tả được văn phong và tính cách Andersen, vừa giản dị vừa sâu sắc, vừa mơ mộng lãng mạn vừa hiện thực, vừa hồn nhiên vừa mỉa mai hài hước, vừa bi vừa lạc, toát lên một tình người và sự khoan dung bao la.
Tất cả những nhận xét trên hẳn cũng phù hợp với một số bản dịch Andersen ở Việt Nam. So ba bản dịch từ tiếng Pháp ở Việt Nam mà tôi có trong tay với bản Odense thì thấy các dịch giả quá ư tự tiện thêm bớt, bỏ chỗ không hiểu, dịch sai khá nhiều, hầu như không có truyện cho người lớn. Thật là đáng tiếc. Nhân đây, tôi cũng xin giới thiệu truyện “Chiếc ấm” để các bạn cao tuổi thưởng thức khi uống trà. Truyện này hình như chưa được in ở Việt Nam.
Chiếc ấm
Có một chiếc ấm trà đầy hãnh diện, hãnh diện vì bằng sứ, hãnh diện vì vòi ấm dài, hãnh diện vì quai ấm rộng. Ấm có trước, có sau - Vòi ở trước và quai ở sau, ấm thích nhắc đến những thứ đó. Ấm chẳng bao giờ nhắc đến nắp, vì nắp bị nứt, bị hàn lại, nắp đã có khiếm khuyết. Mà ở đời, ít ai chịu nói đến những khiếm khuyết, để cho người khác nói là đủ. Những chiếc chén, lọ đựng kem, và hộp đường, tất cả bộ đồ trà dĩ nhiên là dễ nhớ hơn chiếc nắp dễ vỡ, và đàm tiếu về cái nắp mỏng manh chẳng hơn về chiếc quai bền và chiếc vòi tuyệt mỹ ư? Ấm quá hiểu điều này.
- Ta biết chúng mà - ấm tự nhủ - ta cũng hiểu rõ những nhược điểm của riêng ta và chấp nhận chúng, do đó mà ta tỏ ra nhún nhường và khiêm tốn. Tất cả chúng ta ai chả có thiếu sót, dù cũng có nhiều tài, phải vậy không? Chén thì có quai, hộp đường có nắp, còn ta có cả hai, vừa nắp, vừa quai, lại còn thêm một thứ ở đằng trước mà bọn chúng sẽ chẳng bao giờ có cả: ta có một chiếc vòi - khiến ta trở thành nữ hoàng bàn nước. Hộp đường và lọ kem thì phục vụ cho khẩu vị, nhưng ta là bà chủ. Ta rót phước lành cho thiên hạ đang khát, trong lòng ta, những lá chè tàu được pha với nước sôi - thứ nước trắng, không mùi vị.
Ấm đã tâm sự tất cả điều này vào những ngày tháng tuổi trẻ, tự tin. Ấm hiên ngang trên bàn nước, một bàn tay thon thả nhất đã nhấc ấm lên; nhưng cái bàn tay thon thả ấy lại lóng ngóng và ấm bị rơi. Vòi gãy, quai gãy, và nắp - nói làm quái gì đến nó, vì đã nói quá đủ rồi.
Ấm nằm bất tỉnh nhân sự trên sàn, nước sôi đổ tung tóe. Quả là một chùy nặng mà ấm phải gánh chịu, nhưng đòn nặng nhất là cái kiểu người ta cười nhạo. Họ cười ấm, mà lại chẳng cười bàn tay hậu đậu!
- Ta sẽ chẳng bao giờ quên điều đó - ấm nói sau này, khi hồi tưởng lại chuyện đời - Họ bảo ta là đồ bỏ đi. Ta bị gạt vào xó nhà và ngày hôm sau, bị đem cho một người đàn bà ăn mày đến xin mỡ. Ta cùng đường rồi, chẳng thể thốt nên lời, dù nói to hay thầm nhủ. Tuy vậy, từ đó, một cuộc sống khá hơn bắt đầu với ta. Khởi đầu ta là một vật này, rồi tiếp theo, ta biến thành một thứ hoàn toàn khác. Họ lèn đất vào trong ta. Đối với chiếc ấm pha trà, điều đó có nghĩa là bị mai táng! Nhưng trong đất có một rễ cây hoa hình củ. Ai đặt rễ củ ở đó? Ai cho rễ củ? Ta chẳng biết, song nó để bù cho những lá chè tàu với nước sôi, một vật thay thế cho quai và vòi ấm đã gãy.
Rễ củ nằm trong đất, rễ củ cũng nằm trong ta và trở thành trái tim ta, trái tim đang sống của ta, ta chưa từng có như thế trước đây. Có cuộc sống trong ta, có sức mạnh và năng lực. Mạch đập của ta, rễ củ nhú mầm, rồi nó gần như bật lên với biết bao tâm tư, tình cảm, nó nở hoa. Ta ngắm hoa, ta ôm ấp hoa, ta quên mình trong vẻ đẹp trẻ trung lộng lẫy của hoa. Thật tuyệt vời được quên mình để hòa nhập vào người khác. Hoa chẳng bao giờ cảm ơn ta, chẳng bao giờ nghĩ đến ta một chút… Hoa được ngợi ca, hoa được chiêm ngưỡng. Tất cả điều đó khiến ta vui thích, nhưng hoa hẳn cũng là vui thích biết bao. Rồi đến một ngày, ta nghe có ai bảo rằng hoa xứng đáng với một chiếc chậu cảnh đẹp hơn. Họ đã phang ta ở chính giữa, khiến ta hết sức đau đớn. Nhưng hoa được đánh sang một chậu đẹp hơn, còn ta bị quẳng ra sân, nằm trơ ở đó như những mảnh sành cũ kỹ… Nhưng ta vẫn giữ những kỷ niệm mà không ai tước đoạt được.
Văn chương và tàu đắm Nhà văn Đức Guenter Grass, giải thưởng Nobel năm 1999, đã cho ra đời một truyện kể về vụ đắm tàu W. Gustloff vào tháng ... |
Người Hà Nội nhớ tiếng leng keng Tôi sinh ra và lớn lên ở phố Hàng Gai thuộc khu phố cổ Hà Nội. Nhà bán tạp hóa lấy tên là Bảo Hợp, ... |
Giá trị văn khắc trên bia cổ của Trung Hoa Những bia cổ đã gợi hứng cho nhà văn Pháp Segalen viết cuốn Những tấm bia, một tác phẩm vượt lên trên tính “xa lạ” (exotisme) ... |