Cháy rừng gây ra nhiều thiệt hại về mọi mặt. (Nguồn: Popmech) |
Hỏa hoạn - với nhiệt độ ngọn lửa có thể đạt tới 800-900°C - luôn đồng hành với sự tồn tại của loài người và trong các vụ cháy, nổ trên thế giới, cháy rừng là thảm họa khủng khiếp nhất. Các vụ cháy rừng lớn trên thế giới có thể kể đến là vụ cháy năm 1939 và năm 2009 ở Australia, vụ cháy gần thành phố Chita (Nga) năm 2015, vụ cháy tại thị trấn Rafina (Hy Lạp) năm 2018, vụ cháy ở Bắc California (Mỹ) năm 2018 và mới đây nhất là vụ cháy rừng Amazon ở Brazil…
Ngay lúc này, phần rừng trên lãnh thổ Brazil của Amazon (vốn trải dài 9 quốc gia và là rừng mưa lớn nhất thế giới, rộng bằng nửa nước Mỹ, được mệnh danh là lá phổi của hành tinh, tạo ra khoảng 20% lượng ôxy của cả thế giới) hiện đang bị “giặc lửa” tàn phá. Dữ liệu vệ tinh khu vực Amazon cho thấy, từ đầu năm đến nay, có tới 75.000 vụ cháy rừng, nhiều hơn cả năm 2016 - năm "kỷ lục" với khoảng 68.000 vụ.
Nguyên lý dập lửa bằng bom
Về mặt vật lý, một đám cháy chỉ xảy ra khi hội tụ ba yếu tố là oxy, nguồn nhiệt và chất cháy, với các điều kiện đủ là hàm lượng oxy từ 14% trở lên, nguồn nhiệt đạt tới giới hạn bắt cháy của chất cháy, và thời gian tiếp xúc của 3 yếu tố đủ để xuất hiện sự cháy. Dó đó, nguyên lý phòng ngừa và dập các đám cháy là loại bỏ một trong những yếu tố tạo thành sự cháy.
Bom dập lửa ASP-500. (Nguồn: RG) |
Người ta sử dụng bốn phương pháp chính để dập tắt các đám cháy là làm lạnh, cách ly, giảm nồng độ các chất phản ứng và ức chế hóa học phản ứng cháy. Để dập cháy, người ta sử dụng nhiều phương tiện khác nhau như các loại vải đặc biệt, súng phun nước, bình chữa cháy (lỏng, bọt, khí, bột)… cùng nhiều thiết bị phức tạp khác, như sử dụng sóng âm, sóng xung kích của vụ nổ… Liên Xô là quốc gia đầu tiên sử dụng một vụ nổ hạt nhân công suất 30 kt vào 12/1963 để dập tắt ngọn lửa khí đốt kéo dài tới ba năm tại giếng khí Urta-Bulak trên lãnh thổ của Kazakhstan.
Tại Nga, vào những năm 90 của thế kỷ trước, Hiệp hội nghiên cứu và sản xuất Bazalt đã từng cho ra đời bom hàng không ASP-500 (АСП-500) để loại bỏ các đám cháy, được thử nghiệm vào đầu những năm 2000. ASP-500 có khối lượng 525kg, dài 3295mm; đường kính 500mm. Hiện Nga đã sản xuất được khoảng 2.000 quả. Nó được dùng để khoanh vùng các đám cháy rừng và ngăn chặn các cơn bão lửa trong các vụ tai nạn và thảm họa công nghiệp, tung chất độn (nước) bằng cách nổ, đảm bảo hắt gần 100% khối lượng chất dập cháy vào đám lửa và tạo ra sóng xung kích - một yếu tố chữa cháy bổ sung.
Thử nghiệm dập lửa bằng ASP. (Nguồn: Pikabu) |
Hiện nay, các nhà kỹ thuật đang muốn tạo ra một loại bom mới 250kg để dập các đám cháy rừng. Theo Tổng Giám đốc Kronstadt - một nhánh của tập đoàn nhà nước Rostec đang tham gia vào việc tạo ra các UAV (máy bay không người lái). Người ta sẽ dùng UAV giám sát rừng. Ngay khi phát hiện nguồn phát lửa, UAV sẽ ngay lập tức thả bom được nhồi bằng một hợp chất chữa cháy đặc biệt. Một quả bom như vậy có thể bao phủ 500m2, và đối với đám lửa lớn hơn, sẽ dùng bom 500kg. Bằng cách đó, có thể loại bỏ một đám cháy rừng ngay từ lúc nó mới nhen nhóm.
Theo các chuyên gia, với việc xả nước thông thường từ máy bay, phần lớn chất lỏng không đến được ngọn lửa, bởi vì luồng không khí nóng và hiện tượng đối lưu, làm phân tán và bay hơi, chỉ một lượng nhỏ chất chữa cháy lọt được vào khu vực cháy. Còn quả bom không bị thổi bay bởi luồng không khí nóng, sẽ rơi xuống đất. Ngoài ra, một loại bột đặc biệt sẽ được bom phát tán ở tâm nổ để dập cháy.
Đồng thời, việc sử dụng UAV để phân tán hỗn hợp dập lửa trong quá trình chữa cháy rẻ hơn đáng kể so với các lựa chọn khác (pháo, tên lửa); nếu bom được nạp bằng nước, hiệu quả đạt được cao hơn do lượng nước tối đa được tung đến đám lửa so với phương pháp xả nước từ máy bay truyền thống. Bom dập cháy Basalt không chỉ được sử dụng từ máy bay hoặc trực thăng, mà có thể được lắp đặt xung quanh một cơ sở dự phòng chiến lược quan trọng. Khi hỏa hoạn xảy ra, ASP-500 sẽ tự động phát nổ và dập cháy.
Dập lửa nhanh, rẻ, hiệu quả rõ ràng
Theo nhà sản xuất, ASP-500 là một lựa chọn tốt để dập tắt đám cháy rừng ở khu vực ô nhiễm phóng xạ. Trong trường hợp này, lượng phát thải tro phóng xạ vào khí quyển giảm mạnh và sự tiếp xúc của lính cứu hỏa với các sản phẩm phóng xạ của đốt rừng được giảm thiểu. Loại bom mới này có thể được ném từ hầu hết các loại máy bay và trực thăng quân sự. Ngoài ra, các thử nghiệm đã được thực hiện trên IL-76 (mỗi lần cất cánh, có thể dập lửa cho diện tích 10 ha) và An-12 dân sự.
Ý tưởng về những quả bom dập cháy được sinh khi các phi công mong muốn tạo ra những quả bom đặc biệt gồm nhiều cỡ khác nhau, an toàn và đồng thời sử dụng cho hai mục đích: huấn luyện và chống hỏa hoạn. Khi một đám cháy lớn bắt đầu ở đâu đó, những chiếc Su-24 hay thậm chí là những chiếc Tu-160 chiến lược đã được trang bị kỹ năng ném bom, sẽ dùng ASP-500 để dập tắt đám cháy.
Nếu phân xưởng của một nhà máy bị cháy, máy bay cường kích Su-25 sẽ dập tắt đám cháy bằng cách bổ nhào và ném vào cửa sổ của tòa nhà cao tầng đang cháy các quả bom có lái dẫn với khối lượng thích hợp. Những quả bom này phát nổ theo cách riêng, thực tế không nhất thiết được kích nổ, một hỗn hợp dập lửa có thể được kích hoạt để phun hỗn hợp dập cháy vào tâm đám cháy.
Trong trường hợp có đám cháy lớn, biến thành cơn bão lửa, bom có thể được sử dụng theo ba giai đoạn. Đầu tiên là các máy bay ném bom, với sự giúp đỡ của ASP sẽ hạ hỏa và nhiệt. Sau đó, các máy bay IL-76 và Be-200 sẽ rải chất chống cháy. Và cuối cùng, các máy bay trực thăng Mi-26, Mi-8 và Ka-32P xả nước ở độ cao thấp để loại bỏ hoàn toàn các điểm cháy lẻ cuối cùng. Nếu tổ chức tốt, việc dập thảm lửa như vậy sẽ mất không quá một giờ, thay vì kéo dài tới hàng tháng với chi phí tài chính lớn và kết quả thì không rõ ràng.