Các nhà phân tích từ Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) tin rằng, nền kinh tế Triều Tiên đang ngày càng định hướng thị trường, dù các quy tắc kinh tế theo kế hoạch vẫn đang tồn tại. Điều này có thể cho thấy, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã sẵn sàng với những cải cách sâu rộng ở nền kinh tế bí ẩn này.
Cuộc cách mạng kinh tế
Dù các số liệu thông kê chi tiết về nền kinh tế Triều Tiên không còn được công bố từ thập niên 60 của thế kỷ XX, nhưng theo những con số cơ bản được BOK ước tính, những năm gần đây, kinh tế Triều Tiên tăng trưởng khoảng 1-5%/năm. Năm 2017, tăng trưởng GDP của Triều Tiên đạt khoảng 3,5%, còn năm 2016 là 3,9% - cao nhất từ đầu những năm 2000.
Năm 2017, tăng trưởng GDP của Triều Tiên đạt khoảng 3,5%, còn năm 2016 là 3,9% - cao nhất từ đầu những năm 2000. (Nguồn: AP) |
Mới đây, trả lời phỏng vấn hãng tin Kyodo News, Giáo sư Ri Gi Song, chuyên gia kinh tế hàng đầu tại Sở nghiên cứu kinh tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học - Xã hội Bình Nhưỡng tiết lộ, GDP Triều Tiên năm 2016 đạt 29,595 tỷ USD và năm 2017 đạt 30,704 tỷ USD. Dựa trên số liệu này, GDP bình quân đầu người của Triều Tiên năm 2017 ước tính khoảng 1.214 USD, tương đương với mức bình quân của Myanmar.
Tất nhiên, các con số ước tính trên hiện chưa kiểm chứng được độ chính xác, nhưng trên tờ New York Times, khách du lịch và các nhà kinh tế học nghiên cứu về Triều Tiên đều có chung nhận định, bất chấp các lệnh trừng phạt cũng như quá trình cô lập kéo dài hàng thập kỷ, kinh tế nước này đang cho thấy các dấu hiệu trỗi dậy đáng ngạc nhiên. Năm 2018, Chủ tịch Kim Jong-un tuyên bố chiến lược mới của Triều Tiên là tập trung toàn bộ vào xây dựng kinh tế, thay cho mục tiêu đã hoàn thành, là theo đuổi chính sách phát triển đồng thời cả kinh tế và quân sự đưa ra từ năm 2013.
Theo kế hoạch kinh tế 5 năm công bố năm 2016, Chủ tịch Triều Tiên đã tăng quyền tự chủ cho các nhà máy quốc doanh, để họ tự do chọn mặt hàng có thể sản xuất, tìm nhà cung cấp, khách hàng, miễn là đạt mục tiêu doanh thu; khuyến khích tăng nội địa hóa sản xuất. Giới chuyên gia kinh tế cũng đã bắt đầu bàn đến vấn đề thị trường hướng người tiêu dùng, liên doanh và đặc khu kinh tế.
Những thay đổi đó được cho là đã châm ngòi cho sự bùng nổ nhu cầu xây dựng chưa từng có ở Triều Tiên, đặc biệt là thủ đô Bình Nhưỡng. Diện mạo mới của Thủ đô đã khiến người ta khó nhận ra so với hình ảnh cách đây 10 năm. Nhiều tòa nhà chung cư mới với hàng nghìn căn hộ, đáp ứng nhu cầu của tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh tại Triều Tiên. Các công trình như rạp hát, công viên nước, sân bay, hay trung tâm công nghệ khoa học cũng bắt đầu xuất hiện nhiều hơn.
Tại sân bay Bình Nhưỡng, một nhà ga quốc tế mới đã đi vào hoạt động từ năm 2015. Đây là một sân bay hiện đại với trần cao, cửa kính, tiệm cafe, cửa hàng và cả khu vực bán đồ miễn thuế.
Các khu chợ đang xuất hiện ngày càng nhiều trên cả nước. Triều Tiên giờ đây đã có những trung tâm mua sắm hiện đại, từ tivi màn hình phẳng cho đến hàng gia dụng. Hơn 400 chợ được chính phủ cho phép hoạt động, gấp đôi so với cách đây gần 10 năm. Hàng hóa nước ngoài ở đây cũng không thiếu, 80% hàng tiêu dùng có xuất xứ Trung Quốc. Dù các lệnh trừng phạt vẫn đang còn hiệu lực, người tiêu dùng vẫn có thể mua Coca-Cola hay cả một chiếc Mercedes-Benz Viano với giá 63.000 USD…
Giới thương nhân và doanh nhân khởi nghiệp Triều Tiên ngày càng tăng. Theo Viện nghiên cứu Thống nhất Triều Tiên tại Seoul (Hàn Quốc), ít nhất 40% dân số Triều Tiên tham gia vào hoạt động kinh tế tư nhân.
Thủ đô Bình Nhưỡng giờ đây cũng có nhiều taxi hơn. Tầng lớp thượng lưu ngày càng đông và có đủ khả năng tài chính để sắm xe ô tô riêng. Dịch vụ điện thoại di động ra mắt tại đây năm 2008 hiện đã có hơn 3 triệu thuê bao. Người ta đã bắt đầu cảm nhận về một cuộc cách mạng tiêu dùng thực sự đang nảy sinh.
Tin vào tương lai
Những ngày này, thế giới đang đổ dồn sự quan tâm về Hà Nội - nơi tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2 . Đây là lần thứ hai Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Triều Tiên gặp nhau, mang theo những kỳ vọng về những đột phá mới, tiếp nối cho một ước vọng hòa bình.
Nhiều chuyên gia cho rằng, sau 7 năm kể từ khi lên nắm quyền, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đang chứng minh cho thế giới thấy một hình ảnh của một nhà lãnh đạo thành công với các dấu ấn ngoại giao ấn tượng. Đồng thời, với những thay đổi đáng kể trong nền kinh tế, ông cũng đang ghi dấu ấn là nhà lãnh đạo đã mang lại một diện mạo mới cho đất nước Triều Tiên.
Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Kim Jong-un, từ một Triều Tiên cận kề "miệng hố chiến tranh", với khoảng 250 biện pháp trừng phạt từ Mỹ, cái bắt tay lịch sử đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều như đã mở ra một thời kỳ mới, lạc quan hơn cho mối quan hệ căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Trong đó, những thiện chí của nhà lãnh đạo Triều Tiên được đánh giá cao, như là dấu hiệu rõ ràng góp phần “phá băng” và cải thiện quan hệ Mỹ - Triều.
Các nhà phân tích nhận định, nếu Mỹ và Triều Tiên đạt được những nhượng bộ tại Hội nghị thượng đỉnh lần này, theo đó Triều Tiên có thể nhận được các biện pháp nới lỏng trừng phạt từ Mỹ, nền kinh tế Triều Tiên sẽ có nhiều cơ hội phát triển trong tương lai. Như chính những dòng tweet của Tổng thống Donald Trump trước thềm cuộc gặp với Chủ tịch Kim Jong-un - “Triều Tiên có thể trở thành một cường quốc kinh tế”.
8 tháng sau Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên tại Singapore, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un đã quyết định gặp nhau lần thứ 2. Lần này, dư luận thế giới kỳ vọng mạnh mẽ về những đột phá mới, có thể đem lại hòa bình thực sự trên Bán đảo Triều Tiên và về tương lai tươi sáng của “nền kinh tế bí ẩn nhất thế giới”.