Ông tiếp tôi trong căn nhà ấm áp, giản dị, treo nhiều tấm ảnh đã cũ ở ngõ Sân Quần, Khâm Thiên. Ngoài 80 tuổi, nhưng ông Cầu vẫn khá minh mẫn. Ánh mắt đượm buồn, ông nói: “Tôi không thể nào quên được những ngày tháng ác liệt ấy”.
Cơn ác mộng
Kí ức như ùa về, ông Cầu kể, đó là ngày 26/12/1972, cái lạnh cắt da cắt thịt, chín giờ tối, ông phải đi trực chiến tại nhà máy in Hà Nội, ở nhà chỉ có vợ và con. Khoảng 22 giờ 45 phút, đèn điện bỗng nhiên vụt tắt, cả bầu trời tối đen như mực. Những tiếng nổ đinh tai nhức óc vang lên, kéo theo những đám cháy lớn. Ông chạy bộ về nhà, trước mắt là cảnh tượng kinh hoàng: cả khu phố Khâm Thiên bị san phẳng…
Ông Nguyễn Văn Cầu mất đi 5 người thân trong trận bom tháng 12/1972. |
“Cứ thế, tôi tìm đường về nhà nhưng biết tìm vợ con ở đâu khi nhà cửa chỉ còn là những đống đổ nát? Không thấy vợ con đâu, lòng tôi đau như xát muối khi những tiếng khóc, sự hoảng loạn của kẻ sống tìm người thân cứ rên rỉ bên tai”, ông Cầu xót xa kể lại.
Sau đó, nuôi hy vọng vợ con còn sống, ông lại trở về nhà máy để tiếp tục làm nhiệm vụ trực chiến. Cả đêm ấy, ông như người không hồn, thao thức chỉ mong trời nhanh sáng để về nhà tìm vợ con. Ban đêm, cảnh tượng phố Khâm Thiên ngày ấy đã hoang tàn, ban ngày nhìn sự tàn phá của B52 càng khốc liệt hơn.
Ông Cầu chậm rãi kể: “Dường như khi ấy, tôi không thể khóc được nữa, đau, đau lắm, đứng ở đầu phố có thể nhìn rõ cuối phố. Điều đáng sợ đã đến, dù không muốn tin, nhưng sự thật là hầm trú ẩn chứa gần 50 người, trong đó có vợ và con tôi, em trai tôi, hai đứa cháu của chị gái tôi đều đã chết. Nhiều người không tìm thấy xác, vợ tôi chỉ còn nửa thân…”.
Nói đến đây, ông nấc lên thành tiếng: “Con tôi và nhiều người trong hầm đã bị tan vào đất đá. Trong đời người, còn cú sốc nào lớn hơn, còn nỗi đau nào sâu hơn thế? Một lúc tôi vừa mất vợ, mất con, mất em, mất cháu, nỗi đau chồng chất nỗi đau”.
Lau vội dòng nước mắt chảy trên má, ông Cầu kể tiếp, khi ấy ông như kẻ chết đi sống lại. Những người còn sống sót trong trận mưa bom kinh hoàng ấy hoảng loạn tìm người thân. Người đào, người bới, những niềm hy vọng bị tắt ngấm khi lần lượt xác người được tìm ra hoặc có nhiều người còn không thấy xác.
Hòa trong tiếng máy bay phản lực Mỹ vẫn tiếp tục ném bom xuống ngoại thành Hà Nội là tiếng khóc tập thể. Người chết đau một, người sống đau mười, với ông Cầu, ngày ấy như một cơn ác mộng.
Cùng chung nỗi đau với gia đình ông Cầu, trong cái đêm 26/12/1972 khủng khiếp ấy, toàn bộ sáu khối phố Khâm Thiên gần như bị san bằng, xóa sạch. Gần 2.000 ngôi nhà bị sập, trong đó có tới 534 nhà bị phá hủy hoàn toàn. Gần 300 người bị giết, trong đó chủ yếu là phụ nữ và trẻ em… Để rồi, ngày 26/12 (ngày 21/11 âm lịch) trở thành ngày giỗ chung của hàng trăm gia đình ở phố Khâm Thiên.
Nay, tôi không cầm được lòng khi đọc lại những câu thơ của nhà thơ Lưu Quang Vũ tái hiện lại Khâm Thiên ngày ấy:
“… phố Khâm Thiên ầm ầm
đổ sụp/tiếng người la khủng khiếp xé đêm dài… /… tiếng xẻng cuốc bới người trong gạch vụn/phố đông đúc thành bãi bằng đổ nát”...
Vượt lên bi kịch của chiến tranh
Giữa nhịp sống tấp nập hôm nay có những khoảng lặng đầy thiêng liêng của hồi ức về tháng 12 rực lửa bầu trời Hà Nội năm xưa. Ai đó nói, không thể sống mãi với quá khứ, nhưng có nỗi đau không phải cố chôn sâu là có thể quên. 45 năm đã trôi qua, với cựu chiến binh, cán bộ hưu trí Nguyễn Văn Cầu, mọi chuyện cứ như ngày hôm qua. “Chưa bao giờ tôi bị cú sốc lớn như thế, nhưng tôi hiểu trong chiến tranh luôn có mất mát, đau thương”, ông Cầu tâm niệm.
Đời người với “hỉ, nộ, ái, ố”, vẫn còn đó những cơn ác mộng về mỗi đêm của ông, vẫn còn đó những nỗi đau chưa lành sẹo. Dừng đôi chút, ông Cầu nói: “Biết thế, nhưng tôi thấy mình không thể vật vã, u sầu mãi với nỗi đau mà phải biết nén đau thương. Mình vẫn phải sống, phải vươn lên, phải xây dựng gia đình và nuôi dạy con cái trưởng thành để đền đáp sự hy sinh của những người đã khuất”.
Ông Cầu tâm sự: “Khi ấy, ba đứa con tôi đều còn rất bé, đứa lớn mới hơn chục tuổi, một đứa lên bảy, một đứa khoảng một tuổi. Tôi phải đi một bước nữa để có người trông nom gia đình, dạy dỗ các con để tôi yên tâm công tác. Rồi tôi có thêm hai con với người vợ mới”. Giờ các con ông đều đã trưởng thành và thành đạt ở những lĩnh vực khác nhau, bù đắp phần nào cho những mất mát trong quá khứ. Ông còn khoe đã có bốn đứa chắt rồi…
Trong câu chuyện với tôi, cựu chiến binh, người cán bộ hưu trí ấy vẫn run run khi kể về ngày xưa. “Năm năm, mười năm sau, nếu thế hệ chúng tôi không còn, ai sẽ kể lại quá khứ cho thế hệ trẻ? Tôi chỉ mong thanh niên phải biết ghi nhớ những ngày tháng chiến đấu hào hùng, kiên cường của quân dân ta, phấn đấu học tập để xây dựng quê hương, đất nước”, ông Cầu trăn trở.
Ngày nay, phố Khâm Thiên đã “thay áo mới”, rộn ràng, tấp nập. Nhưng con phố của một thời đạn bom ấy vẫn khắc ghi trong kí ức của những người ở lại – một Khâm Thiên đau thương và dũng cảm. Tôi hiểu, bản hùng ca “Điện Biên Phủ trên không” còn vang mãi và có những trang sử ghi bằng máu và nước mắt như thế...