📞

Khánh thành công trình tôn vinh kỳ tích ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh

MK. 20:20 | 21/10/2023
Công trình tôn vinh kỳ tích ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh: Hiệp định sơ bộ Việt – Pháp ngày 6/3/1946 là một chương trình có ý nghĩa, thể hiện tình cảm tri ân của thế hệ trẻ ngày nay đối với những đóng góp, hy sinh giành độc lập, tự do cho dân tộc của những thế hệ đi trước.
Khánh thành công trình tôn vinh kỳ tích ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh: Các đại biểu dự sự kiên. (Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô)

Ngày 21/10, Cung Thiếu nhi Hà Nội tổ chức Lễ khánh thành Công trình tôn vinh kỳ tích ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh, thể hiện tình cảm tri ân của thế hệ ngày nay đối với những đóng góp, hy sinh giành độc lập, tự do cho dân tộc của các thế hệ đi trước.

Tới tham dự chương trình có các đồng chí: Trần Quang Hưng, Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội; PGS. TS. Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam… Đặc biệt, chương trình có sự tham dự của đại diện gia đình các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, những bậc tiền bối lão thành cách mạng, những người đã dâng hiến trọn tuổi thanh xuân cho nền độc lập dân tộc và sự nghiệp xây dựng Tổ quốc.

Phát biểu tại sự kiện, Phó Giám đốc Phụ trách Cung Thiếu nhi Hà Nội Võ Thị Thanh Diệp cho biết, dự án xã hội hóa Công trình tôn vinh kỳ tích ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh là hoạt động có ý nghĩa đối với Thủ đô và cả nước, qua đó thê hiện lòng biết ơn với Chủ tịch Hồ Chí.

Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội trong phát biểu đã giới thiệu về thời kỳ lịch sử ra đời của Hiệp định sơ bộ Việt – Pháp ngày 6/3/1946, đề nghị Cung Thiếu nhi thời gian tới cần có nhiều hơn những công trình ứng dụng công nghệ thực tế ảo, gắn mã QR cho các bạn nhỏ, đội viên được tiếp cận. Đồng chí Phó Bí thư Thành đoàn cũng rất mong các trường học có thêm cách kênh tiếp cận, để có chương trình giống như Cung Thiếu nhi.

Các đại biểu tham quan Phòng truyền thống. (Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô)

Công trình tôn vinh kỳ tích ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh: Hiệp định sơ bộ Việt – Pháp ngày 6/3/1946 là một chương trình có ý nghĩa, thể hiện tình cảm tri ân của thế hệ trẻ ngày nay đối với những đóng góp, hy sinh giành độc lập, tự do cho dân tộc của những thế hệ đi trước.

Công trình là sự kết hợp giữa 2 mục tiêu: Tự hào truyền thống lịch sử và Hưởng ứng chương trình chuyển đổi số quốc gia. Công trình có 3 hạng mục: Công trình đá ghi dấu kỳ tích; Công trình số cổng tham quan thực tế ảo; Sưu tầm và tái hiện nội thất căn phòng Bác Hồ đã làm việc.

Tại sự kiện, Ban Tổ chức đã khai trương Phòng truyền thống công nghệ thực tế ảo VR – Bác Hồ với thiếu nhi, khánh thành khu rèn luyện thể lực miễn phí cho thiếu nhi Thủ đô, giới thiệu công tác ứng dụng chuyển đổi số phục vụ công việc tại Cung Thiếu nhi Hà Nội….

Ngày 06/3/1946, tại địa chỉ 38 Lý Thái Tổ (nằm trong khuôn viên Cung Thiếu nhi Hà Nội ngày nay), Chủ tịch Hồ Chí Minh và đại diện Chính phủ Pháp đã ký kết Hiệp định Sơ bộ. Đây là bản điều ước quốc tế song phương đầu tiên mà Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký kết với nước ngoài, là mốc son chói lọi, kỳ tích khởi đầu quá trình phát triển của nền ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh.