📞

'Khát' nhân lực chất lượng cao, Trung Quốc nỗ lực lôi kéo nhân tài từ nước ngoài

Hồng Châu 19:53 | 14/07/2023
Theo các chuyên gia tuyển dụng, nhiều tập đoàn thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao đang lôi kéo nhân tài người được đào tạo tại nước ngoài trở về làm việc.
Nhiều tập đoàn thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao đang tìm cách lôi kéo nhân tài được đào tạo tại nước ngoài trở về. Ảnh minh hoạ. (Nguồn: SCMP)

Mỹ - quốc gia có nền giáo dục tiên tiến được các công ty Trung Quốc đánh giá cao, là một trong những lựa chọn hàng đầu. Không ít người Trung Quốc đang làm việc tại Mỹ cân nhắc việc trở lại quê hương để cống hiến.

Ưu tiên hàng đầu

Các nhà tuyển dụng Trung Quốc tìm cách tuyển dụng thêm nhân lực, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ sinh học… Những người được tuyển dụng thường là chuyên gia hàng đầu, là người Trung Quốc và có khả năng tiếp cận với mạng lưới kinh doanh nước ngoài.

“Với những vị trí quan trọng như kỹ sư trưởng, các công ty thường ưu tiên các chuyên gia người Trung Quốc. Nếu không tìm được chuyên gia phù hợp trong nước, các chuyên gia người Trung Quốc ở nước ngoài sẽ là ưu tiên tiếp theo”, bà Linda Yang, một chuyên gia tuyển dụng cho biết.

Ông Sean Li, Tổng giám đốc Trung Quốc của Công ty tuyển dụng Robert Walters Group (Anh) cho biết, thông thường, việc tuyển dụng người nước ngoài sẽ mất thời gian, nhưng nếu người đó là người gốc Trung Quốc hoặc có cha mẹ vẫn sống ở quê hương thì điều này có thể trở thành một “nhân tố thúc đẩy”. “Đây sẽ là một lợi thế lớn để các cơ quan xem xét”, ông Li nói.

Các công ty Trung Quốc đang săn lùng những nhân tài hàng đầu về trí tuệ nhân tạo (AI) vì quốc gia này đang thiếu trầm trọng nguồn nhân lực trong lĩnh vực này, đặc biệt khi cuộc chạy đua với Mỹ trên sân chơi AI ngày càng khốc liệt.

Theo nền tảng tuyển dụng Zhaopin.com của Trung Quốc, trong lĩnh vực sản xuất thông minh, số lượng việc làm đã tăng khoảng 54% vào năm ngoái so với năm 2021. Các ngành công nghệ phần mềm, điện tử và tự động hóa đang rơi vào tình trạng thiếu hụt nhân lực trầm trọng.

Với những lĩnh vực khác, sự thiếu hụt còn trầm trọng hơn. Riêng ở Thượng Hải, hàng năm thành phố này ước tính thiếu hụt hơn 100.000 người, chủ yếu trong các lĩnh vực sản xuất, nghiên cứu và phát triển (R&D), theo tờ Shanghai Daily.

Theo bà Aiko Kikkawa, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Metro Manila, những năm vừa qua, các nhà tuyển dụng Trung Quốc đã tìm đến nguồn nhân tài Hoa kiều để giải quyết tình trạng thiếu nhân lực chất lượng cao. Nhiều công ty đã đưa ra mức lương, thưởng cùng những gói phúc lợi tốt.

Tháng 6/2023, “người khổng lồ” viễn thông Trung Quốc Huawei đã chi 150 triệu USD để tìm kiếm nhân tài ở nước ngoài.

Ren Zhengfei, giám đốc điều hành của công ty với 207.000 nhân viên tiết lộ, Huawei đang buộc phải chuyển mục tiêu tuyển dụng nguồn nhân lực từ nước ngoài không phải gốc Trung Quốc do số lượng sinh viên Trung Quốc tài năng, được đào tạo ở nước ngoài đã sụt giảm. Điều này cho thấy những người gốc Trung Quốc vẫn luôn là ưu tiên hàng đầu.

Ann Hsu, một cựu sinh viên của Đại học California ở Berkeley cho biết, nhiều công ty Trung Quốc đã sử dụng khuôn viên của trường để tổ chức các hoạt động tuyển dụng các sinh viên Trung Quốc đang theo học tại đây.

Ông Sean Li cho biết, các Hoa kiều thường cân nhắc làm việc tại Trung Quốc nếu họ được trọng dụng vào các vị trí xử lý “các dự án mang tính cách mạng” và các công việc có “phạm vi lớn hơn”. “Họ sẽ có mức lương cao và các lựa chọn cổ phiếu hấp dẫn với điều kiện chỉ cần làm việc ở đó trong ba năm”, ông nói.

Tỷ lệ hồi hương gia tăng

Cơ hội có những “triển vọng nghề nghiệp tốt hơn” đã khiến ngày càng nhiều du học sinh Trung Quốc trở về nước sau khi du học – chiếm khoảng 80% tổng số sinh viên, theo tờ China Daily. Cũng theo tờ này, khoảng 1 triệu sinh viên Trung Quốc đã trở lại vào năm 2021, tăng từ 770.000 vào năm 2020 và 580.300 vào năm 2019 trước đại dịch và chỉ 134.800 vào năm 2010.

Sự cạnh tranh căng thẳng từ phía thị trường lao động ở nước ngoài và việc phải chạy đua với thời hạn cấp thị thực lao động cũng là yếu tố khiến ngày càng nhiều du học sinh Trung Quốc quyết định hồi hương.

Dù vậy, không phải tất cả người Trung Quốc ở nước ngoài đều muốn quay về.

Các sinh viên tốt nghiệp ở nước ngoài trở về thường bị đánh giá là thiếu “kiến thức bản địa cần thiết để làm việc trong các công ty Trung Quốc và khả năng thích ứng với môi trường địa phương”, các nhà nghiên cứu của Trường Giáo dục Đại học Deakin có trụ sở tại Australia cho biết trong một nghiên cứu năm 2021.

Anh Shang Kaibo, 21 tuổi đến từ Bắc Kinh đang tham gia một chương trình đào tạo mùa Hè tại Berkeley và dự định hoàn thành bằng cử nhân kinh tế tại Pháp chia sẻ, còn quá sớm để anh đưa ra quyết định quay trở lại quê hương.

“Tôi chưa bao giờ đến Pháp, vì vậy thật khó để nói rằng liệu tôi có thích đất nước này hay không? Ở Trung Quốc, những người trẻ tuổi vẫn phải vật lộn tìm việc làm", anh Shang nói.

(theo SCMP)