Hành trình của chị Dung - một di dân mới người Việt, là câu chuyện truyền cảm hứng về nỗ lực hòa nhập và khẳng định vị trí ở xứ người…
Chị Đồng Thị Dung. (Ảnh: NVCC) |
Chinh phục con đường học vấn
Cách đây hơn 20 năm, chị Đồng Thị Dung có cơ duyên sang Đài Loan (Trung Quốc) sinh sống, lập gia đình và đón nhận nơi đây như quê hương thứ hai của mình.
Những năm đầu tiên của người phụ nữ Việt ở xứ người trôi qua với rất nhiều bỡ ngỡ, lạ lẫm và thường trực nỗi nhớ quê hương.
Cuộc sống của một cô dâu Việt ở Đài Loan (Trung Quốc) tưởng chừng trôi qua bình lặng như thế, nếu như chị Dung không có khát vọng mạnh mẽ của riêng mình.
Chị chia sẻ: “Hơn 20 năm là hành trình dài với nhiều cố gắng của bản thân. Khi mới sang, tôi không hề biết tiếng Trung. Không thể hiểu những người xung quanh nói gì, tôi thấy rất hụt hẫng. Bởi vậy, để cải thiện ngôn ngữ, tôi chủ động tham gia hết các lớp học tiếng tại trường và các trung tâm”.
Với suy nghĩ cần phải có sự nghiệp học hành ở nước ngoài, khi con bước vào tiểu học, chị Dung cũng bắt đầu học chương trình cùng con cho tới tận cấp ba. Tiếp đó, chị chinh phục thành công tấm bằng cử nhân ngành Quản trị kinh doanh và Thạc sĩ ngành Giáo dục học ở Đài Loan (Trung Quốc).
Là cô dâu nước ngoài duy nhất của lớp, khi học đại học hay cao học, chị được các thầy cô và bạn bè hỗ trợ và động viên rất nhiều.
Với ước mơ và nỗ lực không ngừng ấy, chị được coi như một tấm gương về di dân mới, thậm chí còn được làm phim tư liệu phát sóng trên truyền hình Đài Loan.
Thông thạo cả tiếng quan thoại và tiếng địa phương, chị Dung nhận được sự tín nhiệm cao ở nước sở tại và được trao giữ nhiều vị trí: cố vấn chuyên môn ngôn ngữ Đông Nam Á tại Sở Giáo dục Đài Nam; ủy viên Trung tâm gia đình thành phố Đài Nam; thiết kế viên, lập trình viên Trung tâm học tập di dân mới tại thành phố Đài Nam; phiên dịch tiếng Việt tại Sở di dân trụ sở Đài Nam; giảng viên ngôn ngữ, văn hóa Việt tại Cơ quan giáo dục Đài Loan.
Tâm huyết với tiếng mẹ đẻ
Hòa nhập tích cực ở xứ người nhưng chị Đồng Thị Dung luôn hướng về quê hương và không quên giữ gìn ngôn ngữ mẹ đẻ.
Năm 2023, chị vui mừng khi vinh dự là một trong 123 kiều bào tiêu biểu được mời về nước tham dự Chương trình Xuân Quê hương. Chị tích cực tham gia Cuộc thi tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài, do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Hiện tại, chị Dung đang phụ trách giảng dạy tiếng Việt tại một số trường đại học cộng đồng, các cấp tiểu học, THCS, THPT và các trung tâm người cao tuổi ở thành phố Đài Nam.
Chị chia sẻ: “Là một cô giáo người Việt đứng lớp trên đất Đài, đây là niềm vinh dự song cũng không ít khó khăn. Tôi may mắn khi có thể truyền tải văn hóa và ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ của mình cho người dân bản địa và những con em người Việt đang sinh sống trên đất Đài để họ hiểu và yêu thích Việt Nam. Mỗi một ngôn ngữ đều có nét văn hóa đặc trưng nằm trong đó. Chính vì vậy, thông qua mỗi buổi học, tôi luôn truyền tải cho người dân xứ Đài hiểu hơn về văn hóa, phong tục người Việt Nam”.
Vì mong muốn công việc ý nghĩa của mình được phổ biến rộng rãi hơn, chị Dung không ngừng trau dồi kiến thức và học hỏi.
Được sự giúp đỡ và tin tưởng của Sở Giáo dục Đài Nam, chị là một trong những cán bộ hướng dẫn, thiết kế các chương trình, kế hoạch phục vụ cho việc giảng dạy của các thầy cô dạy tiếng Việt tại Đài Nam nói riêng và Đài Loan nói chung.
Tham gia giảng dạy trong nhiều năm, chị Dung đúc rút ra một số thực tiễn về việc học tiếng Việt tại Đài Loan.
Theo chị, việc học tiếng Việt đối với học sinh tiểu học gần như trở thành áp lực. Vì vậy, giáo viên phải lên kế hoạch dạy thế nào để lôi cuốn học sinh ham học hơn cũng như đến đăng ký tham gia học ngày một đông hơn.
Đối với học sinh THCS, đây là môn học cộng thêm điểm, nhưng các em lại có rất nhiều môn lựa chọn nên nhiều em chỉ học vì hiếu kỳ và... thử để biết tiếng Việt như thế nào.
Tiếng Việt đang ngày càng phổ biến ở một số trường cấp 2 và cấp 3 tại Đài Loan (Trung Quốc). (Nguồn: taiwandiary.vn) |
Về tài liệu giảng dạy, chị cho biết tại các hiệu sách Đài Loan có rất nhiều sách dạy tiếng Việt. Tuy nhiên, những cuốn sách này đa phần do các thầy cô giáo người Việt tự biên soạn, chưa được phân loại phù hợp với lứa tuổi, trình độ và với từng khóa học.
Điều thuận lợi là chính quyền Đài Loan (Trung Quốc) quan tâm đến việc dạy và học tiếng mẹ đẻ cho con em thế hệ thứ hai của di dân mới, đồng thời khuyến khích cộng đồng học các ngôn ngữ Đông Nam Á.
Chị Dung cho rằng, các giáo viên giảng dạy tiếng Việt ở nước ngoài cần có những chính sách cụ thể để khuyến khích, động viên họ yên tâm cống hiến cho nghề.
Các tài liệu giảng dạy cần được thống nhất cho tất cả các cơ sở. Sách biên soạn cần được chú thích cách dùng từ của hai miền và có sách dành riêng cho giáo viên.
Chị nhấn mạnh: “Quan trọng hơn cả, các giáo viên cần được bổ sung nhiều kiến thức về ngôn ngữ, văn hóa, phong tục truyền thống Việt Nam thông qua các khóa tập huấn về giảng dạy tiếng Việt, góp phần quảng bá hình ảnh quê hương tới bạn bè năm châu”.
Cầu nối với quê nhà
Bên cạnh các lớp giảng dạy tiếng Việt, chị Dung đã mở thêm hai Trung tâm trưng bày, quảng bá văn hóa Việt Nam tại Trung tâm học tập dành cho di dân mới tại thành phố Đài Nam.
Tại đây, có lớp dạy thiện nguyện để giúp các em hòa nhịp văn hóa và hiểu được ý nghĩa của việc học tiếng Việt.
Bên cạnh đó, chị Dung đảm nhiệm chức Hội trưởng Hiệp hội Mục Đức thành phố Đài Nam (nhằm chăm sóc người già neo đơn) và Bí thư Hiệp hội gia đình di dân mới thành phố Đài Nam (nhằm hỗ trợ gia đình di dân mới).
Với những công việc thiện nguyện này, chị luôn cổ vũ, hỗ trợ, động viên bà con người Việt tại xứ Đài, cũng như kêu gọi sự đoàn kết tương thân tương ái, sự cống hiến trên mọi phương diện tại đây và ở quê nhà.
Chị tâm sự: “Khi đến Đài Loan lập gia đình, ở khu vực tôi sinh sống đa phần của các cụ già. Mỗi khi gặp họ, tôi lại nhớ đến cha mẹ, ông bà và người thân ở quê hương.
Từ tình cảm này, tôi luôn tìm cơ hội để giúp đỡ cư dân mới, cũng như hỗ trợ họ bằng mọi cách, đặc biệt là thế hệ kiều bào trẻ. Để làm được nhiều và tốt hơn nữa, tôi mong nhận được sự giúp đỡ, động viên, khích lệ để bản thân có thêm động lực thực hiện các công việc phục vụ cho cộng đồng”.
Đặc biệt, chị Đồng Thị Dung hy vọng trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều điều kiện và cơ hội là cầu nối, góp phần làm cho các bạn bốn phương, đặc biệt tại Đài Loan, biết đến và yêu mến Việt Nam nhiều hơn.
Chị chia sẻ: “Hy vọng tôi có thể làm được nhiều hơn để cống hiến cho ngành giáo dục cũng như quảng bá nét đẹp con người, quê hương Việt Nam thân yêu. Dù ở đâu, tôi tin rằng những người con luôn hướng về quê hương, nguồn cội của mình”.
| Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài: Điểm tựa của người Việt xa xứ Không đơn thuần kết nối bằng đường dây nóng, sự hiện diện, quan tâm, chia sẻ kịp thời của các cơ quan đại diện Việt ... |
| Tâm huyết gìn giữ tiếng Việt của nữ Việt kiều tại Mỹ Luôn tâm niệm giá trị của tiếng Việt cần được gìn giữ và truyền lại cho các thế hệ người Việt trẻ, chị Ngô Kim ... |
| Nghĩ về bản sắc Việt: Mang Tết đi, rồi trở về với Tết Thế là đã tròn một năm trôi qua kể từ ngày tôi trở lại quê hương. Kỷ niệm ba năm công tác tại Đại sứ ... |
| Tiếng Việt ‘chắp cánh’ tại Áo Đề án Ngày tôn vinh tiếng Việt đã nhận được sự ủng hộ và đồng lòng của đông đảo người Việt Nam ở nước ngoài. ... |
| Lửa ấm từ phong trào phụ nữ Việt ở nước ngoài Xuất phát từ nhu cầu giao lưu, hỗ trợ nhau hội nhập và gìn giữ những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, hoạt động ... |