📞

Khát vọng nghệ thuật và sự hy sinh

12:36 | 14/09/2015
Để đương đầu với khủng hoảng, ông chủ của Inhotim, bảo tàng nghệ thuật đương đại kết hợp với không gian thiên nhiên độc nhất vô nhị trên thế giới đã đầu tư xây dựng thêm cơ sở hạ tầng...
Bảo tàng Inhotim từ trên cao nhìn xuống.

Tọa lạc tại thành phố Brumadinho, cách xa các thành phố lớn của Brazil nhưng Bảo tàng Inhotim vẫn thu hút gần nửa triệu lượt khách đến tham quan mỗi năm. Tuy nhiên, khủng hoảng kinh tế ở Nam Mỹ đang khiến cho triệu phú Bernardo Paz phải mất ăn mất ngủ để bảo vệ công trình để đời này của mình.

Bản hòa ca của nghệ thuật và thiên nhiên

Inhotim bao gồm 140 ha sân vườn được xây dựng dành cho công chúng tham quan và hơn 800 ha rừng rậm nhiệt đới, thảo nguyên. Đây là nơi sinh sống của hơn 4.200 loài thực vật, trong đó có hơn 330 loại phong lan, những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi và nhiều loại cây quý hiếm khác. Bảo tàng này trưng bày hơn 500 tác phẩm nghệ thuật của khoảng 200 nghệ sĩ khắp thế giới.

Nhà làm vườn nổi tiếng Burle Marx, một trong những người góp phần tạo nên khu vườn nghệ thuật tại Inhotim từng khuyên du khách rằng: “Hãy cảm nhận Inhotim bằng trực giác, đừng lên bất kỳ kế hoạch tham quan nào khi ở đây!”.

Đến với Bảo tàng, khách tham quan có thể tận hưởng những tuyệt tác như 25.000 m2 vườn ươm nghệ thuật, Trung tâm Giáo dục và Văn hóa Burle Marx, 500 quả cầu sắt không gỉ nổi trên mặt nước... Mỗi tác phẩm nghệ thuật ở đây đều lồng ghép những yếu tố thiên nhiên của khu rừng rậm bao quanh để khiến nó trở nên gần gũi hơn với người xem.

“Khi mới đến Inhotim, bạn có thể bị căng thẳng, mệt mỏi vì phải trải qua một chuyến đi dài. Nhưng chỉ 40 phút sau, bạn sẽ thấy mình bé lại và chẳng muốn rời xa nơi này”, một khách du lịch chia sẻ.

Với một bộ sưu tập đồ sộ các tác phẩm nghệ thuật đương đại nằm giữa một khu rừng nhiệt đới, Inhotim quả thực là một thiên đường giữa trần gian – nơi nghệ thuật và thiên nhiên hòa quyện với nhau và tạo thành một giấc mơ có thật.

Khi khủng hoảng gọi tên...

Triệu phú Bernardo sống cùng vợ và các con trong Bảo tàng Inhotim từ nhiều năm nay. Nhưng ngay cả ở thiên đường này - nơi loài chim toucan tự do bay lượn và loài khỉ thoải mái rong chơi, họ vẫn không thể thoát khỏi đám mây u ám về kinh tế đang bao trùm khắp các nước Mỹ Latinh.

Trước đây, triệu phú 64 tuổi sử dụng tài sản của mình để vừa gây dựng Inhotim vừa khai thác quặng sắt và buôn bán với nước ngoài. Ông từng ủng hộ một phần ba nguồn thu của Inhotim cho Chính phủ Brazil. Nhưng hiện nay, giá quặng sắt đã giảm chỉ còn một nửa so với năm ngoái (chỉ còn 50 USD/tấn) khiến ông buộc phải tạm gác giấc mơ của mình. “Tôi vẫn muốn phát triển Inhotim dù biết hoạt động này rất tốn kém”, ông nói.

Ông Bernardo Paz xếp thứ 98 trong danh sách người giàu nhất Brazil năm 2014 với giá trị tài sản 769 triệu USD.

Inhotim giống như một “vương quốc” của triệu phú Bernardo với 800 nhân viên. Trong tình cảnh nền kinh tế Brazil suy thoái, giá cả hàng hóa trượt dốc, lạm phát gần hai con số, ông trùm khoáng sản đang phải tìm kiếm nhà tài trợ để san sẻ gánh nặng 2,5 triệu USD đầu tư vào Bảo tàng mỗi năm. Hiện tại, ngân sách của Inhotim chỉ còn khoảng 11,7 triệu USD thu được từ các khoản tài trợ, tổ chức sự kiện và doanh số bán vé.

Để đối phó với khủng hoảng, ông Paz sẽ xây dựng thêm một số cơ sở hạ tầng cho Inhotim để kinh doanh nhằm tăng thêm nguồn thu. Cụ thể, ông sẽ khai trương một khách sạn cao cấp và chuỗi các biệt thự sang trọng vào năm 2016, mở thêm 28 phòng triển lãm mới và xây dựng hội trường lớn để tổ chức họp báo, hội thảo...

Ước vọng trường tồn

Hầu hết người dân địa phương đều xem Bernardo Paz như người hùng. Nhờ có ông và Bảo tàng mà người dân nơi đây mới có công ăn việc làm ổn định. “Ông Bernardo là một con người tuyệt vời và có tầm nhìn chiến lược. Ít ai có thể làm được những điều như ông ấy đã làm”, Antonio Lopes - một nhân viên ở Bảo tàng nói.

Trên thực tế, ông Bernardo Paz không muốn giữ Bảo tàng cho riêng mình mà muốn chia sẻ cho tất cả mọi người. Mỗi thứ Tư hàng tuần, Inhotim mở cửa tự do để tạo cơ hội cho tất cả những người yêu nghệ thuật đến tham quan...

Hiện tại, dù đứng trước những khó khăn không nhỏ về kinh tế nhưng ông chủ của Inhotim vẫn luôn đặt tình yêu thiên nhiên và nghệ thuật lên trên tất cả. “Xây dựng một nơi mang lại niềm vui cho người khác là một công việc đòi hỏi sự hy sinh. Nhưng dù có phải hy sinh nhiều hơn nữa, tôi cũng chấp nhận. Chỉ cần nghĩ đến việc nơi này vẫn tồn tại sau hàng ngàn năm là tôi đã mãn nguyện lắm rồi”, ông Paz nói.

Trang Trần (theo AFP)