Nhỏ Bình thường Lớn

Khát vọng Vân Đồn

Hơn 400 nhà hoạch định chính sách, chuyên gia kinh tế, nhà tư vấn dự Hội thảo khoa học quốc tế "Phát triển đặc khu kinh tế - Kinh nghiệm và cơ hội" từ 19-22/3 tại TP Hạ Long, đều có chung cảm nhận về "khát vọng của một vùng đất được ví như là Việt Nam thu nhỏ… có huyện đảo Vân Đồn hội tụ đủ điều kiện thuận lợi để xây dựng đặc khu kinh tế nhưng chưa thực hiện được" như phát biểu khai mạc của ông Phạm Minh Chính, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh.
Ông Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội thảo.

Và như nhiều diễn giả đã phát biểu tại Hội thảo, điều đó đã và đang được Tỉnh uỷ, các cấp chính quyền của Quảng Ninh thể hiện qua sức sáng tạo và quyết tâm bằng mọi cách biến khát vọng của mình thành hiện thực.

Điều kiện cần...

Theo các đại biểu, Quảng Ninh nói chung và Vân Đồn nói riêng có những điều kiện cần về thiên thời, địa lợi và nhân hòa để có thể thực hiện thành công mô hình đặc khu kinh tế (ĐKKT).

Về thiên thời, ông Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế TƯ khẳng định, ĐKKT đã được các nước trên thế giới thực hiện từ hơn 30 năm qua và nay Đảng, Nhà nước ta đã nhất quán trong chủ trương xây dựng một số ĐKKT để tạo các cực tăng trưởng và thử nghiệm thể chế.

Kết luận số 74-KL/TW ngày 17/10/2013 của Hội nghị TƯ 8 (khoá XI) đã ghi rõ: “Sớm xây dựng, phê duyệt, triển khai thực hiện một số đề án thành lập khu hành chính - kinh tế đặc biệt”. Ba khu kinh tế tiêu biểu đầu tiên gồm Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang) và Bắc Vân Phong (Khánh Hoà) đã được lựa chọn. Và sau khi thông qua Hiến pháp năm 2013, Luật về ĐKKT, đặc khu hành chính kinh tế cũng đã “nằm” trong chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội.

Về địa thế, Vân Đồn là một khu kinh tế trọng điểm trong vùng đồng bằng sông Hồng, là điểm trung chuyển từ Đông Á xuống Đông Nam Á, cầu nối ASEAN-Trung Quốc. Đây cũng là điểm nằm trong khu vực hợp tác “Hai hành lang, một vành đai” kinh tế Việt - Trung, hành lang kinh tế Nam Ninh - Singapore và khu vực hợp tác liên vùng Vịnh Bắc Bộ mở rộng. Là quần đảo lớn nhất miền Bắc (diện tích 2.171 km2, trong đó đất liền 551 km2 - bằng 4/5 diện tích Singapore), có địa hình và hệ sinh thái hết sức đa dạng nằm trong quần thể Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Vịnh Bái Tử Long, Vân Đồn nằm trọn trong một đơn vị hành chính, tách biệt với đất liền, mật độ dân số thấp, phù hợp với tiêu chí lựa chọn một vùng đất tách biệt để thử nghiệm mô hình phát triển mới.

Về nhân hòa, như nguyên Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã nói, “chúng ta giờ mới làm ĐKKT là muộn, nhưng với quyết tâm cao, sức sáng tạo và những bước đi đột phá như Quảng Ninh, chúng ta vẫn có thể thành công”.

Điều kiện đủ...

Ông Phạm Minh Chính chỉ rõ, Vân Đồn sẽ trở thành đô thị biển quốc tế văn minh, hiện đại, là trung tâm công nghệ giải trí có casino, du lịch biển - đảo cao cấp, dịch vụ tài chính ngân hàng phát triển, công nghệ thông tin và truyền thông tự do ở mức độ cao nhất, ngành công nghiệp công nghệ cao và cửa ngõ giao thương quốc tế... Vấn đề là làm thế nào để có thể biến khát vọng Vân Đồn thành hiện thực thì đây chính là điều kiện đủ mà Quảng Ninh muốn thu hoạch sau Hội thảo.

Đáng chú ý, ông Vương Đình Huệ và TS. Chan Wei Siang, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư Toyonaka hiến kế, một yếu tố rất quan trọng đối với sự thành công của các ĐKKT chính là việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược. Vì các nhà đầu tư biết cách sử dụng nguồn vốn sao cho hiệu quả và thành công của họ sẽ tạo uy tín để thu hút các dòng vốn đầu tư khác. Đây là cách làm mà Singapore đã rất thành công.

Về phát triển hạ tầng, từ kinh nghiệm xây dựng ĐKKT Thâm Quyến (Trung Quốc), GS. Vương Tô Sinh, Trường ĐH Cáp Nhĩ Tân chia sẻ, đó là kiên trì trong thu hút đầu tư và khai thác tối đa nguồn lực từ đất đai. Hơn 30 năm trước, Trung ương chỉ cho 200 triệu tệ nhưng Thâm Quyến biết khai thác nguồn lực từ đất đai (chiếm ½ tổng đầu tư) nên đã có hạ tầng đồng bộ và thu hút đầu tư đa dạng. Cùng với đó, công tác quy hoạch tốt vừa tiết kiệm được tài nguyên đất, vừa thu hút được nhiều nhà đầu tư.

Trong khi đó, GS. Tăng Nguyệt Anh, Phó Viện trưởng Viện Luật, ĐH Thâm Quyến khẳng định, để Vân Đồn thành ĐKKT cần phải có quyền lập pháp địa phương. Đây cũng là đặc quyền mà trung ương Trung Quốc đã giao cho năm đặc khu ở nước này. Thêm nữa, quyền ưu đãi cũng rất quan trọng để tạo đà thu hút đầu tư và nguồn nhân lực vào các ĐKKT như ưu đãi về thuế chẳng hạn.

Ngoài những ý kiến cụ thể trên, trong khuôn khổ Hội thảo với ba phiên họp toàn thể, bốn phiên họp chuyên đề và ba phiên tọa đàm, các đại biểu có nhiều sáng kiến chỉ ra các giải pháp xây dựng ĐKKT Vân Đồn. Có một điểm chung mà các chuyên gia đề nghị là cần nhanh chóng xây dựng, ban hành thể chế hành chính và kinh tế của ĐKKT hiện đại, mang tầm quốc tế và đặc biệt phải có sức cạnh tranh vượt trội với các đặc khu khác./.


“Mô hình chính quyền đô thị hai cấp với việc không tổ chức HĐND và bí thư đồng thời là chủ tịch ủy ban hành chính có lẽ là phù hợp với ĐKKT Vân Đồn…

Về phát triển hạ tầng, Vân Đồn chỉ có đường bộ, đường sắt và đường thủy thì chưa đáp ứng được yêu cầu mà ưu tiên số 1 cho việc xây dựng sân bay quốc tế…”

(Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Phạm Minh Chính)



Tuấn Anh