Căng thẳng gia tăng gây tâm lý hoang mang trên các thị trường tài chính, khiến giới chức và các nhà phân tích Mỹ phải lên tiếng cảnh báo không nên tham gia vào những cuộc khẩu chiến kéo dài với Triều Tiên.
Tác động đến thị trường tài chính
Bình Nhưỡng tuyên bố họ đang “nghiên cứu cẩn thận” kế hoạch tấn công bằng tên lửa vào đảo Guam, nơi hiện có khoảng 163.000 cư dân sinh sống và một căn cứ quân sự Mỹ gồm một đội tàu ngầm, lực lượng không quân và tuần duyên. Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn một thông cáo của người phát ngôn Quân đội nhân dân Triều Tiên cho biết kế hoạch này sẽ được thực hiện một khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un ra quyết định.
Thống đốc Guam Eddie Calvo đã bác bỏ lời đe dọa của Triều Tiên và tuyên bố vùng lãnh thổ này đã được chuẩn bị cho “bất kỳ tình huống nào”, với hàng rào phòng thủ chiến lược đã được lắp đặt. Ông cho biết đã liên lạc với Nhà Trắng và không thay đổi mức độ báo động.
Đảo Guam - đơn vị tiền đồn của nước Mỹ, chỉ cách Triều Tiên khoảng 3.400km và nằm trong tầm bắn của tên lửa Triều Tiên. (Nguồn: CNN) |
Trong khi đó, Triều Tiên cũng cáo buộc Mỹ đang âm mưu tiến hành “một cuộc chiến tranh ngăn chặn”, đồng thời tuyên bố bất kỳ kế hoạch nào nhằm thực hiện điều này cũng sẽ phải đối mặt với một “cuộc chiến tranh tổng lực hủy diệt mọi thành trì của kẻ thù, bao gồm cả phần nước Mỹ trên lục địa”.
Washington đã cảnh báo rằng họ sẵn sàng sử dụng vũ lực nếu cần thiết để ngăn chặn chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, song vẫn ưu tiên cho các hành động ngoại giao, kể cả trừng phạt. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mới đây đã nhất trí áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên.
Triều Tiên đã công khai thực hiện kế hoạch phát triển tên lửa gắn đầu đạn hạt nhân có thể tấn công nước Mỹ và phớt lờ những lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế yêu cầu họ chấm dứt chương trình hạt nhân – tên lửa. Bình Nhưỡng tuyên bố các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của họ là một phương tiện hợp pháp nhằm bảo vệ Triều Tiên trước các hành động thù địch của Mỹ, bao gồm cả các cuộc tập trận quân sự chung giữa Mỹ và Hàn Quốc.
Sau khi Triều Tiên tuyên bố đang nghiên cứu kế hoạch tấn công bằng tên lửa vào đảo Guam, đồng USD đã giảm 0,4% giá trị so với đồng Yen của Nhật Bản. Chỉ số chứng khoán Tokyo cũng giảm mạnh, với chỉ số Nikkei 225 giảm 1,28%. Giới chuyên gia nhận định sắp tới, thị trường sẽ bám sát các diễn biến trên bán đảo Triều Tiên và phản ứng của Mỹ.
Ông Trump cần thận trọng trong tuyên bố
Về mặt kỹ thuật, Mỹ hiện vẫn đang trong tình trạng chiến tranh với Triều Tiên kể từ sau khi cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 kết thúc bằng một hiệp định đình chiến chứ không phải hiệp ước hòa bình. Thủ đô Seoul của Hàn Quốc hiện có khoảng 10 triệu dân và nằm trong tầm ngắm của tên lửa, pháo binh của Triều Tiên, những vũ khí khó có thể bị phá hủy trong cuộc tấn công đầu tiên của Mỹ. Hàng chục nghìn binh lính Mỹ đang đóng tại Hàn Quốc và Nhật Bản – quốc gia duy nhất cho đến nay bị tấn công bằng vũ khí hạt nhân.
Tại Đan Đông, trung tâm thương mại Trung Quốc ở biên giới với Triều Tiên, người dân cho biết họ không lo lắng về màn đấu khẩu leo thang giữa Mỹ và Triều Tiên. Một chủ nhà hàng ăn tên Yang nói: “Triều Tiên luôn nói về chiến tranh, chiến tranh và chiến tranh, nhưng nó chưa bao giờ xảy ra. Chúng tôi đang sống trong thời bình. Nhưng nếu chiến tranh bùng phát, thì những người dân thường chúng tôi sẽ phải gánh chịu”. Một người dân khác là Zhang Shubin, 63 tuổi, cho rằng Triều Tiên hiểu rõ họ phải đối mặt với nền kinh tế sụp đổ nếu Trung Quốc đi xa hơn nữa trong việc trừng phạt Triều Tiên.
Căng thẳng trong khu vực đã gia tăng kể từ khi Triều Tiên tiến hành 2 vụ thử vũ khí hạt nhân hồi năm ngoái và 2 vụ phóng thử ICBM hồi tháng 7 vừa qua. Lực lượng không quân Nhật Bản cho biết đầu tuần này, các máy bay chiến đấu của Nhật Bản đã tiến hành tập trận không quân chung với các máy bay ném bom siêu thanh của Mỹ trên không phận Nhật Bản, gần Bán đảo Triều Tiên. Trước đó, hai máy bay ném bom B-1 của Mỹ đã cất cánh từ Guam bay về phía Bán đảo Triều Tiên như một phần của chiến lược “sự hiện diện liên tục của máy bay ném bom” trong khu vực.
Guam, địa điểm du lịch phổ biến đối với người Nhật Bản và Hàn Quốc, được bảo vệ bởi Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), hệ thống lá chắn tên lửa gần đây đã được lắp đặt tại Hàn Quốc – động thái khiến Trung Quốc vô cùng tức giận. Nghị sĩ Mỹ đại diện cho Guam, Madeleine Z. Bordallo, cho biết bà tin tưởng rằng quân đội Mỹ có thể bảo vệ Guam trước “mối đe dọa hạt nhân đáng lo ngại” từ Triều Tiên. Nữ nghị sĩ này kêu gọi Tổng thống Trump thể hiện “sự lãnh đạo kiên định” và hợp tác với cộng đồng quốc tế nhằm “hạ nhiệt” bầu không khí căng thẳng.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain cho rằng ông Trump cần xử lý thận trọng khi đưa ra các tuyên bố đe dọa đối với Triều Tiên, trừ phi ông ta sẵn sàng hành động. Trong khi đó, một cựu quan chức ngoại giao Mỹ hiện làm việc cho Quỹ đầu tư vì Hòa bình quốc tế Carnegie ở Washington, ông Douglas Paal, lại cho rằng ông Trump không nên tham gia một cuộc khẩu chiến với Bình Nhưỡng.