Chia sẻ với PV Báo Thế giới & Việt Nam, bên lề Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 19, Giám đốc Sở Ngoại vụ Thanh Hóa Nguyễn Văn Biện chia sẻ, trong những năm qua, tỉnh đã kết hợp chặt chẽ giữa thông tin đối ngoại với các hoạt động thông tin về kinh tế, văn hoá.
Ông có thể cho biết những điểm nổi bật về công tác ngoại vụ địa phương trong thời gian qua tại Thanh Hóa?
Kể từ Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 18 (tháng 8/2016) đến nay, Thanh Hóa đã có thêm quan hệ hợp tác với tỉnh Hủa Phăn (Lào), thành phố Seongnam (Hàn Quốc), tỉnh Mittelsachsen (CHLB Đức)... Ngoài ra, tỉnh còn mở rộng hợp tác với các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp nước ngoài, với 20 bản ghi nhớ hợp tác và ngày càng đi vào chiều sâu.
Tiêu biểu, năm 2017, tại CHLB Đức đã diễn ra Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa. Đây thực sự là sự kiện quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ giữa Thanh Hóa và CHLB Đức. Hội nghị này còn là cơ hội để tỉnh giới thiệu thông tin với doanh nghiệp Đức về tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Từ đó, để các doanh nghiệp Đức tìm hiểu cơ hội kinh doanh tại Thanh Hóa.
Đến nay, tổng số dự án FDI còn hiệu lực trên địa bàn tỉnh là hơn 80 dự án. Đặc biệt, một số dự án lớn thực sự có ảnh hưởng quan trọng đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực. Tiêu biểu, Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn do nhà đầu tư Nhật Bản, Kuwait liên doanh với Tập đoàn dầu khí Việt Nam; Nhà máy xi măng Nghi Sơn; Nhiệt điện Nghi Sơn 2 của Tổ hợp nhà thầu Marubeni - Nhật Bản và Tập đoàn điện lực Kepo - Hàn Quốc...
Không chỉ vậy, hoạt động thu hút du khách quốc tế đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Trong năm 2017, toàn tỉnh đã đón hơn 180.000 lượt khách quốc tế.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hẳn công tác đối ngoại của tỉnh nhà cũng gặp không ít khó khăn?
Có thể nói, cơ chế quản lý hoạt động đối ngoại trên địa bàn tỉnh được thực hiện chặt chẽ. Tuy nhiên, việc quán triệt, triển khai và tổ chức thực hiện ở các cấp, các ngành và địa phương, đơn vị còn chậm. Đồng thời, tính chủ động trong việc xây dựng và triển khai kế hoạch đối ngoại ở một số đơn vị còn chưa cao.
Mặc dù các hoạt động kinh tế đối ngoại đạt kết quả khả quan, nhưng công tác xúc tiến đầu tư chưa thu hút được sự quan tâm từ các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước. Cùng với đó, tiến độ triển khai thực hiện một số thỏa thuận hợp tác quốc tế đã ký kết còn chậm, chưa đảm bảo.
Ông Nguyễn Văn Biện - Giám đốc Sở Ngoại vụ Thanh Hóa. (Ảnh: NVCC) |
Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài được tăng cường nhưng chưa thường xuyên, chưa nắm rõ số lượng kiều bào và người lao động Thanh Hóa tại nước ngoài. Vì thế, Tỉnh chưa có kế hoạch hỗ trợ, kêu gọi đầu tư, đóng góp xây dựng quê hương, đất nước.
Cùng với đó, đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại tại các sở, ngành còn ít, trình độ ngoại ngữ, kỹ năng, nghiệp vụ đối ngoại còn hạn chế. Dù rất muốn nhưng thực tế chúng tôi chưa xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức chuyên trách làm công tác ngoại vụ, biên giới ở cấp huyện, đặc biệt là các huyện giáp biên giới với nước bạn Lào.
Hủa Phăn là “cửa ngõ” vào nước bạn Lào của doanh nghiệp Việt. Được biết thời gian qua, Thanh Hóa cũng đã có không ít hoạt động hợp tác với tỉnh này?
Phát huy quan hệ truyền thống lâu đời giữa Việt Nam với nước bạn Lào, trong thời gian qua, lãnh đạo hai tỉnh Thanh Hóa và Hủa Phăn đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác hữu nghị truyền thống đặc biệt. Qua đó, tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội và quốc phòng an ninh của hai tỉnh.
Hàng năm, hai tỉnh đã duy trì luân phiên tổ chức các cuộc gặp mặt chính thức cấp cao, nhằm đánh giá kết quả thực hiện thỏa thuận hợp tác đã ký kết và tiến hành ký kết nội dung hợp tác cho các năm tiếp theo.
Đặc biệt, trong năm 2017, hai tỉnh đã tổ chức Tuần lễ văn hóa, Lễ mít tinh kỷ niệm các sự kiện chào mừng “55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào”; “40 năm ngày ký Hiệp ước hữu nghị Việt Nam - Lào” và “50 năm ngày ký kết hợp tác hữu nghị giữa hai tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn”. Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đã có 16 doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu sang tỉnh Hủa Phăn.
Ở góc độ hợp tác về quốc phòng – an ninh, hai bên đã phối hợp hoàn thành kế hoạch tôn tạo hệ thống mốc giới quốc gia Việt Nam - Lào khu vực biên giới của hai tỉnh. Đồng thời, Thanh Hóa cũng đã viện trợ giúp Hủa Phăn đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, thực hiện một số dự án phát triển kinh tế, hỗ trợ gia đình chính sách, nâng cao dân trí…
Được biết, Thanh Hóa đã rất khéo léo trong việc lồng ghép quảng bá văn hóa xứ Thanh nói riêng và văn hóa của người Việt nói chung trong các hoạt động đối ngoại, ông có thể chia sẻ về công tác này?
Với đường lối chủ động mở rộng quan hệ hợp tác với các địa phương, các đối tác nước ngoài, trong thời gian qua Tỉnh đã tổ chức các đoàn công tác ra nước ngoài. Qua đó, để kêu gọi, xúc tiến đầu tư, chuyển giao công nghệ vào tỉnh. Đồng thời, giới thiệu các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước và quảng bá văn hóa xứ Thanh đến các đối tác nước ngoài.
Ông Nguyễn Văn Biện (bên phải) chụp trong một hội thảo về xúc tiến đầu tư tại Đức. (Ảnh: NVCC) |
Đồng thời, kết hợp chặt chẽ giữa thông tin đối ngoại với các hoạt động thông tin về kinh tế, văn hoá. Bằng các hoạt động đó, Tỉnh đã tăng cường, mở rộng quan hệ hợp tác hữu nghị với các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế và địa phương các nước trên tinh thần hợp tác cùng có lợi, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bên cạnh đó, tỉnh đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan thông tấn báo chí để cung cấp thông tin về chính sách ưu đãi thu hút đầu tư của tỉnh đến các đối tác nước ngoài. Đồng thời, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của Thanh Hóa trong cả nước và với các đối tác quốc tế.
Có thể nói, công tác văn hóa đối ngoại, thông tin đối ngoại được triển khai hiệu quả, sâu sắc về nội dung, phong phú về hình thức. Qua đó, góp phần giới thiệu, quảng bá về hình ảnh đất nước, con người, các lễ hội văn hóa đặc sắc của Xứ Thanh đến bạn bè quốc tế. Đồng thời, tiếp thu có chọn lọc các giá trị, tinh hoa văn hóa và tri thức của thế giới để làm phong phú thêm nền văn hóa của địa phương và nâng cao chất lượng đời sống tinh thần của nhân dân.
Xin cảm ơn ông!