📞

Khi Bhutan không còn là 'thiên đường'

Hải Minh 14:02 | 30/07/2019
TGVN. Chiến lược phát triển du lịch bền vững của Bhutan đang dần bị ảnh hưởng đáng kể do sự bùng nổ của dòng khách du lịch trong khu vực.
Tu viện Paro Taktsang - một địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của Bhutan. (Nguồn: Nikkei Asian Review)

Là nơi giao thoa giữa nền văn hóa Ấn Độ và Trung Quốc, vương quốc nhỏ bé Bhutan với dân số chỉ hơn 750.000 người, từ lâu vốn được mệnh danh là “thiên đường” nơi hạ giới và là một trong những điểm du lịch “độc nhất vô nhị” trên thế giới được nhiều du khách yêu du lịch tìm đến.

Du lịch đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và chủ lực của Bhutan, mang lại gần 85,4 triệu USD cho đất nước này vào năm 2018. Tổng doanh thu đến từ ngành du lịch tại Bhutan hiện chỉ đứng sau thủy điện.

Bùng nổ khách du lịch khu vực

Bhutan cũng có chiến lược phát triển du lịch khá thận trọng và bền vững với phương châm “giá trị cao, tác động thấp” nhằm hạn chế số lượng du khách hàng năm trong khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng và không ảnh hưởng đến môi trường cũng như di sản văn hóa.

Ước tính, một du khách nước ngoài sẽ phải chi trả ít nhất 250 USD (hơn 5 triệu đồng) cho một ngày trải nghiệm tại Bhutan trong mùa cao điểm. Dù các hãng hàng không tại Bhutan đều có chuyến bay hằng ngày từ các nơi như Bangkok, Kathmandu… nhưng visa cho các du khách chỉ được cấp khi họ đặt tour qua công ty du lịch tại Bhutan và số lượng được cấp cũng hạn chế theo mỗi đợt.

Tuy nhiên, chiến lược phát triển du lịch bền vững của Bhutan đang dần bị ảnh hưởng đáng kể do sự bùng nổ của dòng khách du lịch trong khu vực mà chủ yếu đến từ Ấn Độ. Du khách đến từ quốc gia này không phải tuân thủ mức chi tiêu tối thiểu 250USD mà Bhutan áp dụng đối với các du khách quốc tế.

Vì không phải qua các công ty du lịch nên du khách Ấn Độ có thể du lịch tự túc đến Bhutan theo nhóm du lịch, không cần thuê hướng dẫn viên cũng như tiếp cận những chỗ ăn nghỉ “hợp túi tiền” hơn du khách đến từ các quốc gia khác.

Luồng khách du lịch đến từ quốc gia láng giềng Ấn Độ tới Bhutan ngày càng đông khiến nhiều công ty điều hành tour du lịch cao cấp “nản lòng”. Nhiều công ty đang có kế hoạch rút lui khỏi Bhutan khi quốc gia này không còn thực sự hấp dẫn như một “điểm đến” độc quyền.

Robin Smillie, đại diện một công ty tour của Mỹ, người từng dẫn nhiều khách du lịch cao cấp đến Bhutan cho biết, công ty của ông dự định sẽ dừng các tour du lịch đến quốc gia này vào tháng 4/2020. Nhiều điểm du lịch nổi tiếng của Bhutan, điển hình như Tu viện Paro Taktsang - toạ lạc trên một vách núi đá grannit với độ cao hơn 3.000m so với mực nước biển luôn trong tình trạng quá tải du khách quốc tế.

“Từ năm 2001, Bhutan luôn là một điểm đến ưa thích của các du khách quốc tế có tiền, muốn được trải nghiệm những nơi độc và lạ. Giờ đây, du khách của tôi sẽ cảm thấy vô cùng thất vọng khi phải chứng kiến bãi đậu xe chật kín những đoàn xe bus, khách du lịch chen chúc trên những con đường mòn, những người bán hàng rong chuyên bán đồ nhái hay những con đường đầy rác khi đặt chân đến Tu viện Paro Taktsang”, ông Robin Smillie than thở.

Nhiều nhà điều hành tour du lịch cao cấp của nước ngoài cũng bắt đầu than phiền về làn sóng khách “du lịch đại chúng” tới Bhutan. Tính đến năm 2012, Bhutan mới chỉ đón tiếp khoảng 100.000 khách du lịch mỗi năm với khoảng một nửa đến từ các nước trong khu vực thì tới năm 2018, ước tính, “vương quốc hạnh phúc” Bhutan đã đón khoảng gần 275.000 lượt du khách, gần một phần ba dân số nơi đây. Đáng chú ý, hơn 200.000 người là khách du lịch đến từ quốc gia láng giềng Ấn Độ, một số ít đến từ Bangladesh và Maldives.

Trong khi lượng khách quốc tế tăng trung bình khoảng 7% một năm thì lượng khách trong khu vực tăng gần 25% mỗi năm. Anh L.B. Gurung, đại diện Công ty Blue Sheep Tours & Treks, có trụ sở tại thủ đô Thimphu chia sẻ: “Tôi không biết Bhutan có thể tiếp tục duy trì như một điểm đến cao cấp, độc và lạ trong bao lâu”.

Nhiều ý kiến trái chiều

Đối với các du khách Ấn Độ vốn luôn “ngạt thở” với bầu không khí ô nhiễm tại các thành phố lớn, Bhutan đang là điểm đến du lịch hàng đầu do khoảng cách địa lý khá gần gũi, khí hậu mát mẻ, trong lành. Chính chiến lược du lịch phát triển bền vững lại đang dần biến Bhutan trở thành “nạn nhân” của làn sóng khách du lịch từ nước láng giềng.

Lượng khách du lịch trong khu vực, đặc biệt là từ Ấn Độ đến Bhutan ngày một đông. (Nguồn: Nikkei Asian Review)

Theo Hiệp hội Khách sạn và Nhà hàng của Bhutan, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, quốc gia này đã gia tăng thêm ngân sách cho việc xây dựng khách sạn, nhà nghỉ, tăng gấp đôi số giường hiện có lên 10.000 giường so với cùng kỳ.

“Chúng tôi đã trao đổi vấn đề này với phía Ấn Độ và phía bạn cũng đã đề nghị cần phải có biện pháp để ngăn chặn dòng khách du lịch ồ ạt đến Bhutan. Không chỉ người dân mà cả du khách Ấn Độ và Bangladesh cũng bắt đầu phàn nàn về sự ồn ào của các điểm du lịch”, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Du lịch của Bhutan Tandi Dorji cho hay.

Một số biện pháp nhằm hạn chế khách du lịch khu vực đến Bhutan đã được đề xuất như thêm một số thủ tục khi nhập cảnh ngoài giấy thông hành hay yêu cầu khách du lịch khu vực phải khoản thuế phát triển bền vững giống như các khách du lịch quốc tế…

Dù vậy, kế hoạch này cũng đang khiến nhiều công ty du lịch Bhutan lo lắng. Nhiều người cho rằng, khách du lịch trong khu vực đang mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế Bhutan và cần được khuyến khích bởi sự quản lý và điều tiết tốt hơn.

Ông Sonam Wangchuk, Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn và Nhà hàng Bhutan cho biết, lượng khách du lịch trong khu vực thường giúp bù doanh thu cho ngành du lịch nước này vào mùa thấp điểm khi lượng khách du lịch cao cấp quốc tế - chủ yếu tập trung vào mùa cao điểm giảm đi.

“Du khách trong khu vực nên được khuyến khích vì họ mang lại lợi ích cho toàn bộ chuỗi cung ứng. Thay vào đó, Chính phủ Bhutan nên tập trung vào việc đa dạng hóa sản phẩm", một chuyên gia trong ngành du lịch nhận định.

Chuyên gia này lưu ý thêm, khách du lịch trong khu vực thường mang theo tiền Rupee Ấn Độ, điều này rất quan trọng đối với nền kinh tế Bhutan vì nước này đang nhập khẩu đến 80% hàng hóa từ Ấn Độ.

(theo Nikkei Asian Review)