Nhỏ Bình thường Lớn

Khi bức xúc trở thành tâm lý thời thượng

28 bài viết trong tuyển tập Bức xúc không làm ta vô can là 28 câu chuyện đề cập rất nhiều đề tài “nóng”, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của mọi người. Mỗi bài viết là một góc quan sát thú vị cùng sự tìm hiểu và lý giải hiện tượng vô cùng nhân văn.

Cuốn sách Bức xúc không làm ta vô can là tuyển tập bài viết tiểu luận của Tiến sĩ người Áo gốc Việt Đặng Hoàng Giang. Anh tốt nghiệp kỹ sư tin học tại Đại học công nghệ Ilmenau (Đức) và bảo vệ Tiến sĩ kinh tế phát triển tại Đại học Công nghệ Vienna (Áo). Trở về Việt Nam sau 20 năm sống và làm việc tại châu Âu, anh hiện là một chuyên gia phát triển, nhà hoạt động xã hội và tác giả chính luận.

Không một ai vô can

Ngay khi cầm cuốn sách trên tay, không ít bạn đọc đã thắc mắc về tiêu đề có phần khó hiểu của nó. Anh Giang giải thích: "Nếu đánh từ "bức xúc" lên công cụ tìm kiếm xu hướng Google Trend, ta sẽ thấy tần suất sử dụng nó bắt đầu tăng vọt kể từ năm 2010".

Bức xúc có thể xem là một trạng thái tích cực bởi nó đối lập với vô cảm, bàng quan. Nhưng theo tác giả, trong những năm gần đây, bức xúc lại trở thành một trạng thái tâm lý thời thượng. Trạng thái ấy được người ta sử dụng để chứng tỏ rằng mình lương thiện, khác biệt với cộng đồng sống xung quanh. Khi biểu lộ trạng thái bức xúc, người ta thường cảm thấy mình không liên quan đến những sự việc, hiện tượng xấu trong xã hội.

Theo quan điểm của tác giả thì mọi người trong xã hội đều có ảnh hưởng đến nhau. Anh lấy ví dụ từ chiếc điện thoại Iphone mà rất nhiều người đang sử dụng. Chúng được lắp ráp tại một nhà máy ở Trung Quốc, nơi mỗi năm có tới hàng trăm người tự tử vì bị bóc lột. Vậy, khi tận hưởng một chiếc điện thoại nhiều chức năng, liệu chúng ta có đang sung sướng trên mồ hôi nước mắt của người khác hay không?

"Mỗi hành động của chúng ta với người khác, với món ăn hay đồ dùng đều liên quan đến một vấn đề nào đó. Vì thế, tất cả chúng ta, không một ai vô can trong xã hội này", anh nói.

Cái nhìn của phương Tây?

Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang cho rằng, xu hướng chạy theo đám đông đang rất phổ biến ở Việt Nam. Vì thế, những trí thức đôi khi phải đứng lùi lại, tách mình ra khỏi đám đông để bình tĩnh đánh giá các sự vật. Họ phải đóng vai trò như chiếc ăng-ten để nắm bắt các hiện tượng xấu, từ đó, góp ý và hành động để thay đổi xã hội theo hướng tốt đẹp hơn. Song, trong thời gian qua, các trí thức Việt Nam vẫn chưa làm tròn nhiệm vụ ấy.

Khi nghe anh Giang chia sẻ điều này trong buổi ra mắt cuốn sách hôm 31/10, một độc giả đã cho rằng, việc anh biết cách tách ra khỏi đám đông để tìm hiểu sự việc là nhờ quá trình được giáo dục ở phương Tây. Tuy nhiên, tác giả của cuốn sách không đồng tình với nhận định này và cho đó là xu hướng vọng ngoại trong giáo dục của người Việt Nam hiện nay.

Tác giả Đặng Hoàng Giang trong buổi ra mắt cuốn sách.

Anh cho biết: "Những năm học phổ thông tại Việt Nam là nền tảng quan trọng để tôi có được ngày hôm nay... Giả sử, khi lớn lên, con tôi luôn coi thường xã hội Việt Nam và chỉ hướng đến phương Tây thì tôi đã thất bại trong việc dạy con. Tôi muốn nó trở thành một công dân toàn cầu nhưng phải luôn có ý thức về nguồn gốc và hiểu được những bất công mà con người đang hứng chịu".

Ngay sau khi xuất bản, cuốn sách đã nhận được rất nhiều lời khen về cách viết hóm hỉnh và nhân ái (luôn quan tâm đến những người kém may mắn trong xã hội) từ các độc giả tên tuổi như nhà ngoại giao kỳ cựu Tôn Nữ Thị Ninh, đạo diễn Trần Văn Thủy, biên tập viên Mỹ Linh, nhà báo Đinh Đức Hoàng...

Theo nhà nghiên cứu ngữ văn Trần Ngọc Hiếu, Bức xúc không làm ta vô can không phải là một cuốn sách dành cho những người muốn được tư vấn, như nhiều tạp văn trên thị trường hiện nay. Dù đề cập rất nhiều đề tài "nóng", từ phẫu thuật thẩm mỹ, làm từ thiện cho đến phát triển du lịch, sự tàn phá của kinh tế thị trường... nhưng tác giả không đưa ra bất cứ giải pháp nào cho người đọc mà thay vào đó lại là những câu hỏi. Những câu hỏi ấy khiến bạn đọc phải tự vấn về trách nhiệm của chính mình trong những vấn đề, hiện tượng tiêu cực của xã hội ngày nay.

Nguyễn Hoàng