Đó là quan điểm của bác sĩ Hoàng Xuân Đại, nguyên chuyên viên cao cấp của Bộ Y tế trong cuộc trả lời phỏng vấn TG&VN về sự thay đổi thất thường của thời tiết đối với sức khỏe con người.
Bác sĩ Hoàng Xuân Đại. (Ảnh: NVCC) |
Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng thời tiết mùa Đông năm nay có nhiều biến đổi bất thường. Từ góc độ chuyên gia, theo ông, tình trạng này xuất phát từ đâu?
Bác sĩ Hoàng Xuân Đại: Mùa Đông năm nay có nhiều diễn biến thất thường là do nằm chung trong tình trạng ảnh hưởng của hiệu ứng nhà kính đã làm thủng tầng ozone. Từ đó, dẫn đến sự biến đổi khí hậu toàn cầu mà Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Đây là vấn đề môi trường bị ô nhiễm, các nhà máy, xí nghiệp thải khí CO và CO2 cũng như bụi khuếch tán trong không khí gây ô nhiễm nghiêm trọng, vượt mức cho phép hàng nghìn lần, nhất là các nước đang phát triển và phát triển. Chỉ vì lợi ích trước mắt mà chính con người đang góp phần không nhỏ vào việc phá hủy môi trường sống.
Do thời tiết thay đổi thất thường kèm theo sự ô nhiễm khiến cơ thể con người không kịp điều tiết để thích nghi, sinh ra nhiều bệnh tật nhất là đường hô hấp. Có thể nói, khi cơ thể yếu, con người dễ bị chính môi trường tấn công. Không khí với độ ẩm cao cũng là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát sinh và phát triển. Bụi càng nhiều, càng nhỏ thì khả năng xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp như mũi họng càng dễ dàng. Đồng thời, vi khuẩn mới xâm nhập cùng với vi khuẩn ký sinh ngay đường hô hấp trên, làm tăng nguy cơ phát các bệnh như họng, viêm phế quản, viêm phổi...
Trẻ em và người già là đối tượng khá mẫn cảm với sự thay đổi của thời tiết. Cứ mỗi khi bước vào mùa Đông - Xuân là số trẻ nhập viện lại tăng đột biến. Ông có khuyến cáo gì cho người dân để phòng bệnh thời điểm giao mùa và khi trời lạnh?
Thực tế, trẻ em và người già là đối tượng phải chịu đầu tiên trước sự biến đổi khí hậu. Bên cạnh nguyên nhân là cơ thể trẻ phát triển chưa toàn diện thì Hệ miễn dịch của trẻ còn yếu. Những em bé sơ sinh còn phải dựa vào miễn dịch từ sữa mẹ, chưa thích ứng được với môi trường. Chính vì vậy, nếu môi trường ô nhiễm, khói bụi, thời tiết thay đổi thất thường thì trẻ rất dễ ốm.
Người già cũng vậy, do nhiều cơ quan bị lão hóa, hệ miễn dịch bị suy giảm nhiều, cộng thêm khả năng chăm sóc về dinh dưỡng cho người già ở nước ta còn chưa hợp lý, chưa khoa học nên không đủ năng lượng để chống chọi lại với ngày đông giá rét bất thường. Chính vì thế, người già cũng là đối tượng hàng đầu bị nhiễm và phát bệnh khi trời lạnh. Đây cũng là lý do mà vào mùa Đông, tỷ lệ người già và trẻ em nhập viện tăng đột biến.
Khi thời tiết chuyển lạnh, để phòng bệnh, người dân cần mua sắm những trang thiết bị cần thiết cho ngày đông như quần áo ấm, lò sưởi vệ sinh. Khi ra ngoài, chúng ta phải mặc đủ ấm, đeo khẩu trang và chú ý giữ ấm ngực, cổ.
Trong sinh hoạt, nên hạn chế ra chỗ có gió lùa, không đi vội vàng từ trong nhà ra ngoài khi cơ thể không thể kịp thích ứng, hoặc tắm nước ấm rồi rồi vụt ra ngoài ngay... dễ dẫn đến đột quỵ. Đặc biệt, tết đến, người dân thường ăn uống nhiều hơn, uống rượu bia nhiều hơn nên ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe. Vì vậy, theo tôi, bản thân mỗi chúng ta phải tự biết bảo vệ mình trước những bất thường của thời tiết, ăn uống điều độ, khoa học, giảm rượu bia...
Trái cây có múi giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng. (Nguồn: Gananci) |
Chế độ dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng giúp cơ thể tăng sức đề kháng, chống lại bệnh tật. Vậy trong mùa này thì cần có chế độ ăn uống như thế nào cho hợp lý, thưa ông?
Chúng ta cần chọn lựa các thực phẩm giàu năng lượng, chứa nhiều đạm như các loại thịt gia súc, gia cầm, trứng, các loại cá, đặc biệt là tôm cua, cá thu, cá hồi... Trong đó, món súp gà là món ăn giúp hạ sốt và tránh cảm lạnh. Khoa học cũng đã chứng minh thịt gà có thể giúp cơ thể nóng lên và tránh được sốt, lạnh.
Bên cạnh đó, chúng ta nên ăn các loại rau giàu dinh dưỡng giúp làm ấm cơ thể như rau ngót, rau súp lơ, cải cúc, su hào, uống trà gừng… Ngoài ra, trái cây như quýt, đu đủ, cam, nho, lê... cũng không thể thiếu cho việc thúc đẩy hệ miễn dịch của con người.
Xin cảm ơn bác sĩ!