Nhỏ Bình thường Lớn

Khi Đệ nhất phu nhân “phá tường” định kiến

Hình ảnh một phu nhân có vẻ phục tùng, chỉ luôn đứng bên cạnh hoặc phía sau các nguyên thủ quốc gia ngày càng ít đi, và thay vào đó là những hình mẫu về những người phụ nữ chủ động và năng động hơn. Đó là trường hợp của các Đệ nhất phu nhân ở Pháp và Nhật Bản.
Bà Cecilia.

Những Đệ nhất phu nhân độc lập ở Pháp

Các Đệ nhất phu nhân Pháp cho đến những năm 1980 chủ yếu vẫn đi theo theo mô hình truyền thống: là một người vợ hiền thảo vì chồng và một người mẹ tận tụy vì con cái.

Tuy nhiên, những năm gần đây, một số Đệ nhất phu nhân có tư tưởng độc lập đã trở thành chủ đề bàn tán của báo chí bởi họ đã dám phá vỡ mô hình truyền thống đó.

Đầu tiên phải kể đến là bà Danielle Mitterrand, người vợ quá cố của Tổng thống thuộc Đảng Xã hội đầu tiên của Pháp giai đoạn 1981-1995, ông François Mitterrand. Từng tham gia kháng chiến trong thời gian Pháp bị Đức quốc xã chiếm đóng, bà Danielle cống hiến cả đời mình để kêu gọi viện trợ nhân đạo cho những người bị áp bức trên toàn thế giới, đặc biệt là người Kurd tại Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq. Bà đã nhiều lần tranh luận với các quan chức chính phủ về các dàn xếp ngoại giao với những người mà bà coi là “độc tài”. Bà cũng từng từ chối tháp tùng chồng trong một chuyến thăm nhà nước quan trọng đến Thổ Nhĩ Kỳ.

Một trường hợp ít gây tranh cãi hơn là phu nhân của Tổng thống Jacques Chirac (nhậm chức từ năm 1995), bà Bernadette Chirac. Người phụ nữ này từng là một chính trị gia địa phương lâu năm trước khi trở thành Đệ nhất phu nhân (đã được bầu vào Hội đồng cấp quận). Bernadette Chirac nổi tiếng về sự thẳng thắn, không ngần ngại ủng hộ lập trường của đối thủ của chồng hoặc chỉ trích một số bạn bè của ông.

Phu nhân của Tổng thống Nicolas Sarkozy (nhiệm kỳ 2007-2012) cũng được báo giới dành nhiều sự chú ý khi tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn năm 2006 rằng bà ghét vai trò là Đệ nhất phu nhân. Nói là làm, ngay sau khi ông Sarkozy nhậm chức, bà Cecilia đã nhanh chóng ly dị và rời Pháp để về sống với người yêu của mình ở New York (Mỹ). Tuy vậy, nỗi buồn ly hôn của vị Tổng thống này không kéo dài. Một năm sau, ông kết hôn với triệu phú Carla Bruni, người mẫu thời trang kiêm ca sĩ-nhạc sĩ nổi tiếng. Và Đệ nhất phu nhân Carla Bruni cũng không là ngoại lệ của sự phá cách. Bà nổi tiếng với quan điểm chính trị tự do, thậm chí có lúc những quan điểm này mâu thuẫn với chương trình nghị sự bảo thủ của chồng.

Tổng thống đương nhiệm François Hollande cũng đi vào lịch sử với việc dọn về Cung điện Elysée cùng một "đối tác" mà không qua kết hôn. Bà Valerie Trierweiler là một nhà báo chính trị và tình trạng không kết hôn của bà thường khiến các cán bộ lễ tân đau đầu khi phải quyết định liệu có thể coi bà là Đệ nhất phu nhân hay không. Ở Pháp vẫn chưa có luật quy định về địa vị và vai trò của Đệ nhất phu nhân. Mặc dù Valerie đã đảm nhận vai trò Đệ nhất phu nhân trong nhiều nghi thức ngoại giao, sự hiện diện của bà bên cạnh Tổng thống Hollande đã gây khó xử cho nhiều quốc gia vẫn xem quan hệ kiểu như vậy là điều cấm kỵ.

Vấn đề dường như đã được giải quyết khi Valerie từ bỏ ông Hollande đầu năm nay sau khi có tin Tổng thống đang có thêm quan hệ “ngoài luồng” với một diễn viên.

Đệ nhất phu nhân trái thông lệ của Nhật

Ở Nhật, phu nhân của các chính trị gia chủ yếu bị giới hạn vị trí gần như “vô hình”, chỉ biết vâng lời và hỗ trợ người chồng. Tuy nhiên, điều này đã thay đổi khi Thủ tướng Shinzo Abe đắc cử lần thứ hai.

Bà Akie, phu nhân của ông Shinzo Abe, từng nói sẽ quyết tâm từ bỏ khuôn mẫu người vợ hiền thảo và "sử dụng bộ não để nói ra suy nghĩ cá nhân thay vì mù quáng chấp thuận tất cả mọi điều nhận được từ chồng". Và bà Akie đã tạo ra sự khác biệt bằng cách phá vỡ một số điều cấm kỵ nhưng không đi quá xa để tránh gây rắc rối cho chồng. Ở Nhật Bản, công khai thể hiện sự thân mật trong hôn nhân vẫn là một điều kiêng kỵ, nhưng người ta đã nhìn thấy bà Akie, 52 tuổi, âu yếm nắm tay chồng.

Cuộc tranh cãi đầu tiên về vai trò của Đệ nhất phu nhân cũng đã nổ ra khi bà Akie công khai lên tiếng về chính sách của chính quyền Abe về việc khởi động lại các nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản và xuất khẩu công nghệ hạt nhân của Nhật Bản ra nước ngoài (hơn 40 nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản đã bị đóng cửa sau thảm họa động đất sóng thần tháng 3/2011). Dù vậy, lập trường của bà về vấn đề này đã được rất nhiều người dân đón nhận.

Chưa hết, bà Akie còn phản đối kế hoạch gây tranh cãi của chính phủ về việc xây dựng đê chắn sóng thần cao chót vót dọc theo bờ biển của quốc gia. Bà thậm chí được báo chí gán cho biệt hiệu “đảng đối lập trong gia đình”.

Tại thời điểm Nhật Bản mâu thuẫn gay gắt với Trung Quốc và Hàn Quốc về tranh chấp lãnh thổ cũng như về lịch sử gây hấn với hai nước láng giềng, nghe nói bà Akie đã tham gia đảng do những người Trung Quốc và Hàn Quốc lập nên, công khai thách thức sự gia tăng của xu hướng chống Trung Quốc, Hàn Quốc và bài ngoại trong đất nước của mình.

Tuy vậy, ông Shinzo Abe không hề xấu hổ vì điều này. Nhiều nhà quan sát còn cho rằng Thủ tướng Abe và Đảng Bảo thủ của ông đang tận dụng quan điểm tự do của vợ mình để làm mềm đi hình ảnh hiếu chiến cánh hữu của mình.

Viết Chung