'Giấc mơ Mỹ' của những người chán nản với cảnh nghèo đói đã trở thành nguồn thu bạc tỷ cho các băng đảng buôn người. (Nguồn: Quartz) |
Đáng lo ngại, những đường dây này, chủ yếu do các băng nhóm buôn lậu ma túy khét tiếng trong khu vực điều hành, có thể kiếm hàng tỷ USD mỗi năm từ hoạt động bất hợp pháp.
Từ giấc mộng đổi đời...
Quá chán nản với cảnh nghèo đói, Juan Macias, 35 tuổi, đã quyết định rời quê hương ở Honduras để tìm đường tới "xứ Cờ hoa" ôm mộng đổi đời.
Từ Honduras, Juan Macias đã gom 7.000 USD, vốn là số tiền dành dụm và vay mượn từ những người thân quen, để trả cho một đường dây buôn người cam kết sẽ đưa anh tới "miền đất hứa".
Macias cho biết, anh đã trải qua 8 kẻ buôn người khác nhau dắt mối trong suốt hành trình di cư cùng 30 người khác.
Những kẻ buôn người này được gọi là "người hướng dẫn" và đều là mắt xích của những tổ chức buôn ma túy xuyên biên giới.
Mỗi một "người hướng dẫn" đều có mật mã nhận diện riêng mà Macias sẽ được cung cấp qua từng chặng và tất cả những người này đều không giao tiếp với những người di cư mà chỉ có hiệu lệnh đi theo chúng.
Người di cư tới biên giới sau hành trình dài và nguy hiểm bằng những phương tiện như xe buýt, xe tải, tàu hàng hoặc thậm chí là đi bộ, được các kẻ buôn lậu cho đeo những chiếc vòng nhận dạng là "hàng" trong đường dây của chúng, với những thông tin gồm tên người di cư và đưa lên thuyền vượt dòng sông tại biên giới Mỹ-Mexico.
Vượt qua các hành trình gian nan và tốn kém, có những người di cư đã được ở lại Mỹ nhưng Macias lại không thể chạm tay tới giấc mơ của cuộc đời sau khi bị chặn tại biên giới và bị trục xuất về nước.
... đến miếng mồi béo bở cho đường dây buôn người
Báo cáo của Văn phòng Liên hợp quốc về ma túy và tội phạm ước tính, mỗi năm, doanh thu bất hợp pháp từ hoạt động buôn người qua các tuyến đường bộ tới Bắc Mỹ có thể lên tới 4,2 tỷ USD, trong khi trên toàn cầu là 7 tỷ USD.
Cũng giống như những hình thức phạm tội có tổ chức khác, các đường dây buôn người qua Mexico tới Mỹ thường do những băng nhóm buôn lậu ma túy ở Mexico điều hành.
Tuy nhiên, đối tượng dắt mối người di cư đến với đường dây này lại chính là những người hàng xóm hoặc người thân quen của họ, chủ yếu là những người Trung Mỹ.
Theo chuyên gia Oscar Hernandez, từ Viện nghiên cứu Colegio de la Frontera Norte, những kẻ buôn người tìm thấy cơ hội hành động ngay khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đắc cử.
Việc ông Biden, từng kêu gọi đối xử công bằng hơn với người di cư, lên cầm quyền cũng khiến số lượng người di cư tìm đường tới Mỹ tăng cao hơn so với thời cựu Tổng thống Donald Trump vốn quan điểm mạnh tay ngăn chặn người di cư.
Theo báo cáo của Cơ quan bảo vệ biên giới và hải quan Mỹ (CBP), trong tháng 3, khoảng 172.000 người di cư bất hợp pháp đã bị bắt giữ khi tìm cách vượt biên giới Mexico sang Mỹ, tăng 71% so với một tháng trước đó và cũng là mức cao nhất trong 15 năm.
Dòng người di cư ban đầu chỉ là những người Mexico có liên quan đến chương trình cho phép người dân quốc gia láng giềng này sang làm việc tại Mỹ từ năm 1942-1964.
Tuy nhiên, khi các băng nhóm tội phạm nhận thấy đây là cơ hội kiếm tiền, chúng đã thiết lập một đường dây hoàn chỉnh từ những kẻ dắt mối tại các quốc gia Trung Mỹ tới những kẻ tiếp tay cho hành vi vượt biên trái phép tại biên giới Mỹ-Mexico.
Các băng nhóm buôn lậu ma túy cũng bắt đầu nhập cuộc từ năm 2006 khi chính phủ của cựu Tổng thống Mexico Felipe Calderon đẩy mạnh nỗ lực triệt phá những băng nhóm này.
Theo chuyên gia Javier Urbano, từ Đại học Ibero-American (Mexico), khi hoạt động buôn lậu ma túy gặp khó khăn, các băng nhóm lập tức tìm hướng làm ăn khác và chuyển sang buôn người. Ngoài ra, theo luật pháp Mexico hiện hành, tội buôn người nếu bị bắt sẽ chịu án phạt nhẹ hơn tội buôn ma túy nên các băng nhóm này càng liều lĩnh hơn.
Con đường khác tới 'miền đất hứa'
Để khắc phục tình trạng người di cư tiếp tục tìm đường tới "miền đất hứa" bằng những con đường bất hợp pháp, ngày 18/4, Tổng thống Mexico Manuel Lopez Obrador thông báo dự định đề xuất tới người đồng cấp Mỹ Joe Biden chương trình hỗ trợ phúc lợi mới dành cho các quốc gia Trung Mỹ.
Theo đó, chương trình Sembrando Vida sẽ cung cấp các khoản viện trợ kinh tế cho các nhà sản xuất nông nghiệp, khuyến khích tạo thêm việc làm cho người dân địa phương, giúp họ yên tâm ở lại quê nhà thay vì tìm đường tha hương.
Những người lao động tham gia chương trình này sau 3 năm cũng sẽ nhận được thị thực làm việc tại Mỹ và được xem xét cấp quy chế cư dân Mỹ sau 3 năm tiếp theo.