📞

Khi giới công nghệ can thiệp cuộc đối đầu giữa nhiên liệu hóa thạch và tái tạo

14:52 | 12/03/2019
Hội nghị CERAWeek 2019 diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang khai thác nhiều dầu thô hơn bao giờ hết - trong đó 40% sản lượng là từ các mỏ ở bang Texas - trong khi thế giới đang từng bước chuyển sang các nguồn năng lượng sạch hơn nhằm hạn chế tình trạng biến đổi khí hậu. 

Ngày 11/3, hội nghị năng lượng thường niên CERAWeek, do công ty cung cấp  thông tin thị trường IHS Markit (có trụ sở tại London, Anh) tổ chức, đã khai mạc tại thành phố Houston, bang Texas, nhằm thảo luận về tương lai dầu mỏ, khí tự nhiên, năng lượng tái tạo và các loại công nghệ mới.

Sự kiện quy tụ các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực năng lượng, công nghệ và tài chính. Hội nghị năm nay có sự tham gia của hơn 4.500 khách mời đến từ hơn 70 quốc gia và khu vực, trong đó có các lãnh đạo hàng đầu của ngành năng lượng, từ Ngoại trưởng Mỹ, đến Tổng Giám đốc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Giám đốc điều hành (CEO) tập đoàn Chevron và BP, CEO Amazon và Siemens...

Phó Chủ tịch IHS Markit, đồng sáng lập hội nghị, ông Daniel Yergin cho biết, chủ đề của CERAWeek 2019 là "Thế giới của những sự đối đầu mới", khi nhiên liệu hóa thạch phải đối mặt với năng lượng tái tạo, khí tự nhiên phải cạnh tranh với than đá và xăng đối đầu với điện, vì tương lai cuộc biến đổi của ngành năng lượng.

Ông Daniel Yergin, Phó Chủ tịch IHS Markit, đồng sáng lập hội nghị CERAWeek. (Nguồn: Bloomberg)

Hội nghị CERAWeek 2019 diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang khai thác nhiều dầu thô hơn bao giờ hết - trong đó 40% sản lượng là từ các mỏ ở bang Texas - trong khi thế giới đang từng bước chuyển sang các nguồn năng lượng sạch hơn nhằm hạn chế tình trạng biến đổi khí hậu. Ông Yergin cho biết: "Đây là một đất nước mà 80% năng lượng đến từ nhiên liệu hóa thạch, nhưng đã có một Thỏa thuận Xanh mới hướng tới mục tiêu  trong 10 năm tới, 100% lượng điện năng sản xuất ra là từ năng lượng tái tạo."

Theo ông Yergin, một trong các chủ đề được quan tâm tại CERAWeek lần này sẽ là giải pháp của các công ty công nghệ ở thung lũng Silicon trong kỷ nguyên hạn chế năng lượng hóa thạch. Vì thế, CERAWeek 2019 đánh dấu sự tham gia của nhiều chuyên gia công nghệ hơn bao giờ hết của các tập đoàn Google, Microsoft và Amazon.

Tại hội nghị, CEO của công ty năng lượng quốc gia Equinor của Na Uy, ông Eldar Saetre nhấn mạnh, để đẩy mạnh cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, ngành công nghiệp dầu khí cần hợp tác mạnh mẽ và đi đầu trong giai đoạn chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch. Theo ông, về cơ bản, hiện ngành vẫn chưa tập hợp đủ sức mạnh để giải quyết các thách thức này và "những nhà sản xuất dầu khí có thể tạo ra một tác động lớn bằng cách đầu tư và chi tiêu vào các biện pháp giúp giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính".

CEO Saetre dự báo, trong dài hạn, thị trường dầu khí rồi cũng sẽ thu hẹp đáng kể, vì vậy khuyến cáo các công ty dầu khí phải hướng đến năng lượng tái tạo để có thể tồn tại và phát triển trong điều kiện mới. Ông cho biết, Equinor đã tiến hành các cuộc khảo sát để nghiên cứu phương án phát triển các nhà máy năng lượng gió. Hiện công ty đã phát triển và đang triển khai các dự án điện gió ở ngoài khơi Na Uy, Anh, Đức và bang Massachusetts và New York của Mỹ. Equinor cũng từng bước tìm cách thâm nhập thị trường năng lượng Mặt trời. Ông khẳng định đây là xu hướng "không thể bỏ qua".

Tại hội nghị, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đã công bố triển vọng của các thị trường năng lượng trong 5 năm tới và các tác động đối với kinh tế và địa chính trị toàn cầu.

IEA cho biết công nghệ đóng vai trò ngày càng quan trọng cả về mặt cung và cầu của ngành năng lượng. Giám đốc điều hành IEA Fatih Biron nhận định, "do việc sử dụng lĩnh vực dịch vụ được cải tiến, cạnh tranh và số hóa, chi phí phát triển dầu đá phiến của Mỹ ngày nay đã giảm 30% so với mức năm 2015". Ông Biron cũng cho biết, nhu cầu về các phương tiện xe điện, không chỉ ôtô mà cả xe buýt và các loại phương tiện khác, đang đóng một vai trò lớn, gửi đi một thông điệp quan trọng tới các công ty sử dụng dầu mỏ.

(theo Xinhua, Houston Chronicle, TTXVN)