Các nhà lãnh đạo Mỹ và ASEAN tham gia hội nghị Thượng đỉnh tại Sunnylands ngày 15/2 vừa qua. (Nguồn: Reuters) |
Sáng kiến này được thông báo tại cuộc gặp cấp cao Sunnylands giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và 10 nhà lãnh đạo ASEAN. Sáng kiến mới gồm bốn trụ cột: Một là kết nối doanh nghiệp, ủng hộ sự can dự thương mại giữa doanh nghiệp Mỹ và ASEAN trong những lĩnh vực như công nghệ thông tin và truyền thông, cũng như trong hạ tầng cơ sở; Hai là kết nối năng lượng, hỗ trợ phát triển lĩnh vực năng lượng ở ASEAN với công nghệ hiện đại và hiệu quả; Ba là kết nối đổi mới, khuyến khích doanh nghiệp mới nổi ở Đông Nam Á thông qua trao đổi chính sách và chuyên môn; Bốn là kết nối chính sách, hỗ trợ các nước ASEAN tạo ra một môi trường tích cực cho thương mại và đầu tư, bao gồm xây dựng năng lực và hỗ trợ kỹ thuật. Ngoài ra, Chính phủ Mỹ cũng cam kết thiết lập 3 trung tâm ở ASEAN (tại Singapore, Jakarta và Bangkok) để điều phối sự can dự kinh tế của Mỹ trong khu vực và kết nối với giới hoạch định chính sách, doanh nhân và nhà đầu tư.
Tại sao cần "Kết nối Mỹ- ASEAN"?
Năm 2014, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Mỹ và ASEAN đạt 254 tỷ USD (năm 2006 mới đạt 161 tỷ USD). Doanh nghiệp Mỹ cũng có tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài lũy kế lớn nhất ở ASEAN. Xuất khẩu hàng hóa dịch vụ từ Mỹ tới ASEAN cũng đã hỗ trợ hơn 500.000 việc làm ở Mỹ trong năm 2014. Tuy nhiên, những con số đó không nói lên bản chất vấn đề. Trong khi phần lớn kim ngạch thương mại là giữa Mỹ với Singapore, Malaysia và Thái Lan, sáng kiến "Kết nối Mỹ- ASEAN" được cho là sẽ cải thiện sự bất đối xứng này thông qua kết nối chính sách, bao gồm hỗ trợ xây dựng năng lực và kĩ thuật cho các nước ASEAN và cả những sáng kiến cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, như chính sách "Một cửa ASEAN" (tăng tốc độ thông quan hàng hóa) và hợp tác tiêu chuẩn sản phẩm để tạo điều kiện thúc đẩy thương mại khu vực.
Về thương mại, doanh nghiệp Mỹ can dự tích cực với các nền kinh tế ASEAN trong nhiều ngành nghề, như du lịch, dầu khí, hàng không, dịch vụ năng lượng, sản xuất hàng điện tử, hạ tầng cơ sở và dịch vụ tài chính. Tuy nhiên, cách tiếp cận này lại khá cẩn trọng với những quốc gia ASEAN kém phát triển hơn, thiếu nguồn nhân lực và thể chế có trình độ, vốn vẫn đang phát triển quy định đầu tư hoặc có môi trường chính trị biến động.
Ở lĩnh vực hạ tầng, bất chấp nỗ lực của ASEAN với những kế hoạch hạ tầng lớn và chương trình hạ tầng đối tác công-tư (PPP), doanh nghiệp Mỹ hiện chỉ chiếm khoảng 13% thị phần. Giới doanh nghiệp Mỹ quan ngại về vấn đề bảo vệ môi trường, doanh thu dài hạn, quy định và quản trị của nước sở tại với mô hình PPP. Trụ cột kết nối năng lượng tập trung vào lĩnh vực điện năng của khu vực. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, khu vực này sẽ định hình triển vọng năng lượng của ASEAN, khi nhu cầu điện năng vào năm 2040 sẽ tăng gấp ba lần. Trụ cột này đề cập đến Kế hoạch hợp tác năng lượng ASEAN 2015-2025 và Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN- thể hiện mong muốn can dự của Mỹ vào đầu tư hạ tầng ở Đông Nam Á một cách tích cực hơn.
Trong lĩnh vực chiến lược, việc thiết lập 3 trung tâm ở ASEAN giống như một điểm dừng chân cho nhà đầu tư và doanh nghiệp Mỹ để điều phối và quảng bá hoạt động. Có nhiều chỉ trích cho rằng dù Mỹ có nhiều dự án đầu tư hạ tầng trong khu vực cũng như sản phẩm và công nghệ ở Mỹ, song họ không tiếp thị đúng cách ở ASEAN. Ngoài ra, sự cạnh tranh gia tăng giữa Trung Quốc và Nhật Bản trong đầu tư hạ tầng Đông Nam Á cũng cho thấy Mỹ nên can dự tích cực trong lĩnh vực này.
Sự kết nối chiến lược
Động thái trên có thể được nhận thấy khi Chính quyền Obama thực hiện tuyên bố hồi năm 2011 rằng Mỹ cần tạo ra “sự xoay trục chiến lược” trong chính sách đối ngoại, chú trọng hơn đến Đông Nam Á. Trong gần 8 năm dưới thời Tổng thống Obama, đây là nỗ lực thứ ba nhằm tạo ra kết nối kinh tế giữa Mỹ với Đông Nam Á. Lần đầu tiên là Thỏa thuận can dự kinh tế mở rộng Mỹ- ASEAN năm 2012 và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) năm 2015.
Sáng kiến kết nối Mỹ- ASEAN sẽ thúc đẩy hội nhập kinh tế ASEAN bởi 4 trụ cột sẽ thúc đẩy các nước tiến hành những cải cách cần thiết cho cả hai bên. ASEAN sẽ có một khu vực cạnh tranh hơn so với Trung Quốc và Ấn Độ. Còn với Mỹ, một ASEAN mạnh mẽ và phát triển có thể ngăn cản sự trỗi dậy của Trung Quốc, đặc biệt trong các diễn đàn khu vực như ASEAN+3 và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS). Ngoài ra, kết nối Mỹ- ASEAN cũng mở đường cho nhiều quốc gia khu vực tham gia TPP. Sáng kiến này của Mỹ dường như không chỉ "mở đường" cho các nước ASEAN còn lại tham gia TPP mà còn góp phần xóa bỏ những chỉ trích rằng Mỹ đang chia rẽ ASEAN thông qua chính sách thương mại.