Nhỏ Bình thường Lớn

Khi Hàn Quốc "hết yêu" Chaebol

Việc quá ưu ái các nhóm kinh tế đóng vai trò chủ đạo (Chaebol) đã khiến một quốc gia hùng mạnh như Hàn Quốc cũng phải chịu mất mát. Chính phủ Hàn Quốc hiện đang tìm mọi cách nhằm giảm quyền lực và ảnh hưởng của các chaebol.
Các chaebol ở Hàn Quốc ngày càng bị kiểm soát chặt chẽ hơn.

Hiện nay, các chaebol (tập đoàn kinh tế sở hữu gia đình) này ngày càng bị kiểm soát bởi nhiều quy định và thuế phí để buộc họ có trách nhiệm hơn, đồng thời tăng cường tính minh bạch trong hoạt động. Tuy nhiên, trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế Hàn Quốc tại CLSA - Shaun Cochran mới đây lại cho rằng những điều luật này khó có thể tiến xa khi cuộc bầu cử Tổng thống tháng 12 đang tới gần. Theo ông này, các tập đoàn này chắc chắn sẽ làm mọi cách để bảo toàn vị thế. "Vì vậy, hiệu quả của những việc này còn phải xem xét".

Từ "công thần"

Chaebol bắt đầu lớn mạnh từ những năm 1960, khi Hàn Quốc khuyến khích các công ty tăng cường xuất khẩu để thúc đẩy kinh tế. Sự hỗ trợ của chính phủ dưới dạng các khoản vay, đảm bảo và giãn thuế đã cho phép các công ty tăng trưởng và gia nhập nhiều thị trường xuất khẩu. Đây chính là công thức đã đưa Hàn Quốc ra khỏi nghèo đói. Mô hình Chính phủ - chaebol: Chính phủ đưa ra kế hoạch phát triển công nghiệp còn các chaebol thực hiện các kế hoạch này.

Tổng thống Park Junghee thời đó đã cố gắng để Hàn Quốc phát triển nhanh như Nhật Bản. Do đó, ông đã sử dụng các chaebol để làm những "quả đấm thép" trong các chiến lược 5 năm phát triển kinh tế của nước này. Chính phủ trực tiếp chỉ thị các ngân hàng nhà nước cung cấp vốn vay ưu đãi với lãi suất thấp cho các công ty này; chính phủ cũng giảm thuế đánh vào các chaebol, đặc biệt là đối với các công ty xây dựng thực hiện các công trình kết cấu hạ tầng như cầu và đường cao tốc.

Được sự ưu ái đặc biệt từ chính phủ, trong chốc lát chaebol nhanh chóng trở thành thuyền trưởng trên con tàu mang tên Hàn Quốc, thả sức chiếm lĩnh thị trường thế giới. Trên con thuyền đó, "nhà kiến thiết" Hyundai và "thuyền trưởng" Samsung đã tạo ra những sản phẩm tốt nhất trên thế giới trong các lĩnh vực chuyên biệt của mình. Bản thân một số chaebol đã là những tập đoàn tư nhân hùng mạnh trước khi được chính phủ hỗ trợ và ban cho cơ chế độc quyền. Nên chỉ ít lâu sau, 8 chaebol - Samsung, Kepco, Hyundai Motors, SK, LG, Shinsêga, CJ, Hansol - chiếm tới 60,73% tổng GDP của Hàn Quốc. Con số này cho thấy không thể có Hàn Quốc mà không có chaebol.

Đến... lũng đoạn kinh tế

Tuy nhiên, một tầng lớp đặc quyền đặc lợi đã hình thành. Bản thân chính phủ Hàn cũng đã thừa nhận những bất cập trong mô hình chaebol, việc ôm đồm quá nhiều lĩnh vực và dựa chủ yếu vào nợ đã làm cho nhiều tập đoàn suy yếu và sụp đổ trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997.

Sự lũng đoạn của các chaebol ở rất nhiều ngành kinh tế đã hầu như triệt tiêu cạnh tranh. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ khó mà kiếm được chỗ đứng trong thị trường dưới quyền lực và ảnh hưởng của các chaebol. Dù sự thật là họ tạo việc làm cho một lượng tương đối lớn nhân công của Hàn Quốc. Trong khi, dù chaebol chiến một tỷ lệ lớn trong số các công ty Hàn Quốc về mặt doanh số bán hàng, nhưng về công ăn việc làm, họ chỉ sử dụng 5% lực lượng lao động của Hàn Quốc vì họ dùng nhân công giá rẻ ở nước ngoài. Như vậy, vì lợi nhuận chaebol đã bỏ quên trách nhiệm xã hội.

Một quan chức Hàn Quốc từng thừa nhận, mối quan hệ gần gũi giữa các lãnh đạo chaebol với chính phủ đã khiến hệ thống giám sát ngày càng trở nên lỏng lẻo, dẫn đến sự cho vay tràn lan, bao gồm cả khoản vay cho các dự án lợi nhuận kém. Trong khi đó, các chaebol liên tục bành trướng sang nhiều lĩnh vực thay vì tập trung vào những lĩnh vực chính, khiến nhân lực, vốn và cả sự quản lý bị dàn trải, dẫn đến thiệt hại lớn ở những ngành thiếu kinh nghiệm. Tính đến thời điểm cuối những năm 90 của thế kỷ trước, tỷ lệ dư nợ của 30 chaebol lớn nhất Hàn Quốc đã lên đến 400% tổng giá trị vốn sở hữu. Con số đáng buồn này đã biến các chaebol thành gánh nặng của kinh tế Hàn Quốc.

Tệ hơn, các chaebol với quyền lực kinh tế trong tay đã gây sức ép với nhà cầm quyền, đặt tầm ảnh hưởng lên các chính sách kinh tế, xã hội nhằm phục vụ cho các nhóm lợi ích. Không chỉ có vậy, những quan hệ "ngầm" giữa các chính trị gia và Chaebol, được "xây đắp" bằng các khoản tiền hối lộ, đút lót khổng lồ đã làm suy yếu hệ thống kinh tế quốc gia, khi các nhóm lợi ích "lái" con tàu kinh tế "hướng" theo các giá trị cá nhân. Hơn nữa, "một gia đình" hiển nhiên không thể đủ chuyên gia sành sỏi để điều hành một doanh nghiệp đa năng, khiến các chaebol mất dần tính cạnh tranh trên trường quốc tế và lỏng lẻo trong các cấu trúc tài chính.

Nhìn rõ những yếu kém, hơn một thập niên qua, Hàn Quốc tỏ ra ít nhân nhượng với các chaebol. Để thay đổi bộ mặt doanh nghiệp Hàn Quốc, một cuộc thanh lọc đã diễn ra, hơn một nửa chaebol đã bị phá sản, chia nhỏ, xác định tỷ lệ vay nợ trên vốn sở hữu, cấm sở hữu công ty tài chính phi ngân hàng, minh bạch hóa quản lý, cấm đầu tư ngoài ngành, quy trách nhiệm cá nhân cho các lãnh đạo chaebol, khống chế đầu tư vào công ty thành viên và trừng phạt các hình thức hối lộ... Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định chưa có gì chắc chắn, chặng đường phía trước vẫn còn dài.

Minh Anh