📞

Khi Mỹ “hục hặc” với Liên hợp quốc

09:00 | 30/12/2017
Việc Washington cắt giảm ngân sách đóng góp cho Liên hợp quốc (LHQ) có thể là tín hiệu tiêu cực cho mối quan hệ nhiều duyên nợ này.

 

Ngày 24/12, Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley công bố Washington sẽ cắt giảm 285 triệu USD ngân sách đóng góp cho tổ chức này trong năm 2018 – 2019. Trong bài phát biểu của mình, bà Haley nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ không để sự rộng lượng của mình bị tận dụng thêm nữa”.

“Sự rộng lượng” mà bà Haley đề cập ám chỉ rằng ngoài việc sáng lập và giữ vai trò quan trọng trong LHQ, Mỹ là quốc gia đóng góp ngân sách nhiều nhất cho tổ chức này, với 611 triệu USD năm 2017. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng LHQ phủ quyết nước cờ đơn phương của Mỹ dời Đại sứ quán tại Tel Aviv về Jerusalem đã khiến Washington “nóng mặt” và có hành động mang tính “ăn miếng trả miếng”.

Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley. (Nguồn: GettyImages)

Quan hệ trắc trở

Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên quan hệ Mỹ - LHQ gặp trục trặc. Trong quá khứ, Washington đã nhiều lần khó chịu ra mặt khi LHQ đưa ra những quyết định chống lại lợi ích của quốc gia này. Mỹ thường xuyên tố cáo LHQ và Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO) có lập trường chống Israel. Hồi tháng 10, Washington và Tel Aviv đã tuyên bố rút lui khỏi UNESCO.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng từng sử dụng con bài ngừng cung cấp ngân sách cho LHQ để ép tổ chức này ngả về phía mình. Thậm chí, Washington từng trì hoãn việc thanh toán tới hàng trăm triệu USD cho LHQ trong một thời gian dài. Do đó, với sự phản đối gay gắt của các nước LHQ về quyết định của Mỹ đối với Jerusalem, việc chính quyền của Tổng thống Donald Trump cắt giảm ngân sách để bày tỏ thái độ có thể dự đoán được.

Về phần mình, người phát ngôn của Tổng Thư ký LHQ Stephane Dujarric cho biết Đại hội đồng LHQ đã phê chuẩn việc cắt giảm ngân sách năm 2018 – 2019. Theo đó, tổ chức này sẽ tiếp tục vận động việc đóng góp từ các nước còn lại để hỗ trợ cho ngân sách hàng năm bị thiếu hụt. Tuy nhiên, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres từng nói rằng: “Những thay đổi đột ngột có thể phá hỏng nỗ lực cải cách LHQ”. Trước mắt, việc ngân sách bị cắt giảm sẽ buộc LHQ phải thắt lưng buộc bụng hơn trong các hoạt động của mình, trong đó có việc cắt giảm các chiến dịch cứu trợ nhân đạo tại Dafur và Syria.

Đáng chú ý, sự “rút lui” của Mỹ là trái ngược với những bước đi gần đây của Trung Quốc. Báo cáo đóng góp của LHQ cho thấy các khoản đóng góp của Trung Quốc sẽ tăng lên 10,8%, đưa nước này trở thành nhà tài trợ lớn thứ hai của LHQ, vượt Nhật Bản (8,7%) và đứng sau Mỹ (22%). Đây có thể sẽ là cơ hội để Bắc Kinh thể hiện nhiều hơn vị thế của một nước lớn trong các vấn đề khu vực và quốc tế.

Phản ứng trái ngược

Giới chuyên gia tỏ ra khá chia rẽ về động thái này của Mỹ. John Glaser, Giám đốc về chính sách đối ngoại tại Viện Nghiên cứu Cato cho rằng cách tiếp cận này sẽ cô lập Washington khỏi chính những đồng minh của mình, ngay cả khi sự lãnh đạo của quốc gia này tại LHQ có thể mang lại rất nhiều lợi ích cho nước Mỹ. Theo ông, đây có thể là cách ông Trump xây dựng hình ảnh của mình, khi cắt giảm nguồn tài trợ cho những tổ chức hay quốc gia không cùng chiến tuyến với Mỹ.

Tuy nhiên, Bathsheba Crocker, quan chức kỳ cựu phụ trách vấn đề tổ chức quốc tế dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama lại nghĩ khác. Theo bà, Washington cùng các nước khác đã nhiều lần đấu tranh để cắt giảm ngân sách tại LHQ. Do đó, quyết định vừa rồi của Mỹ không hề mang tính bột phát, mà là một bước tiến dài trong việc đưa LHQ hoạt động hiệu quả và minh bạch hơn.

Tương tự như bà Crocker, ông Peter Yeo, Giám đốc thuộc Quỹ LHQ cũng tỏ ra lạc quan với động thái của Mỹ. Theo ông, khác với việc Mỹ đơn phương áp đặt như nhiều người dự đoán, các thỏa thuận cắt giảm ngân sách lần này đã được cả Mỹ và LHQ thương thảo trước khi công bố. Việc tổ chức lớn nhất thế giới này kiểm soát được việc chi tiêu ngân sách sẽ là tín hiệu tốt cho cộng đồng quốc tế.

Việc Mỹ từ bỏ TPP, thương lượng lại NAFTA, rút khỏi UNESCO, và mới đây nhất là cắt giảm ngân sách đóng góp cho LHQ sẽ tiếp tục trở thành chủ đề tranh luận của giới chuyên gia thời gian tới. Liệu đây là sự rút lui của Washington, hay sách lược “lùi một bước, tiến hai bước” của chính quyền Tổng thống Donald Trump? Dù là gì đi nữa, có thể khẳng định mọi nước đi tiếp theo của Mỹ sẽ tiếp tục có sức ảnh hưởng mạnh mẽ tới cục diện thế giới năm 2018.