Đòi bình đẳng hay tạo thành kiến?
Được xem là một trong những môi trường làm việc khắc nghiệt nhất đối với phụ nữ, Thung lũng Silicon thường xuyên vấp phải nhiều phản ứng mạnh mẽ từ phía dư luận, đặc biệt là nữ giới trong lĩnh vực công nghệ vì những phát hiện liên quan đến tình trạng quấy rối tình dục và bất bình đẳng giới.
Nhiều kỹ sư và nữ doanh nhân làm việc tại đây từng mạnh dạn lên tiếng tố cáo danh tính những đồng nghiệp nam đã có hành vi quấy rối phụ nữ nơi công sở. Không ít lãnh đạo cao cấp của các tập đoàn công nghệ lớn cũng dính phải các vụ bê bối liên quan đến tấn công tình dục. Đơn cử như nhà đồng sáng lập Uber Travis Kalanick, người đứng đầu tổ chức 500 Startups Dave McClure đều đã từ chức do vướng vào các cáo buộc về quấy rối tình dục.
Thung lũng Silicon được xem là "lãnh địa" của nam giới trong lĩnh vực công nghệ. (Nguồn: New York Times) |
James Altizer, 52 tuổi, một kỹ sư làm việc cho Công ty Nvidia tại Thung lũng Silicon cho biết, các nhà hoạt động nữ quyền tại đây từ lâu đã thành lập các tổ chức và hội kín để bảo vệ quyền lợi của phụ nữ trước nam giới. Bản thân ông cũng từng là một người ủng hộ tích cực phong trào này.
Tuy nhiên, gần đây ông đã hạn chế hưởng ứng vì phong trào nữ quyền đang dần “bị biến tướng” khi khiến số phụ nữ có thành kiến với nam giới ngày càng tăng lên. Nhiều nữ quản lý có xu hướng sa thải các đồng nghiệp nam nhiều hơn đồng nghiệp nữ hoặc ra kỷ luật các nam nhân viên vì những lỗi nhỏ nhặt. Mặc dù nhiều khảo sát xã hội học cho thấy, trong ngành công nghệ, phụ nữ thường đối mặt với nhiều khó khăn hơn nhưng một số người lại cho rằng, nam giới cũng chịu nhiều thiệt thòi không kém gì nữ giới.
Thay vì ủng hộ, thời gian gần đây James Altizer đã thành lập một nhóm kín trên mạng xã hội Facebook với khoảng 200 thành viên, thường xuyên bàn luận về những vấn đề mà nam giới bị ảnh hưởng từ phong trào nữ quyền cũng như đưa ra các đề xuất giải quyết khi nam giới phải đối mặt với các ảnh hưởng đó.
Nam giới cũng cần bình đẳng
Tháng 8 vừa qua, Google đã sa thải James Damore, một kỹ sư 28 tuổi, sau khi anh này viết một ghi chú trên bản tin nội bộ của hãng với nội dung cho rằng phụ nữ không thể có quyền bình đẳng với nam giới trong lĩnh vực công nghệ. Theo James Damore khoa học vẫn chưa khẳng định rằng sự đa dạng giới tính sẽ giúp tăng năng suất ở nơi làm việc việc phụ nữ nỗ lực đòi bình đẳng trong môi trường công nghệ là vô lý.
Ngay sau khi bị sa thải, Damore đã đâm đơn kiện Google, đồng thời vận động hơn 20 cá nhân khác và cùng tham gia một vụ kiện tập thể về tình trạng phân biệt đối xử với nam giới. Trong khi đó Google lại từ chối đưa ra bất cứ bình luận nào về vụ việc trên.
Nam giới cũng hứng chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ phong trào nữ quyền. (Nguồn: The New York Times) |
Ông Paul Elam, người điều hành tổ chức nam quyền “A Voice For Men” ở Thung lũng Silicon cho rằng: “Những động thái từ Google đã đánh thức vô tình các thành phần khác nhau trong xã hội, đặc biệt là những người đã chưa từng quan tâm về vấn đề bình đẳng giới trước đó”.
Một số tổ chức hoạt động vì nam quyền cũng bắt đầu được thành lập và hoạt động tại Thung lũng Silicon. Điển hình là tổ chức có tên gọi Men Going Their Own Way (tạm dịch: Đàn ông làm theo cách của mình) kêu gọi nam giới nói "không" với hôn nhân, từ bỏ việc nuôi con cái hay tránh hẹn hò với người khác phái.