Dây chuyền sản xuất các mẫu xe Golf VIII và Tiguan của Volkswagen ở Wolfsburg (Đức). (Nguồn: Reuters) |
Ngành công nghiệp ô tô của Đức từng được cả thế giới công nhận vì những chiếc xe động cơ đốt trong chất lượng cao và sáng tạo. Trong nhiều năm liền, ngành phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Nhưng hiện tại, "gió đổi chiều" và mọi thứ đã thay đổi.
Volkswagen gặp khó
Ví dụ mới nhất là những diễn biến tại Volkswagen vào đầu tuần này. Công ty cho biết không thể loại trừ khả năng phải bắt buộc đóng cửa nhà máy tại Đức - một phần trong kế hoạch "thắt lưng buộc bụng".
Automotive News chỉ rõ, Volkswagen đang xem xét việc đóng cửa một nhà máy sản xuất ô tô và một nhà máy linh kiện ở Đức.
Các biện pháp khác để "bảo vệ tương lai" cho công ty này cũng bao gồm việc cố gắng chấm dứt thỏa thuận bảo vệ việc làm với các công đoàn lao động vốn có hiệu lực từ năm 1994.
Volkswagen chưa bao giờ đóng cửa một nhà máy nào ở Đức, cũng chưa từng đóng cửa một nhà máy nào trên thế giới kể từ năm 1988.
Volkswagen từng là một trong những thương hiệu ô tô mà nước Đức tự hào. Năm 2022, Volkswagen là nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới tính theo doanh thu.
Năm 2023, doanh nghiệp này cũng được xếp hạng cao nhất trong danh sách Fortune Global 500, sau khi thu về 348 tỷ USD doanh thu và bán ra 9,24 triệu xe. Tuy nhiên, công ty phải vật lộn với tình trạng biên lợi nhuận thấp, tâm lý tiêu dùng giảm sút.
Cụ thể, Volkswagen bắt đầu nỗ lực cắt giảm chi phí trị giá 10 tỷ Euro vào cuối năm ngoái và đang mất thị phần tại Trung Quốc, thị trường lớn nhất của hãng.
Trong nửa đầu năm nay, lượng xe giao cho khách hàng tại nền kinh tế lớn nhất thế giới đã giảm 7% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận hoạt động của tập đoàn giảm 11,4% xuống còn 10,1 tỷ Euro.
Hồi tháng 7/2024, Volkswagen cũng đã lên tiếng cảnh báo có thể phải đóng cửa nhà máy sản xuất xe Audi tại Brussels, thủ đô của Bỉ, vì nhu cầu đối với thương hiệu cao cấp này giảm mạnh.
Nền tảng của nền kinh tế Đức
TS. Andreas Ries, Giám đốc toàn cầu về ô tô tại KPMG - một trong những công ty kiểm toán lớn nhất thế giới - cho hay, đối với các nhà sản xuất ô tô Đức - vốn là những người dẫn đầu thị trường công nghệ không có đối thủ trong gần 140 năm và hầu như không phải lo lắng về doanh số bán hàng hay sự cạnh tranh - thì đây là một tình huống chưa từng thấy”.
Ông nói thêm rằng, hiện nay ngành công nghiệp này đang trải qua sự chuyển đổi lớn nhất từ trước đến nay.
Volkswagen không phải là doanh nghiệp duy nhất gặp khó khăn.
Trong loạt báo cáo mới nhất, bộ phận xe hơi của Mercedes đã cắt giảm dự báo biên lợi nhuận hàng năm. Trong khi đó, mảng ô tô của BMW cho biết, biên lợi nhuận của họ trong quý II/2024 sẽ thấp hơn dự kiến. Còn Porsche cũng cắt giảm triển vọng năm 2024, lý giải nguyên nhân do thiếu hợp kim nhôm đặc biệt.
Các vấn đề trong ngành ô tô cũng có thể có tác động lan tỏa đến nền kinh tế Đức nói chung - vốn đã "cập kê" suy thoái trong suốt năm nay và năm ngoái.
Trong quý II/2024, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức đã giảm 0,1% so với quý trước.
TS. Ries nhận định: “Câu tuyên bố ‘khi ngành công nghiệp ô tô ho, nước Đức bị cúm’ mô tả chính xác tình hình hiện tại”.
Ông giải thích rằng, ngành công nghiệp ô tô không chỉ bao gồm các công ty lớn mà còn có hàng nghìn doanh nghiệp vừa, nhỏ và rất nhỏ trên khắp cả nước. Đây là một trong những ngành công nghiệp quan trọng nhất của Đức.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cũng thừa nhận, ngành công nghiệp ô tô là "nền tảng của nền kinh tế Đức".
Ông Robert Habeck đồng thời cho rằng, các nhà sản xuất ô tô đang phải đối mặt với những thách thức to lớn trong việc chuyển đổi sang xe chạy bằng điện và ngăn chặn các đối thủ nước ngoài. Tuy nhiên, "các nhà sản xuất ô tô Đức phải theo kịp sự cạnh tranh này" - theo Bộ trưởng Kinh tế Đức.
Các vấn đề trong ngành ô tô cũng có thể có tác động lan tỏa đến nền kinh tế Đức nói chung - vốn đã "cập kê" suy thoái trong suốt năm nay và năm ngoái. (Nguồn: Allianz-trade) |
Rất nhiều thách thức
Các chuyên gia và tổ chức trong ngành cho biết, có nhiều yếu tố dẫn đến tình hình hiện tại của ngành công nghiệp ô tô nước Đức và tình trạng này đang gây sức ép lên thị trường.
Một phát ngôn viên của Hiệp hội công nghiệp ô tô Đức (VDA) nói với CNBC rằng: “Chúng tôi đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Hậu quả của đại dịch Covid-19, căng thẳng địa chính trị... là những vấn đề chúng tôi đang gặp phải".
Thời gian qua, hai chủ đề liên tục xuất hiện trong cuộc tranh luận xung quanh ngành công nghiệp ô tô Đức là Trung Quốc và sự chuyển dịch sang xe điện.
Trong khi đó, Horst Schneider, Giám đốc nghiên cứu ô tô châu Âu tại Bank of America nhận thấy: “Chúng ta vẫn đang trong tình trạng rất hỗn loạn khi lĩnh vực xe điện đang hoạt động kém hơn dự kiến".
Ông lưu ý rằng, nhu cầu về xe điện thấp hơn dự kiến, còn sự cạnh tranh đã tăng lên.
"Thị trường ô tô Trung Quốc đang phục hồi còn các nhà sản xuất ô tô Đức vẫn chưa cảm nhận được tác động của sự phục hồi bởi các đối thủ cạnh tranh đã chiếm lĩnh thị phần.
Đây cũng là vấn đề về giá cả. Xe điện Đức quá đắt, trong khi sản phẩm Trung Quốc tốt hơn ở một số khía cạnh và giá cả phải chăng hơn", ông Horst Schneider nói.
Giám đốc điều hành Tập đoàn Volkswagen Oliver Blume nhận định: "Ngành công nghiệp ô tô châu Âu đang trong tình hình rất khó khăn và nghiêm trọng. Các đối thủ cạnh tranh mới đang thâm nhập thị trường châu Âu và Đức là một địa điểm sản xuất đang ngày càng tụt hậu về sức cạnh tranh".
Song song với đó, căng thẳng xung quanh thuế quan thương mại và nhập khẩu giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc cũng đang gây áp lực lên thị trường.
Ông Schneider cho hay, các nhà sản xuất Đức rất dễ bị ảnh hưởng bởi các vấn đề về xung đột chính trị. Trước đây, 40 đến 50 % thu nhập được tạo ra ở Trung Quốc nhưng hiện tại, thị trường này đang bắt đầu thu hẹp lại. Tỷ lệ xe điện ở Đức cũng cao hơn nhưng lợi nhuận lại không cao bằng xe ô tô chạy bằng động cơ đốt trong.
Còn VDA cho rằng, việc kết thúc chương trình trợ cấp xe điện ở Đức cũng đã gây sức ép lên thị trường.
Tia hy vọng mong manh
Dù vậy, một số tia hy vọng đã xuất hiện giữa những thách thức.
Theo TS. Ries, xe hybrid (những dòng xe sử dụng kết hợp động cơ đốt trong và mô tơ điện) có thể sẽ được sử dụng lâu hơn dự kiến và doanh số bán xe động cơ đốt trong đang phần nào phục hồi.
Nhưng ông cho biết, lãnh đạo nước Đức, doanh nghiệp và các nhà nghiên cứu cần phải hợp tác với nhau để tạo ra khuôn khổ giải quyết các vấn đề khó khăn trước mắt.
VDA cũng nhìn thấy nhu cầu về các điều kiện sản xuất khác nhau nhưng dự báo, tình hình thị trường sẽ còn khó khăn trong ít nhất là năm tới.