Ảnh minh họa |
Lý do để Le Monde cho rằng Nhật Bản không nên liên tiếp đưa ra các kế hoạch kiểu như thế vì trước đó, nhiều chính sách tài chính, tiền tệ nhằm khôi phục nước Nhật chỉ đưa nước này đến gần bờ vực của tình trạng vỡ nợ quốc gia hơn. Thâm hụt ngân sách ngày càng trầm trọng, có thể lên tới 7% trong năm nay. Nợ công của Nhật Bản đã chiếm gần 200% GDP. Vì thế, tờ báo trên cho rằng Thủ tướng Naoto Kan cần phải có những bước đi thận trọng, ngay cả trong trường hợp ông chấp nhận một kế hoạch phục hồi mới. Một vấn đề khác là tỷ giá đồng yên hiện nay quá cao, gây trở ngại cho xuất khẩu - một trong những động lực chính của kinh tế Nhật Bản, hiện chiếm 15% GDP.
Chính quyền Nhật Bản đang bất lực trước sự tăng giá này. Theo Bộ Tài chính Nhật Bản ngày 23/8, đồng Yen đã tăng lên mức cao nhất trong 15 năm qua so với USD. Giới doanh nghiệp Nhật Bản trông chờ sự can thiệp từ phía chính phủ. Trong khi đó, Chính phủ từ chối đề cập đến ý định can thiệp trực tiếp, như mua USD với khối lượng lớn hay bán đồng Yen. Chính phủ Nhật muốn trông cậy vào hai đòn bẩy để vực dậy nền kinh tế: vừa sử dụng ngân sách nhà nước vừa nới lỏng chính sách tiền tệ để kích thích tiêu thụ và đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp tuyển dụng nhân công; mạnh dạn đầu tư công nghệ sạch, giáo dục, dịch vụ cá nhân...
Tuy nhiên, giới chuyên gia không ngần ngại coi những nỗ lực này là "những biện pháp nửa vời". Họ cho rằng, nếu thực tâm muốn hạ giá đồng yên so với đồng USD, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) cần phải tung tiền ra mua USD để đẩy giá đồng tiền này lên.
Thứ hai, trong bối cảnh kinh tế Nhật Bản đang trong giai đoạn đình đốn, lãi suất đã xuống đến mức thấp nhất kể từ cuối năm 2008 mà vẫn không đủ hấp dẫn để khuyến khích đầu tư và tiêu thụ. Do vậy, bơm thêm tiền vào hệ thống tài chính để khuyến khích các ngân hàng mạnh dạn cấp tín dụng cho tư nhân không phải là một giải pháp thích hợp.
Thứ ba, việc Nhật Bản đang phải đối phó với hiện tượng giảm phát nghiêm trọng, có nghĩa người tiêu dùng và doanh nhân còn chờ đợi để mua sắm và đầu tư vào các trang thiết bị với giá rẻ hơn. Hiện tượng giảm phát làm tăng lãi suất thực, làm giảm một phần lợi thế mà BoJ tạo ra để khuyến khích tư nhân vay mượn.
Cuối cùng, bản thân hiện tượng đồng Yen tăng giá cũng cần phải được xét lại. Trong khi giá tiêu dùng ở nhiều nước như Mỹ hay châu Âu liên tục gia tăng, thì ở Nhật lại giảm. Điều này có nghĩa tỷ giá hối đoái thực sự đã không hề tăng so với 15 năm trước đây mà ngược lại đồng Yen còn giảm giá so với đồng USD.
Theo một tính toán khác, đồng Yen hiện chỉ cao hơn so với trị giá thực sự khoảng 5% và do vậy tác động tiêu cực đối với xuất khẩu cũng rất giới hạn. Một số nhà quan sát còn cho rằng Nhật Bản đang viện cớ đồng Yen tăng giá để che đậy những nhược điểm khác, chẳng hạn như vấn đề: Thu nhập của người dân ngày càng suy giảm; Người dân hạn chế chi tiêu trong khi toàn bộ nền kinh tế phải trông cậy đến 60% vào nhu cầu tiêu dùng; Mạng lưới công nghiệp suy yếu, sẵn sàng di dời cơ sở sản xuất để tránh tác động của việc đồng Yen tăng giá...
Tuy nhiên, Tokyo vẫn may mắn huy động được tín dụng với lãi suất thấp nhất so với tất cả các nước công nghiệp phát triển khác trên thế giới. Thuận lợi này có được là nhờ hơn 95% nợ của Nhật Bản nằm trong tay người dân, khác hẳn với Mỹ hay Hy Lạp. Hơn nữa, từ nhiều năm nay, cán cân vãng lai của Nhật Bản luôn thặng dư, nên quốc gia này hầu như kiểm soát một phần lớn của cải làm ra trên thế giới. Theo IMF, Nhật Bản đang nắm trong tay khoảng 3% GDP của thế giới.
Người ta cho rằng, kinh tế Nhật Bản chưa thực sự bước vào giai đoạn hiểm nghèo nhất, nên cường quốc công nghiệp châu Á này chưa thực sự thoát khỏi những khó khăn dai dẳng. Dù sao đi nữa, trường hợp cá biệt của kinh tế Nhật Bản cho thấy gia tăng ngân sách nhà nước, nới lỏng chính sách tiền tệ không phải là chìa khóa đem lại một tỷ lệ tăng trưởng mạnh mẽ cho một quốc gia. Nhật Bản bị mắc kẹt trong một tình thế mâu thuẫn: là một quốc gia giàu có, với một tỷ lệ thất nghiệp tương đối thấp so với các nước công nghiệp phát triển, thế nhưng đà tăng trưởng kinh tế lại tùy thuộc vào sức mua của các đối tác thương mại lớn như Mỹ hay châu Âu và Trung Quốc.
Dù sao thì Thủ tướng Kan ngày 30/8 đã công bố kế hoạch kích thích kinh tế mới trị giá 920 tỷ Yen (11 tỷ USD), còn BoJ thì công bố một loạt các biện pháp tài chính nhằm "hạ nhiệt" đồng Yen. Tuy nhiên, giới phân tích tiên đoán rằng gói kích cầu của Tokyo sẽ không đem lại hiệu quả như mong muốn, bởi các gói kích thích dù quy mô đến đâu vẫn không đủ sức đưa kinh tế Nhật Bản thoát khỏi ngõ cụt. Phải chăng, Nhật Bản cần tìm cho mình một hướng đi mới.
An Sinh