📞

Khi ‘phái yếu’ vùng lên mạnh mẽ tại châu Phi

Ngọc Nguyễn 09:30 | 13/11/2021
Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ có vai trò then chốt trong nỗ lực giảm nghèo, là chìa khóa để phát triển bền vững và tiến bộ xã hội ở châu Phi.

Trong bối cảnh nhiều quốc gia châu Phi nỗ lực cải tổ, tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững, các chính phủ ngày càng đề cao tầm quan trọng của phụ nữ trong phát triển kinh tế-xã hội.

Đáp lại niềm mong mỏi đó, phụ nữ châu Phi đã và đang chứng minh khả năng điều hành chính phủ linh hoạt, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh quốc gia, đồng thời tham gia giải quyết các vấn đề chung của khu vực và thế giới.

Bản đồ về Phụ nữ tham chính năm 2020 (nguồn: ipu.org)

Tín hiệu tích cực

Năm 2020, Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và nâng cao vị thế phụ nữ (UN Women) cùng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) đã đưa ra Bản đồ về Phụ nữ tham chính cho thấy phụ nữ có xu hướng tham gia ngày càng sâu rộng hơn vào đời sống chính trị-xã hội của các nước.

Theo Bản đồ về Phụ nữ tham chính năm 2020, tỷ lệ phụ nữ trong quốc hội tại Bắc Âu đứng đầu thế giới (43,9%), theo sau là châu Mỹ (31,3%), phần còn lại châu Âu (28,8%), châu Phi Nam Sahara (24,4%), châu Á (20%) và các nước Arab (16,6%).

Song không nhất thiết phải ở các nước phát triển ở châu Âu và Mỹ thì tỷ lệ phụ nữ tham chính cao. Không ít người đã rất ngạc nhiên khi biết rằng Rwanda, một nước nghèo ở châu Phi, lại có tỷ lệ phụ nữ tham gia quốc hội lên tới 61,3%, cao nhất thế giới, theo sau là Nam Phi (46,3%) và Namibia (42,7%).

Như vậy, có 8 nước châu Phi trong top 30, với tỷ lệ nữ giới làm việc ở các cơ quan lập pháp lên tới 30-40%.

Theo IPU, tại Nam Sahara, nữ giới đứng đầu 16/75 thượng viện và hạ viện của các quốc gia, bao gồm CHDC Congo, Gambia, Madagascar, Malawi, Mozambique, Rwanda, Nam Phi, Togo, Uganda, Guinea Xích đạo, Eswatini, Ethiopia, Gabon, Lesotho, Liberia và Zimbabwe.

Đây là con số đầy ấn tượng, chỉ đứng sau khu vực dẫn đầu là châu Âu (17/70) và vượt trội so với châu Á (8/64).

Sự hiện diện của nữ giới tại các cơ quan lập pháp ở châu Phi là tín hiệu tích cực cho vận động chính sách bình đẳng giới, hợp tác đảng phái và sắc tộc, từ đó góp phần chống phân biệt đối xử, tăng khả năng đáp ứng vấn đề xã hội, xóa bỏ rào cản pháp lý, giúp phụ nữ tiếp cận các dịch vụ và cơ hội kinh tế dễ dàng hơn.

Những gương mặt “đình đám”

Vai trò của nữ giới trong các chính phủ tại châu Phi không chỉ dừng lại ở cơ quan lập pháp.

Năm 2005, bà Ellen Sirleaf trở thành Tổng thống dân cử đầu tiên ở Liberia và châu Phi. Sự kiện này ghi dấu son nổi bật nhất châu Phi năm 2005 trên con đường đấu tranh vì bình đẳng của phụ nữ tại những nơi vốn bị coi là lạc hậu, nghèo đói nhất thế giới.

Đồng thời, đây cũng là kết quả tất yếu của xu thế đã hình thành từ những năm 1990: phụ nữ tham chính và tham chính thành công.

Sự nghiệp chính trị của bà Ellen Sirleaf trên cương vị cao nhất của Liberia là minh chứng hùng hồn cho xu thế ấy.

Năm 2011, bà tái đắc cử và giữ chức Tổng thống đến hết nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2017. Không dễ để một phụ nữ đã 67 tuổi đảm nhiệm cương vị cao nhất tại một đất nước thuộc diện nghèo nhất thế giới trong 12 năm liền.

Nhờ kết quả tích cực cho nữ quyền, cũng như thành tích về kinh tế, ổn định xã hội trong thời gian cầm quyền tại Liberia, bà được trao giải Nobel Hòa bình năm 2011.

Bà Ellen Sirleaf, Tổng thống Liberia từ năm 2005 đến 2017. (Nguồn: news.un.org)

Tuy nhiên, bà Ellen Sirleaf không phải là người phụ nữ châu Phi đầu tiên nhận giải Nobel Hòa bình.

Vinh dự đó đã được dành cho bà Wangari Maathai, người Kenya năm 2004. Không chỉ được coi là biểu tượng cho ý chí sắt đá và là một nữ chính trị gia thành đạt, bà còn là người đi tiên phong trong bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ động thực vật với Phong trào vành đai xanh, Tổ chức Cứu lấy đàn voi...

Hiện nay, nhiều phụ nữ đang giữ chức vụ cao trong hệ thống chính trị tại châu Phi như Tổng thống Ethiopia Sahle-Work Zewde, Chủ tịch Tòa án tối cao Ethiopia Maeza Ashenafi, Phó Tổng thống Zimbabwe Joyce Mujuru…

Mozambique cũng nổi tiếng với sự góp mặt của “phái yếu” ở quốc hội, chính phủ như Chủ tịch Quốc hội Esperança Bias và cựu Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Ngoại giao Veroni Macamo.

Ngoài ra, một số gương mặt nữ có tiếng tại châu Phi như cựu Thủ tướng Mozambique Luisa Dias Diogo hay nguyên Đệ nhất phu nhân Rwanda Agathe Kaziga vẫn tích cực kêu gọi, tích cực tìm quyền bình đẳng nữ giới.

Đặc biệt, tại các nước châu Phi, nơi nữ giới nắm giữ vị trí bộ trưởng hoặc tương đương trong nội các, họ thường phụ trách các vấn đề đầu tư, tài chính, ngoại giao, môi trường, các vấn đề gia đình và xã hội.

Một ví dụ điển hình là Cape Verde – đất nước này có tới 8/10 bộ trưởng trong nội các là nữ giới, nhiều nhất trên thế giới.

Châu Phi đã chứng kiến nhiều phụ nữ vươn lên làm lãnh đạo lớn, tham gia tích cực vào đời sống chính trị, kinh tế-xã hội với tỷ lệ cao. Tuy nhiên, tầm ảnh hưởng của phụ nữ châu Phi không chỉ giới hạn ở đất nước hay lục địa của mình.

Ngày 1/3/2021 đã đi vào lịch sử nữ quyền nói chung và châu Phi nói riêng khi bà Ngozi Okonjo-Iweala chính thức trở thành nữ Tổng giám đốc đầu tiên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Nhà kinh tế học người Nigeria là người châu Phi đầu tiên đảm nhiệm trọng trách cao nhất tại tổ chức có ảnh hưởng toàn cầu này.

Bà Ngozi Okonjo-Iweala trở thành phụ nữ châu Phi đầu tiên làm Tổng giám đốc WTO.

Sự vượt trội

Bên cạnh hiện diện chính trị, bình đẳng giới cần được nhìn nhận dưới khía cạnh quyền và lợi ích công bằng trong lĩnh vực kinh tế, giáo dục, văn hóa, xã hội. Đây là vấn đề cốt lõi, gắn liền với sự thịnh vượng và phát triển của một quốc gia.

Châu Phi được đánh giá là là khu vực có nhiều nữ doanh nhân. Các doanh nghiệp có lãnh đạo nữ chiếm tới 1/3 số lượng công ty, tập đoàn tại lục địa này.

Theo McKinsey&Company, nữ giới chiếm tới 25% trong hội đồng quản trị các công ty, tập đoàn tại châu Phi, trong khi tại châu Âu, con số này chỉ là 23%.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), châu Phi là khu vực duy nhất trên thế giới nơi phụ nữ lựa chọn trở thành doanh nhân nhiều hơn đàn ông, dù còn gặp khó khăn trong kêu gọi đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật do phân biệt đối xử hay thiếu khả năng tiếp cận tài chính.

Các công ty do nữ giới lãnh đạo đã triển khai nhiều dự án quan trọng như lưới điện thông minh ở Nigeria, nhà máy bia thân thiện với môi trường ở Kenya, nhà máy sản xuất thực phẩm Java Foods ở Zambia…

Trong nông nghiệp, phụ nữ châu Phi được khuyến khích mở doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp thay vì thực hành tự cung tự cấp, tăng năng suất và thu nhập.

Theo WB, ngành nông nghiệp ở châu Phi cận Sahara sẽ đạt giá trị 1 tỷ USD năm 2030. Hiện tại, phụ nữ cung cấp 80% lượng lương thực được sản xuất trên lục địa đen, mặc dù chỉ tiếp cận 15% diện tích đất.

Canh tác nông nghiệp thẳng đứng (Vertical Farming) đang là giải pháp cho vấn đề tiếp cận đất nông nghiệp của phụ nữ châu Phi.

Từ tạo việc làm đến sản xuất năng lượng sạch, phụ nữ tại châu Phi đang đóng góp thêm hàng triệu USD vào nền kinh tế, mang lại sự thay đổi tích cực cho xã hội.

Những chông gai

Mặc dù đạt nhiều thành tựu quan trọng trong tham gia đời sống chính trị, kinh tế-xã hội thời gian qua, con đường đấu tranh vì sự tiến bộ của phụ nữ châu Phi vẫn còn nhiều chông gai.

Ngay trong kỷ nguyên ngày nay, phổ cập giáo dục cho các trẻ em gái ở lục địa này vẫn còn nhiều trở ngại. Bạo lực gia đình vẫn diễn ra tại nhiều quốc gia châu Phi. Bà Specioza Kazibwe, Phó Tổng thống Uganda từng phải ly hôn do bạo lực gia đình.

Bất chấp vai trò then chốt trong đảm bảo an ninh lương thực, phát triển kinh tế, nông nghiệp và xã hội ở châu Phi, thành quả của phụ nữ hay bị đánh giá thấp và họ gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận nguồn lực và dịch vụ quan trọng.

Tình trạng sinh nhiều con dù kinh tế còn khó khăn cũng khiến không ít phụ nữ sống trong nghèo khổ.

Song khó khăn và thách thức ấy chỉ càng khiến “phái yếu” tại châu Phi vươn lên mạnh mẽ hơn.

Với kết quả thời gian qua, giới chuyên gia kỳ vọng rằng sắp tới, nữ quyền tại đây sẽ ngày càng cải thiện, để phụ nữ châu Phi tiếp tục khẳng định vị thế và tiếng nói trong đời sống chính trị, kinh tế-xã hội tại khu vực và trên thế giới.