📞

Khi thời sự "xâm nhập" đề Văn

06:00 | 16/06/2016
Việc đưa các thông tin thời sự như cá chết, xâm nhập mặn, nước biển dâng hay các ngôi sao nổi tiếng vào đề thi đang là đề tài gây tranh cãi trong dư luận.

Mới đây, trong phần nghị luận (3 điểm) của đề thi Văn lớp 10 tại Sở GD&ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu, các thí sinh phải làm bài văn với chủ đề liên quan đến môi trường biển. Trước đó, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có nhiều việc làm quyết liệt để bảo vệ môi trường biển như dịp 30/4 vừa qua, chính quyền thành phố đã cấm ăn nhậu, nấu nướng và xả rác ở bãi biển. Tuy nhiên, trên thực tế, đưa tính thời sự nóng vào đề thi lại dẫn đến hệ quả là phát sinh quá nhiều vấn đề…

 “Mốt” đề thi thời sự

Hầu như chương trình phổ thông ở Việt Nam hiện nay mang tính ứng dụng chưa cao. Chính vì vậy, khi nhiều Sở GD&ĐT chuyển tải các vấn đề nóng vào đề thi, nếu nhìn về thái độ thì hợp lý bởi học sinh thường hào hứng đón nhận. Nhưng xét về năng lực, mức độ đọc hiểu, chắt lọc thông tin đa chiều để vận dụng vào làm bài sẽ dễ bị “khớp”.

Tự khi nào, việc đưa sự kiện vào đề thi, đề kiểm tra trở thành phong trào, thành “mốt”. Các vấn nóng được đưa vào đề thi yêu cầu không chỉ mang tính thời sự, hợp thời mà cần phải có định hướng giáo dục và có sự phân loại theo lứa tuổi, cấp học cho phù hợp. Đừng tham lam bắt các em phải làm những bài nghị luận chẳng khác gì “cõng” những vấn đề quá lớn, quá vĩ mô so với nhận thức và mức độ hiểu biết có hạn ở lứa tuổi học sinh.

Trao đổi về vấn đề này, cô giáo Lê Hồng (Trường THPT Hoằng Hóa 2, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) cho rằng:  “Đưa hiện tượng nóng của xã hội vào đề thi là cách làm hay vì hướng tới việc vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các vấn đề thực tiễn của cuộc sống. Tuy nhiên nếu người làm đề thi chỉ vì chú ý tới điểm đó sẽ có hai vấn đề nghi ngại: Thứ nhất là học sinh có thể phán đoán đề. Thứ hai, có nhiều vấn đề mang tính nhạy cảm của xã hội, khi chưa có quyết định rõ ràng, cụ thể lại trở thành định hướng sai lệch cho học sinh”.

 
Các em không cần phải “cõng” những vấn đề quá lớn, quá vĩ mô so với nhận thức và mức độ hiểu biết của mình. (Nguồn: Vietnam+)

Thực ra, đổi mới trong thi cử, tăng cường câu hỏi mở là cần thiết nhưng người ra đề nên chọn lựa những vấn đề phù hợp với nhận thức của học sinh, phải có kết luận rõ ràng hơn của nhà nước như nguyên nhân cá chết, để từ đó dễ dàng giáo dục tư tưởng như yêu biển đảo, bảo vệ môi trường cho các em hơn.

Bên cạnh đó, đề thi vận dụng kiến thức thực tiễn cuộc sống phải mang một chân lý chứ không phải chạy đua hay lấy thực tiễn là cái cớ để ra đề. Do vậy, tạo ra một đề thi đúng nghĩa thời sự không phải dễ và thực tế trong thời gian qua, có những đề thi mang tính thời sự rất cao nhưng cũng có những đề thi gây ngỡ ngàng, khó hiểu. Trong khi đó, nhìn nhận một vấn đề nào đó của cuộc sống cũng cần có thời gian, chưa thể vừa nhìn hiện tượng đã nói ngay được bản chất.

Học trò không phải con rối

Thời gian gần đây, việc đưa những câu chuyện thời sự, sự kiện mới hay những người nổi tiếng vào đề thi đang trở thành trào lưu và gặp những ý kiến trái chiều. Trong đề kiểm tra 15 phút môn tiếng Anh lớp 10 của Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội), đề thi học kỳ 2 môn vật lý lớp 10 của trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (TP.HCM) và đề kiểm tra 15 phút môn tiếng Anh lớp 10 của Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) đều có lấy cảnh trong phim Hàn Quốc “Hậu duệ mặt trời”.

Những vấn đề nóng được đưa tùy tiện vào đề thi dễ dẫn đến những suy nghĩ thiển cận, lệch lạc. Việc đổi mới hình thức ra đề thi ở các cấp học là cần thiết. Để làm được điều đó trước tiên các vấn đề phải được chọn lọc, mang tính giáo dục cao. Những vấn đề nóng nhưng nhạy cảm như cá chết, xâm nhập mặn, nước biển dâng lại vô tình biến học sinh trở thành con rối vì chưa có tính định lượng giáo dục, mù mờ trong nhận thức, từ đó rất dễ dẫn đến suy nghĩ lệch lạc, thậm chí tiêu cực.

Việc giáo viên ra đề đưa những sự kiện thời sự nóng vào đề thi là việc làm tốt bởi tạo được hứng thú cho học sinh khi làm bài. Tuy nhiên, nội dung này phải phù hợp, phải được chọn lựa cẩn trọng và nghiêm túc để tránh gây ra những hiệu ứng tiêu cực.  

Anh Lê Ngọc Cương (nghiên cứu sinh ở Yeosu, Hàn Quốc) cho biết: “Theo quan điểm của tôi, đưa các vấn đề nóng của xã hội cũng là một phương pháp tốt để nâng cao ý thức của công dân, khuyến khích khả năng bày tỏ quan điểm, điều mà người Việt vốn rất yếu. Nhưng nếu xét về mặt học thuật thì cần nghiên cứu kỹ như lứa tuổi, giá trị nhân văn”.

Nhiều đề thi Văn học đang đánh đố thí sinh. (Nguồn: Thời đại)

Phá cách nhưng phải cân nhắc

Lồng ghép những vấn đề thời sự vào trong bài giảng, đề thi, đề kiểm tra không sai nhưng phải chọn lọc chứ không phải cứ thấy bộ phim nào nóng, người nào nổi tiếng là cho ngay vào đề thi. Bởi ranh giới giữa một đề thi mang tính thời sự với một đề thi có định lượng giáo dục là điều đáng bàn.

Vẫn biết rằng, những vấn đề thời sự nóng được đưa vào đề thi nhận được nhiều phản hồi, bao gồm cả tích cực lẫn tiêu cực, không ít người đánh giá sự thay đổi này là một cuộc cách mạng trong việc ra đề thi giúp cho các em có thể vận dụng được thực tiễn vào làm bài. Việc này cũng giúp các em có thể thoát cảnh học tủ, học lệch, học thuộc lòng. Tuy nhiên, theo nhiều đánh giá thì đưa chuyện cá chết, xâm nhập mặn, nước biển dâng vào đề thi văn chỉ làm khổ và đánh đố học sinh.

Chị Phạm Thúy Ngọc (Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng: “Con tôi cũng đang học cấp 2 và tôi sẽ bị sốc nếu con gặp phải đề thi với vấn đề lớn lao thế này. Bởi vì sao, bao lâu nay các con học nhiều, có khi ở trên lớp còn nhiều hơn ở nhà, vật lộn với các kỳ thi, còn thời gian đâu để đọc báo, xem thời sự? Trong khi đó, đưa lứa tuổi học sinh vào tham gia những vấn đề chính trị, thời sự là không phù hợp vì chưa đủ trình độ để đánh giá, lập luận những vấn đề vượt ngưỡng với khả năng và nhận thức”.

Như vậy, khi đưa vấn đề cá chết, xâm nhập mặn, nước biển dâng vào đề thi là đi hơi xa, khiến các em “sa lầy” trong những sự việc, hiện tượng ngoài tầm phán đoán. Thực tế, môn Văn là một môn nghệ thuật nên cách ra đề thi kiểu này vô tình làm đánh mất đi tính nghệ thuật vốn có của môn học này.