Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và các đại biểu tham gia Diễn đàn. |
Trở về Việt Nam tham dự Diễn đàn Chuyên gia trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với phát triển kinh tế và hội nhập giai đoạn 2016–2020 ngày 7/6 vừa qua có khoảng 30 đại biểu kiều bào là các giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, hoạch định chính sách có nhiều kinh nghiệm quốc tế, nổi tiếng trong và ngoài nước. Có thể nhận thấy đây là những con người của công việc, luôn tất bật, coi thời gian là vàng bạc. Mỗi khi về nước, họ luôn cởi mở, nhiệt tình và đóng góp hết mình. Diễn dàn dù chỉ diễn ra trong một ngày nhưng đã có những cuộc thảo luận say sưa không biết đến giờ giải lao. Đặc biệt, nhiều sáng kiến mới được đề xuất làm tiền đề cho bức tranh sáng sủa hơn của kinh tế Việt Nam.
Tự chủ bằng nguồn lực con người
Có thể thấy Diễn đàn dành sự quan tâm rất lớn về giáo dục và đào tạo. Là Giám đốc nhóm Sáng kiến Việt Nam tại Đại học Indiana và Đại học Harvard (Mỹ), Giáo sư Trần Ngọc Anh cho rằng, vấn đề quan trọng nhất cho phát triển của kinh tế Việt Nam chính là nguồn lực con người. Ngoài số lượng sinh viên, thạc sĩ, tiến sĩ mà Việt Nam đang có thì điều ông quan tâm là chất lượng giáo dục thực sự là gì? Theo đánh giá của vị giáo sư sinh năm 1975 này, hiện nay việc đào tạo phổ thông ở Việt Nam như kỹ năng giải toán là rất tốt nhưng đến bậc đại học lại có vẻ chậm lại so thế giới.
Điều thứ hai mà Giáo sư quan tâm chính là việc học ngoại ngữ ở Việt Nam. Đưa ra dẫn chứng nước Pháp đang phấn đấu trở thành nước nói hai ngôn ngữ (Pháp và Anh), ông nghĩ rằng, nếu người Việt cũng nói tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai thì Việt Nam sẽ có rất nhiều cơ hội phát triển và hội nhập.
Khi đánh giá thực trạng nghiên cứu, giảng dạy kinh tế học tại Việt Nam, Giáo sư Lê Văn Cường (Đại học Paris Sorbones, Pháp) đã đề xuất xây dựng Trung tâm Xuất sắc (HSEM) chuyên nghiên cứu và giảng dạy chất lượng cao về kinh tế và quản trị với mục tiêu xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam.
Theo ông Cường, HSEM sẽ cố gắng huy động tất cả các nhân lực ở Việt Nam và quốc tế, tận dụng sự giúp đỡ của các đồng nghiệp nước ngoài có uy tín khoa học để Trung tâm hoạt động có hiệu quả. Từ đây, Việt Nam có thể hoàn toàn tự chủ về nhân lực, không cần mời người nước ngoài đến giảng dạy, mà còn có thể cử giảng viên/nghiên cứu viên tham gia giảng dạy tại các trường/viện quốc tế.
Từng nghiên cứu về cải cách giáo dục đại học, đào tạo nhân lực để phát triển khoa học công nghệ của Hàn Quốc, Tiến sĩ Trần Hải Linh, Đại học Quốc gia Chonbuk đã đề xuất áp dụng kinh nghiệm của Hàn Quốc với nền giáo dục Việt Nam. Ông cho rằng, con đường tiến bộ cho giáo dục đại học ở Việt Nam chính là cần có sự tự chủ như tự chủ về tuyển sinh, đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên về giảng dạy và nghiên cứu, tự chủ về tài chính... Trong tình hình hiện tại của Việt Nam, trao quyền tự chủ cho trường đại học có thể coi là một trong các biện pháp hữu hiệu để phát triển giáo dục.
Hiểu điểm mạnh và yếu
Khi nói đến việc nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp Việt Nam tiến sâu vào hội nhập, Giáo sư Nguyễn Quốc Vọng (Trường Khoa học Ứng dụng, Đại học RMIT, Australia) quan tâm đến việc sản xuất theo chuỗi ngành hàng và gia tăng giá trị nông sản. Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới ở Australia, ông Nguyễn Quốc Vọng nêu rõ, để đột phá, nông nghiệp Việt Nam chỉ có con đường duy nhất là áp dụng chính sách nông nghiệp, đất đai vì nông dân, xây dựng chuỗi ngành hàng, tích cực hỗ trợ việc đổi mới công nghệ và đưa công nghệ cao vào nông nghiệp.
Giáo sư Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch Hội khoa học và Chuyên gia Việt Nam tại Pháp hướng Việt Nam đến một thị trường tài chính ổn định, hấp dẫn có khả năng đề kháng với những cú sốc, luôn tham gia vào cuộc chơi “có tính bắt buộc”của tự do hóa tài chính và biết cách quản lý các rủi ro. Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng ở Mỹ lại băn khoăn trước thực cảnh Việt Nam có vòng quay của hàng hóa tốt nhưng chưa thực hiện được nền kinh tế tiền tệ ổn định. Sự lệch pha đó làm chậm sự phát triển của Việt Nam và ông Hiếu đề nghị Chính phủ quan tâm hơn đến nền kinh tế tiền tệ trong thời gian tới.
Rào cản và niềm tin
Hầu hết các trí thức kiều bào đều vui mừng khi nước ta đang thực hiện chính sách thu hút người Việt ở nước ngoài mang tri thức về đóng góp cho quê hương. Theo Tiến sĩ Trần Hải Linh, đội ngũ chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với tiềm lực rất đáng kể và đều có mong muốn cống hiến nhưng vẫn còn bị hạn chế do thiếu thông tin, thiếu cầu nối và phương thức thực hiện chính sách.
Là người luôn theo dõi bước chuyển mình của quê hương, ông Linh có một niềm tin mạnh mẽ là Việt Nam sẽ có một ngày phát triển như Hàn Quốc.
“Hãy giao trách nhiệm và trao niềm tin cho đội ngũ trí thức Việt Nam ở nước ngoài và tạo cơ hội để họ cống hiến và chứng minh khả năng trên quê hương mình”, ông Linh nói.
Chia sẻ về điều này, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành tại Mỹ cũng chia sẻ suy nghĩ: “Anh em chúng tôi luôn sẵn sàng đem tất cả những kinh nghiệm có được để phục vụ và ủng hộ đất nước. Điều quan trọng là chúng tôi cần nhìn thấy những việc mình phải làm”.
Như vậy, nguyện vọng của trí thức kiều bào trong việc đóng góp phát triển đất nước là rất lớn nhưng dường như vẫn có những rào cản vô hình. Nói về điều này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho rằng, bên cạnh khó khăn về nhận thức của các bộ ngành, địa phương, còn là sự e ngại về nước hoạt động khi đa số trí thức kiều bào đều sống trong môi trường khá hoàn chỉnh về thể chế, pháp luật, môi trường hoạt động khoa học hiện đại...
Tuy nhiên, Thứ trưởng Vũ Hồng Nam khẳng định: “Chính phủ rất quyết tâm và nhiệm vụ của chúng tôi là kết nối giữa yêu cầu của trí thức kiều bào với những cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động của họ”.
HẢI THANH