📞
Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam:

Khi trúng cử, Việt Nam sẽ có nhiều đóng góp quan trọng tại Hội đồng Bảo an

Phạm Hằng 16:43 | 30/05/2019
TGVN. Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam đánh giá cao những đóng góp của Việt Nam tại Liên hợp quốc (LHQ) trong hơn 4 thập kỷ qua, đồng thời tin tưởng Việt Nam sẽ trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ vào ngày 7/6 tới.    
Ông Kamal Malhotra tin tưởng khi trúng cử Ủy viên không thường trực nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam sẽ có nhiều đóng góp quan trọng tại HĐBA. (Nguồn: UNDP)

Việt Nam đã tích cực tham gia vào nhiều chương trình mục tiêu do LHQ phát động trong hơn bốn thập kỷ qua. Ông đánh giá như thế nào về quá trình này?

Trước tiên, tôi phải nói rằng, Việt Nam là một quốc gia thành viên của LHQ ủng hộ rất tích cực cho các mối quan hệ đa phương. Mở rộng đẩy mạnh các quan hệ đa phương cũng chính là mục tiêu của LHQ. Do đó, LHQ luôn nhìn nhận Việt Nam là một quốc gia không những ủng hộ mạnh mẽ quan hệ đa phương mà còn tuân thủ rất nghiêm túc tất cả luật lệ cũng như các quy tắc của mối quan hệ này.

10 năm trước, Việt Nam là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2008-2009. Trong thời gian đó, Việt Nam đã đóng một vai trò rất quan trọng trong Hội đồng bảo an, đặc biệt là trong việc ủng hộ Nghị quyết của LHQ về phụ nữ, hòa bình và an ninh. Đây là một nghị quyết có tính chất lịch sử của LHQ. Hiện Việt Nam cũng đang tăng cường vai trò của mình trong việc tham gia vào các lực lượng gìn giữ hòa bình. Năm 2018, lần đầu tiên Việt Nam đã cử 63 sỹ quan tham gia Bệnh viện dã chiến cấp II ở Nam Sudan đồng thời thể hiện cam kết mạnh mẽ sẽ tiếp tục tham gia vào các lực lượng gìn giữ hòa bình. Việt Nam cũng tham gia Hội đồng nhân quyền quốc tế giai đoạn 2014-2016. Cuối năm 2018, Việt Nam được lựa chọn vào Ủy ban của LHQ về Luật Thương mại quốc tế (UNCITRAL). Đây là một vai trò mới của Việt Nam với thời hạn 6 năm kẻ từ năm 2019.

Đây là bằng chứng thể hiện rất rõ ràng cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong hòa nhập với cộng đồng quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại và cam kết thực hiện các luật về kinh tế, thương mại quốc tế. Ngoài ra, còn có một số lĩnh vực khác mà Việt Nam ngày càng tăng cường sự tham gia cũng như cam kết, ở cấp khu vực cũng như thế giới.

Trong thời gian gần đây, Việt Nam đã tham gia vào các hoạt động của LHQ vì tiêu hoà bình và phát triển trong khu vực và trên thế giới. Theo ông, sự đóng góp này có ý nghĩa như thế nào đối với Việt Nam và cộng đồng quốc tế?

Liên quan đến sự tham gia của Việt Nam vào lực lượng gìn giữ hòa bình, tại một hội nghị quốc tế về gìn giữ hòa bình với sự đồng chủ trì của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và tôi, cơ quan LHQ tại Việt Nam đã có văn bản nêu rõ những lợi thế, thách thức và nhu cầu xây dựng một chiến lược tổng thể về việc tham gia của Việt Nam vào các lực lượng gìn giữ hòa bình. Chúng tôi cho rằng Việt Nam có thể đóng góp nhiều hơn nữa trong các lĩnh vực như y tế, bệnh viện, công binh. Việt Nam còn muốn đóng góp thêm vào lực lượng gìn giữ hòa bình với sự tham gia của lực lượng cảnh sát, bước đầu sẽ là những cá nhân trong lực lượng này.

LHQ tại Việt Nam đã tiến hành thảo luận vấn đề này với Bộ Công an. Tôi cho rằng, hiện nay Việt Nam nên tập trung để xây dựng chiến lược dài hạn, làm sao ngày càng nhiều cán bộ, sỹ quan được đào tạo, đáp ứng được nhu cầu, tiêu chuẩn quốc tế, tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình. Như vậy, sẽ còn nhiều việc phải triển khai. Việt Nam đã thể hiện rất rõ cam kết và mong muốn của mình. Tôi xin khẳng định, với cương vị lãnh đạo cao nhất của LHQ tại Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này là một trong những ưu tiên hàng đầu của chúng tôi.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại một phiên họp của Đại hội đồng LHQ tại New York, Mỹ. (Nguồn: VGP)

Cùng với việc ứng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam, năm 2020, cũng sẽ thực hiện vai trò Chủ tịch luân phiên của ASEAN. Theo ngài, điều này có ý nghĩa và tác động như thế nào đối với Việt Nam, ASEAN và LHQ?

Đây là khoảng thời gian quan trọng nhưng đầy thách thức đối với Việt Nam khi ở cả cấp độ khu vực và toàn cầu đều tồn tại nhiều vấn đề khó khăn. Việt Nam có thể trở thành ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhưng cùng với đó sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên của ASEAN. Do đó, Việt Nam sẽ gánh trên vai trách nhiệm rất nặng nề. Không những Việt Nam phải thể hiện được vai trò, năng lực trên trường quốc tế mà còn phải ở cả tầm khu vực, đóng góp vào việc giải quyết thách thức của khu vực và quốc tế.

Hiện nay, Hội đồng Bảo an vẫn có những bất đồng, thậm chí bất đồng hơn nhiều so với thời gian trước đây, trở thành khó khăn cho rất nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam khi tham gia vào HĐBA. Bên cạnh đó, nhiều người đang thể hiện sự lo ngại khi chủ nghĩa đa phương bị đe dọa nghiêm trọng, Hội đồng Bảo an cũng như Việt Nam phải bảo vệ tinh thần của chủ nghĩa đa phương.

Nếu được trúng cử vào Hội đồng Bảo an, các quốc gia kỳ vọng nhìn thấy Việt Nam đóng vai trò mạnh mẽ hơn nữa trong các chương trình nghị sự Hội đồng Bảo an đang làm việc tích cực như vấn đề Triều Tiên, Myanmar. Vấn đề Triều Tiên là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an, gần đây, Việt Nam đã chủ trì cuộc họp Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai tại Hà Nội. Vì vậy, tôi hy vọng Việt Nam sẽ đóng vai trò tích cực hơn nữa trong vấn đề này. Thế giới cũng kỳ vọng Việt Nam đóng vai trò tích cực trong việc giải quyết vấn đề Myanmar trong khuôn khổ diễn đàn khu vực cũng như quốc tế.

Hiện nay, Việt Nam đã tham gia tích cực vào lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ, gìn giữ hòa bình là trách nhiệm chính của Hội đồng Bảo an. Do vậy, khi tham gia Hội đồng Bảo an, Việt Nam sẽ có vai trò trong lĩnh vực này nhưng tôi nghĩ trong 2 năm tới Việt Nam vẫn cần phải đẩy mạnh hơn nữa. Song song với đó, Việt Nam cũng nên chia sẻ với cộng đồng quốc tế, các thành viên Hội đồng Bảo an những kinh nghiệm trong vấn đề phục hồi sau chiến tranh, đây là những kinh nghiệm rất tốt. Tôi cho rằng Việt Nam nên ưu tiên, phát huy thế mạnh của mình, Việt Nam có vị thế đặc biệt, “độc nhất vô nhị” vì có rất ít quốc gia vừa là thành viên Hội đồng Bảo an vừa là Chủ tịch một khối đa phương lớn như ASEAN. Đây sẽ là cơ hội lớn cho Việt Nam.

Ông có thể cho biết thông điệp mà LHQ muốn gửi đến người dân và Chính phủ Việt Nam trong thời điểm này?

Tôi thấy Việt Nam đã tự tin trên trường quốc tế. Đây là thời điểm Việt Nam nên chia sẻ, đặc biệt là qua cơ chế hợp tác Nam – Nam những kinh nghiệm về phục hồi sau chiến tranh, xây dựng kinh tế, thực hiện thắng lợi mục tiêu thiên niên kỷ trước thời hạn, cam kết chặt chẽ thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vai trò trong lực lượng gìn giữ hòa bình. Một đất nước đã trải qua khoảng thời gian dài chiến tranh, chịu nhiều đau khổ bởi chiến tranh như Việt Nam nhưng bây giờ lại là nước tham gia vào việc xây dựng và gìn giữ hòa bình, đó thực sự là kinh nghiệm rất đáng quý.

Mặc dù đây là thời điểm cho Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm với quốc tế nhưng đồng thời Việt Nam cần luôn giữ cho mình một tư thế rộng mở, sẵn sàng học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia khác trong khu vực cũng như trên thế giới. Tôi rất tin tưởng vào Việt Nam, chúng tôi là đối tác thủy chung, tin cậy của Việt Nam trong 40 năm qua. Với tư cách là lãnh đạo của LHQ tại Việt Nam, tôi cam kết mạnh mẽ sẽ tiếp tục đồng hành với Việt Nam trong vai trò và trách nhiệm mới tại Hội đồng Bảo an khi Việt Nam trúng cử.

Ông đánh giá như thế nào về năng lực tổ chức các sự kiện cấp độ khu vực và quốc tế của Việt Nam trong thời gian qua?

Rõ ràng, trong một vài năm gần đây, Việt Nam thành công trong việc tổ chức, chủ trì các sự kiện khu vực và quốc tế quan trọng, phải kể đến như Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2, APEC 2017, WEF ASEAN 2018,… các sự kiện được tổ chức tại Hà Nội và Đà Nẵng.

Việt Nam đã thể hiện rất rõ với thế giới khả năng hậu cần, tổ chức đủ mạnh để có thể đáp ứng được yêu cầu của các sự kiện quốc tế, cho thấy Việt Nam là quốc gia có năng lực. Từ nay, với vị thế ngày càng lớn, tôi mong Việt Nam sẽ thể hiện ngày càng mạnh mẽ hơn vai trò quan trọng trong việc tham gia vào chính các sự kiện đó, chứ không đơn thuần là người đứng ra chủ trì và tổ chức. Việt Nam sẽ thể hiện tốt vai trò cầu nối, quốc gia trung gian mang lại hòa bình cho khu vực và thế giới.

Khi trúng cử vào Hội đồng Bảo an, Việt Nam sẽ có thêm cơ hội để chứng tỏ khả năng của mình, đóng vai trò quan trọng cho các sự kiện khu vực và toàn cầu. Chúng ta đang ở thời khắc thế giới phải đối mặt với những thách thức to lớn, vai trò của Việt Nam cần phải biến đổi và tăng cường mạnh mẽ hơn nữa, không đơn thuần là tổ chức chủ trì mà là đóng góp tích cực, quan trọng trong các diễn đàn thế giới và khu vực.

Xin cám ơn Ông,

Phạm Hằng (thực hiện)