Nước biển - nguồn tài nguyên vô tận của Malta (Nguồn:telegraph.co.uk) |
Sống chung với đại dương
Với trên 50% diện tích đất liền nằm ngang bằng hoặc dưới mực nước biển, người dân Hà Lan luôn phải miệt mài với công cuộc ngăn chặn nước biển xâm lấn vào đất liền. Điển hình là Thủ đô Amsterdam đã thành công xuất sắc trong việc bảo vệ đất canh tác với hệ thống hàng rào đê biển Delta khổng lồ.
Delta là một đại dự án xây dựng hệ thống đê biển bao quanh vùng đất trũng miền duyên hải dài hàng trăm cây số của Hà Lan, với tổng số vốn đầu tư lên tới 9 tỷ USD. Dự án được xây dựng liên tục trong nhiều năm và đến năm 1958 thì hoàn thành. Ngoài tính hiệu quả, hệ thống Delta hay còn gọi là Công trình bảo vệ Biển Bắc đã được Hội kỹ sư dân sự Mỹ bình chọn là một trong “bảy kỳ quan của thế giới hiện đại” với quy mô vô cùng hoành tráng và được mô tả là hệ thống phòng vệ chắc chắn nhất trên thế giới.
Maeslantkering cũng được biết đến là hàng rào chắn sóng có thể chuyển động duy nhất trên thế giới - gây ấn tượng hơn cả với hai cánh cửa quay bằng thép, mỗi bên dài 210m, cao 22m đặt tại bến cảng Rotterdam. Hàng rào này được kết nối với một hệ thống máy tính theo dõi mực nước biển và thời tiết nên có thể tự động đóng mở trong trường hợp khẩn cấp. Nếu một trận bão làm mực nước biển dâng lên 3m trên mức thông thường, hai cánh cửa sẽ tự động nổi lên rồi đóng sập lại để ngăn dòng nước.
Không chỉ vậy, Chính phủ Hà Lan cũng đang thử nghiệm mô hình “Động cơ cát” (Sand Engine) để bảo vệ cho khu vực phía Tây đất nước trước tình trạng nước biển dâng. Hoàn thành năm 2011 với chi phí 67 triệu USD, “động cơ cát” là một bán đảo nhân tạo trải dài tựa như một dải cát ở giữa sông, diện tích chừng 1 km2. Khi hoàn thiện vào khoảng 5 năm tới, bãi cát này có thể bảo vệ được 20 km bờ biển khỏi bị xói mòn.
Hệ thống hàng rào đê biển Delta ở Hà Lan (Nguồn: independent.ie) |
Lọc biển lấy nước ngọt
Đảo quốc Malta có lẽ là quốc gia duy nhất trên thế giới không có sông, suối, hồ nước ngọt tự nhiên. Bên cạnh đó, lượng mưa ghi nhận tại Malta hàng năm chỉ là 550mm nên người dân buộc phải đào giếng tự phát. Dù vậy, đây hoàn toàn không phải là giải pháp lâu dài bởi theo quy định của Liên minh châu Âu (Malta là thành viên từ năm 2004), việc khai thác các giếng nước ngọt phải được kiểm soát theo quy hoạch và chịu thuế. Hơn nữa, theo tính toán của Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO), các nguồn nước ngọt của Malta sẽ cạn kiệt trong vài thập kỷ tới. Để đối phó với thực trạng này, các cơ quan chức năng Malta đã nghĩ ngay đến nước biển - nguồn tài nguyên gần như vô tận đối với quốc đảo.
Hiện tại, nguồn nước ngọt được lọc từ nước biển đã trở thành nguồn nước quan trọng đứng thứ hai của người dân Malta. Hầu hết, nước sinh hoạt hàng ngày tại các đô thị ở Malta là nước được xử lý, tẩy mặn từ nước biển thông qua các nhà máy lớn với công nghệ hiện đại. Cũng nhờ công nghệ tẩy mặn nước biển, trong tương lai gần, người dân Malta hiện không quá phải lo lắng thiếu nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất.
Tuy nhiên, nước biển có thể là nguyên liệu vô hạn nhưng để tẩy mặn nước biển lại cần sử dụng rất nhiều năng lượng truyền thống có thể gây hiệu ứng nhà kính tăng cao. Theo đại diện Cơ quan Quản lý tài nguyên Malta, giải pháp bền vững nhất để đảm bảo nguồn tài nguyên nước ngọt trong tương lai vẫn là ý thức tiết kiệm của người dân.
Tìm nước ngọt trong lòng đất
Những năm gần đây, Brazil liên tục phải đối mặt với tình trạng thiếu nước tồi tệ. Trong khi nước đang trở thành một vấn đề gây bất bình cho người dân tại các thành phố lớn thì một “đại dương” nước ngọt ngầm dưới lòng đất vừa được các nhà khoa học quốc gia này phát hiện với tổng diện tích lên tới 1,3 triệu km2.
“Đại dương” được các nhà khoa học Brazil cất công tìm thấy gọi là Hệ thống thủy địa chất thuộc tầng ngậm nước Amazon lớn (SAGA – theo viết tắt tiếng Bồ Đào Nha). Theo các nhà khoa học này, quá trình hình thành của SAGA bắt đầu từ khoảng 135 triệu năm trước đây, trải rộng dưới phần lãnh thổ của nhiều quốc gia Nam Mỹ nhưng 67% lượng nước dự trữ này nằm trong lãnh thổ Brazil.
Giáo sư Francisco Assis Matos de Abreu tại Đại học Liên bang Pará cũng cho biết, SAGA có trữ lượng lên tới 160 tỷ mét khối, lớn gấp 3,5 lần khối lượng ước tính của Tầng ngậm nước Guaraní - nguồn dự trữ nước ngọt lớn nhất Nam Mỹ. Nguồn dự trữ nước ngọt ngầm mới được phát hiện cũng chiếm tới 80% tổng lượng nước thiên nhiên của vùng Amazon.