📞

Khó khăn giăng lối tân Thủ tướng Anh

Minh Anh 14:15 | 18/09/2022
Đứng bên ngoài số 10 Phố Downing, trước khi chính thức nhập nhiệm sở mới, tân Thủ tướng Anh Liz Truss phát biểu, bà sẽ biến đất nước “thành một quốc gia đầy khát vọng với việc làm được trả lương cao, đường phố an toàn và người dân ở khắp mọi nơi đều có cơ hội xứng đáng”.
Tân Thủ tướng Anh Liz Truss. (Nguồn: AP)

Bà Truss cũng hứa sẽ đảm bảo rằng, mọi người có thể nhận được các cuộc hẹn với bác sĩ và các dịch vụ mà họ cần, cũng như ở bên cạnh họ để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng đang lan rộng trên toàn châu Âu, đe dọa mang lại “hai năm tồi tệ nhất về thu nhập của người dân trong vòng một thế kỷ qua”.

“Làn gió nóng”

Giới quan sát nhận định, đó là một bài diễn văn ngắn gọn, đơn giản, thiếu “chất thơ” hoặc thủ pháp tu từ. Có lẽ là cố ý. Sau nhiều năm lắng nghe những lời có cánh của người tiền nhiệm, người Anh đã có “làn gió nóng”, được truyền tải một cách khéo léo. Thông điệp của tân Thủ tướng Truss cho thấy bà là “một phụ nữ Yorkshire nói năng đơn giản” và không hoa mỹ.

Để thực hiện chương trình nghị sự của mình, tân Thủ tướng Anh cũng tạo ấn tượng đầu tiên khi quyết định bổ nhiệm một nội các khá đa dạng. Lần đầu tiên trong lịch sử nước Anh, không một vị trí nào trong số bốn chức vụ hàng đầu của chính phủ - Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính, Ngoại trưởng và Bộ trưởng Nội vụ - do một người đàn ông da trắng đảm nhiệm.

Tuy nhiên, dù các thành viên đa dạng nhất từ trước đến nay trong lịch sử nước Anh, thì những thách thức mà bà phải đối mặt cũng được cho là lớn hơn ba người tiền nhiệm thuộc Đảng Bảo thủ của bà — ông Johnson, bà Theresa May và ông David Cameron.

Tờ Le Figaro (Pháp) cho rằng, việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) đã giáng một đòn rất mạnh vào sức hấp dẫn đầu tư của nền kinh tế, nhưng đó vẫn không phải là mối quan ngại duy nhất. Tân Thủ tướng Anh sẽ phải nhận “một đống hồ sơ trên bàn làm việc” do người tiền nhiệm để lại và vấn đề là hồ sơ nào cũng cần được xử lý gấp.

Vương quốc Anh đang đối mặt với một mùa Thu căng thẳng và xa hơn là một mùa Đông lạnh giá, sau một mùa Hè dài bất ổn. Đã nhiều tháng, kể từ khi ông Boris Johnson tuyên bố từ chức, đất nước trượt dài tới suy thoái và khủng hoảng nhân đạo còn giá cả, trong đó có giá nhiên liệu tăng vọt.

Kể từ khi ông Boris Johnson tuyên bố từ chức, triển vọng tăng trưởng của kinh tế Anh đã suy yếu nghiêm trọng. Lạm phát vượt ngưỡng 10%. Tiền lương không theo kịp lạm phát khiến hàng nghìn người lao động đình công.

Nói về kinh tế Anh hiện nay, chuyên gia kinh tế Christopher Dembik của Ngân hàng Saxo nhận định: “Anh ngày càng giống một nền kinh tế mới nổi. Bất ổn chính trị, nhiễu loạn thương mại liên quan đến Brexit và Covid-19, khủng hoảng năng lượng có thể gây nguy cơ mất điện trong mùa Đông tới và lạm phát cao”. Tóm lại, có bảy vấn đề cấp bách đang được đặt ra với nước Anh mà tân Thủ tướng Liz Truss phải giải quyết, bao gồm: khủng hoảng năng lượng và lạm phát kỷ lục, bất ổn xã hội, kịch bản suy thoái được báo trước, lĩnh vực tài chính công đang chịu áp lực, hậu quả của Brexit, đầu tư đình đốn, nghèo đói và bất bình đẳng.

Vương quốc Anh đang đối mặt với một mùa Thu căng thẳng. Ảnh minh họa. (Nguồn: Investment Week)

Khủng hoảng năng lượng và lạm phát kỷ lục

Tình hình vẫn đang xấu đi, trước mắt, khủng hoảng giá cả sinh hoạt sau mỗi tháng lại tăng thêm lên gánh nặng đối với các hộ gia đình Anh. Lạm phát sẽ không chỉ vượt ngưỡng 10% trong tháng Bảy mà tiếp tục diễn ra với những kỷ lục mới. Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) dự báo lạm phát sẽ vọt lên 13% khi cuộc khủng hoảng năng lượng phình to. Citigroup cảnh báo lạm phát có thể đạt đỉnh 18% vào đầu năm 2023. Trong khi đó, Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs cho rằng, lạm phát tại Anh có thể lên tới 22%, nếu giá khí đốt tự nhiên vẫn duy trì tốc độ tăng hiện tại.

Thách thức lớn và hiện hữu nhất đối với bà Truss là chi phí năng lượng tăng vọt. Giá năng lượng tăng cao có thể khiến các doanh nghiệp phải cân nhắc đóng cửa, hàng triệu người, nhất là những hộ nghèo, phải chật vật để trang trải chi phí sinh hoạt, buộc phải lựa chọn giữa mua thức ăn hay sưởi ấm trong mùa Đông. Giới quan sát cảnh báo rằng, nếu không gấp rút hành động, nhiều người có thể rơi vào cảnh khốn cùng, số người chết vì lạnh sẽ tăng lên, tiếp theo đó là bất ổn xã hội…

Giá năng lượng đã tăng 54% hồi tháng Tư và các hộ gia đình có thể nhận hóa đơn tăng vọt 80% vào tháng 10 theo mức giá “trần” mà cơ quan điều tiết Ofgem áp đặt. Như vậy, các hộ gia đình Anh có thể phải trả trung bình 3.549 bảng Anh (khoảng 4.106 USD) mỗi năm cho nhiên liệu, tăng đến 80%. Nếu giá khí đốt và điện bán buôn tiếp tục tăng, hóa đơn có thể cao hơn 6.000 bảng trong năm tới. Khi người tiêu dùng phải thắt lưng buộc bụng vì lạm phát, sự bùng nổ chi tiêu trong giai đoạn hậu Covid-19 tan biến nhanh chóng. Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cảnh báo, kinh tế nước này có thể rơi vào suy thoái trong những tháng tới.

Fabrice Montagné, chuyên gia kinh tế tại Barclays cho biết, nền kinh tế Anh có nhiều biến động và dễ bị ảnh hưởng bởi các cú sốc hiện nay hơn những nước khác. Mặc dù không nhập khẩu khí đốt Nga, nhưng hỗn hợp năng lượng của Anh lại phụ thuộc khí đốt nhiều gấp đôi so với phần còn lại của châu Âu, trong khi nước này không có khả năng dự trữ. Gần 9 triệu người có thể rơi vào tình trạng “nghèo năng lượng” và họ chính là những người phải dành hơn 10% thu nhập cho việc sưởi ấm.

Trong bối cảnh khó khăn, sự suy yếu của đồng bảng Anh càng làm nghiêm trọng thêm vấn đề. Bảng Anh vừa ghi nhận tháng giảm mạnh nhất kể từ Brexit. Giá bảng Anh đã rơi xuống mức thấp nhất so với đồng USD trong hơn hai năm, khiến năng lượng và các hàng hóa nhập khẩu khác trở nên đắt đỏ hơn, đẩy lạm phát lên cao hơn nữa.

Thật không dễ để bà Truss có thể giải quyết những cuộc khủng hoảng nối tiếp nhau giáng vào nền kinh tế. Bà đã tuyên bố sẽ vực dậy kinh tế đất nước bằng cách giảm thuế. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại, biện pháp này có khả năng làm gia tăng lạm phát và gây tổn hại đến hệ thống tài chính công của đất nước.

“Việc giảm thuế có thể không giúp ích nhiều cho những đối tượng dễ tổn thương nhất, nhưng sẽ đem lại lợi ích lớn cho những người phải trả thuế cao, tức có nhiều tiền hơn”, ông Jonathan Marshall, nhà kinh tế cấp cao tại Resolution Foundation nhận định.