📞

Khoa học, công nghệ tạo ra phép màu ở châu Á-Thái Bình Dương

14:57 | 14/10/2016
Để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, việc hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia, trong đó có lĩnh vực khoa học và công nghệ là vấn đề hết sức quan trọng.

Khu vực châu Á-Thái Bình Dương có tiềm năng rất lớn trong việc khai thác khoa học, công nghệ và đổi mới (STI) để đảm bảo không nước nào bị bỏ lại phía sau, đồng thời có thể thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của mình.

Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, các quốc gia trong khu vực cần phải có sự hợp tác chặt chẽ với nhau trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, đặt nền móng cho sự đổi mới, sáng tạo và vận dụng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là lĩnh vực tài chính và thương mại.

Cơ hội kinh doanh và việc làm

Việc hợp tác trong các lĩnh vực STI của các quốc gia khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang trải qua những thay đổi tích cực, trong đó từng quốc gia của khu vực đã năng động, sáng tạo phối hợp với nhau thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ, phục vụ cuộc sống. Cụ thể như sau:

Khoa học và công nghệ tạo ra cơ hội kinh doanh và việc làm tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. (Ảnh: Japan Today)

Thứ nhất, hiện có 40% trong tổng số 500 công ty lớn nhất thế giới có trụ sở đặt tại châu Á-Thái Bình Dương. Nhờ áp dụng các thành tựu khoa học, công nghệ và đổi mới, các doanh nghiệp này đã nâng cao được năng suất lao động, những công ty này trở thành những nhà lãnh đạo toàn cầu trong các ngành công nghiệp có giá trị kinh tế cao như xe hơi và các thiết bị điện tử, là động lực thúc đẩy sự tăng trưởng của kinh tế khu vực trong những năm tới.

Đặc biệt, tại châu Á-Thái Bình Dương hiện có nhiều nền kinh tế đang phát triển với tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh chóng, tạo nhiều cơ hội cho đầu tư và phát triển sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, chương trình mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, các ngành dịch vụ có điều kiện mở rộng phạm vi sản xuất kinh doanh với sự sáng tạo và đổi mới. Tuy nhiên, điều này cũng đòi hỏi các doanh nghiệp phải định hình lại hoạt động của mình để tập trung, chuyên sâu hơn với việc áp dụng các thành tựu tiên tiến của khoa học, công nghệ với hàm lượng trí tuệ cao, áp dụng các công cụ, phương thức truyền thông trong quá trình kinh doanh.

Thứ hai, công nghệ và đổi mới góp phần tạo ra sự tiện lợi cho công việc cũng như cơ hội rộng mở để tìm kiếm việc làm.

Hiện nay vẫn còn những hoạt động mà máy móc chưa thể thay thế con người, như những công việc đòi hỏi sự sáng tạo hay việc tái tạo lao động, song máy tính đã làm thay đổi cách chúng ta lập kế hoạch, thiết kế cũng như các hoạt động kinh doanh trên tất cả các lĩnh vực. Những thay đổi này đòi hỏi các công nhân phải có sự thích ứng để có thể vận hành, điều khiển các loại máy móc. Máy tính trong tương lai sẽ giúp con người thực hiện các công việc phức tạp, tinh vi hơn nhiều. Ví dụ, các siêu máy tính Watson của hãng IBM đã dự đoán được các vấn đề liên quan đến sức khỏe con người một cách nhanh và chính xác hơn (so với các chuyên gia được đào tạo bài bản về y khoa) với khả năng phân tích chuyên sâu của nó dựa trên các tệp dữ liệu có liên quan đến sức khỏe, bệnh lý của từng người.

Thúc đẩy nghiên cứu và giáo dục

Thứ ba, trong khi ngày càng có nhiều công nhân nhận ra rằng sự phát triển bền vững là tương lai của họ nhưng để đạt được điều đó đòi hỏi phải có sự cộng tác, hợp lực của mỗi cá nhân, mỗi quốc gia với những điều kiện về khoa học, công nghệ tiên tiến hiện đại. Để có thể đáp ứng được những yêu cầu mới về khoa học, công nghệ, bản thân người công nhân cũng cần phải không ngừng được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao khả năng trình độ để có thể vận hành được các loại thiết bị, máy móc hiện đại.

Các chính phủ cũng cần có sự đầu tư thích đáng trong lĩnh vực đào tạo, huấn luyện để đáp ứng được chương trình mục tiêu phát triển bền vững, nghiên cứu phát triển các mô hình khác nhau trong việc nghiên cứu, ứng dụng phát minh, sáng chế để sớm đưa vào thực tế, phục vụ cuộc sống của người dân.

Các chính phủ cũng cần có sự đầu tư thích đáng trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng phát minh, sáng chế để sớm đưa vào thực tế, phục vụ cuộc sống của người dân. (nguồn: Japan Today)

Thứ tư, do khoa học, công nghệ và đổi mới là vấn đề cốt lõi của phát triển bền vững nên đòi hỏi mỗi quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển, cần phải tích cực nghiên cứu, đổi mới xây dựng năng lực quản lý điều hành một cách phù hợp. Cần phải huy động sức mạnh tổng hợp về nguồn tài chính của cả chính phủ lẫn tư nhân để tham gia vào quá trình đầu tư, nghiên cứu áp dụng các thành tựu mới của khoa học, công nghệ.

Đồng thời các quốc gia cũng cần chú trọng vấn đề này trong chương trình khởi nghiệp của các doanh nghiệp, tài chính tư nhân nên được huy động để tham gia vào quá trình này nhằm phát huy tối đa sự sáng tạo, sự nhanh nhạy trong việc nắm bắt cơ hội cũng như thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Trong những năm gần đây, với sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp tài chính, đã có rất nhiều các quỹ tài chính tư nhân được thành lập và giải quyết vấn đề vốn cho nghiên cứu, sản xuất kinh doanh đem lại hiệu quả to lớn cho các doanh nghiệp.

Một số nền kinh tế lớn của khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã có một cơ sở về khoa học, công nghệ và đổi mới khá tốt, năng động, đóng vai trò tiên phong. Các quốc gia này đang tích cực tiến hành chiến lược hợp tác Nam-Nam để thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác phát triển trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, hiện có nhiều quốc gia trong các khối như APEC, ASEAN... hiện cũng đang tích cực thực hiện các chương trình phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững đã được đề ra.

(theo Japan Today, Jakarta Globe)