📞

Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là trụ cột của quan hệ Việt Nam-Brazil

Luciana Santos 08:27 | 27/11/2023
Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Brazil Luciana Santos có chuyến thăm Việt Nam từ ngày 27-30/11. Nhân dịp này, bà Bộ trưởng đã có bài viết về hợp tác song phương trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự tọa đàm với các doanh nghiệp Brazil trong chuyến thăm Brazil tháng 9/2023. (Nguồn: TTXVN)

Các quốc gia từ Nam bán cầu khẳng định cam kết với hòa bình, chủ nghĩa đa phương, phát triển bền vững và chống nạn đói. Brazil và Việt Nam kỷ niệm 35 năm quan hệ ngoại giao vào năm 2024 bằng việc tái khởi động hợp tác song phương. Bước đầu tiên được thực hiện với chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tới Brazil vào tháng 9 năm nay.

Những tiến bộ kinh tế và xã hội của Việt Nam trong thập kỷ qua rất ấn tượng. Với 100 triệu dân và tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, Việt Nam có những mục tiêu và thách thức tương tự như Brazil. Điều này góp phần thúc đẩy hành động chung giữa hai nước về các chủ đề được quan tâm trên trường quốc tế.

Trong chuyến thăm Việt Nam từ ngày 27-30/11, Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Brazil Luciana Santos dự kiến gặp gỡ lãnh đạo cấp cao Việt Nam và tham quan một số nhà máy để tìm hiểu các cơ hội hợp tác.

Tình hình địa chính trị được phác họa bằng các cuộc khủng hoảng có tính chất khác nhau, chẳng hạn như xung đột khu vực, các hiện tượng thời tiết cực đoan, tình trạng khẩn cấp về sức khỏe và mất an ninh lương thực.

Thực trạng đó đòi hỏi phải tăng cường hợp tác quốc tế. Chính trong bối cảnh phức tạp này, Brazil hành động thực tế nhằm củng cố các mối quan hệ truyền thống và tìm kiếm quan hệ đối tác mới.

Chính phủ của Tổng thống Lula cho rằng một trong những trụ cột của mối quan hệ Brazil-Việt Nam là hợp tác khoa học, công nghệ và đổi mới, nơi chúng ta nhận thấy có những tiềm năng to lớn. Trong lĩnh vực này, chúng ta có triển vọng thúc đẩy các sáng kiến chung về chuyển đổi kỹ thuật số, chất bán dẫn, công nghệ lượng tử, trí tuệ nhân tạo, năng lượng tái tạo và môi trường đổi mới, tập trung vào các công ty khởi nghiệp.

Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Brazil Luciana Santos. (Nguồn: camara.leg.br)

Brazil triển khai một loạt hành động nhằm làm chủ kiến thức khoa học, công nghệ và năng suất. Rất ít quốc gia trên thế giới có chính sách cụ thể ưu ái các lĩnh vực chiến lược như chất bán dẫn. Để đạt được mục tiêu này, chính phủ của chúng tôi đang đầu tư vào việc khôi phục Trung tâm Công nghệ điện tử tiên tiến quốc gia S.A-Ceitec, cơ quan phát triển và sản xuất chip công cộng, với mục tiêu khắc phục những khoảng cách về sản xuất và công nghệ.

Theo xu hướng này, hợp tác với Việt Nam có thể tạo cơ hội cho cả hai nước tìm kiếm sự cơ hội và vai trò trong chuỗi linh kiện bán dẫn và linh kiện tiên tiến toàn cầu.

Đây là mục tiêu chuyến thăm Việt Nam của tôi, để có cơ hội gặp gỡ với các cơ quan chính phủ, các tổ chức học thuật, nghiên cứu và khu công nghệ. Chúng tôi muốn khai thác các mối hợp tác quốc tế, khoa học và đổi mới để giải quyết những thách thức lớn của quốc gia và toàn cầu, đồng thời thúc đẩy chuyển giao công nghệ cao cho các nước đang phát triển khác.

Chúng tôi hiểu rằng chúng ta sẽ chỉ đạt được hòa bình và thịnh vượng nếu có thể giảm bớt sự bất cân xứng toàn cầu trong việc tiếp cận khoa học, công nghệ và đổi mới, để toàn nhân loại có thể cảm nhận được lợi ích.

Thông cáo chung về chuyến thăm Brazil của Thủ tướng Phạm Minh Chính (tháng 9/2023) có nhấn mạnh: Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva đã thảo luận về các lĩnh vực quan trọng trong quan hệ Việt Nam-Brazil.

Hai nhà lãnh đạo tái khẳng định Việt Nam và Brazil chia sẻ những giá trị chung như hòa bình, hợp tác và mục tiêu phát triển bền vững của xã hội, coi đây là nền tảng cho vị thế quốc gia trên trường quốc tế cũng như đối với sự tham gia của mỗi nước trong các vấn đề quốc tế.

Hai bên nhất trí rằng Việt Nam và Brazil đã xây dựng mối quan hệ bền chặt dựa trên tình hữu nghị và tôn trọng lẫn nhau, đồng thời bày tỏ hài lòng trước những tiến bộ đạt được trong 35 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Hai nhà lãnh đạo nhất trí về tầm quan trọng của việc hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường, trong đó bao gồm các vấn đề như an ninh năng lượng cũng như an ninh lương thực và dinh dưỡng.