Từ năm 2020 đến nay, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên diện rộng, đặc biệt là trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh số ca nhiễm và tử vong do dịch bệnh có thời điểm lớn nhất trong cả nước; số lượng bệnh nhân Covid-19 được đưa đến Khoa Hồi sức cấp cứu (HSCC) Bệnh viện Chợ Rẫy quá tải. Các bác sĩ, điều dưỡng của Khoa đã không quản ngại khó khăn, vất vả, ngày đêm túc trực, chăm sóc, theo dõi để kịp thời xử lý các tình huống xấu, bảo vệ sự sống cho người bệnh.
Suốt hành trình hai năm đồng hành cùng ngành y tế và nhân dân cả nước trong cuộc chiến với dịch Covid-19, các bác sĩ, điều dưỡng Khoa HSCC đã để lại ấn tượng về những người “chiến sĩ” quả cảm trên tuyến đầu.
Các bác sĩ khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19 nặng. (Nguồn: Báo Lao động) |
Tháng 3/2020, nhiều thành viên của Khoa tham gia đội Phản ứng nhanh của Bệnh viện Chợ Rẫy đã hỗ trợ công tác phòng, chống dịch và chỉ đạo chuyên môn tại các tỉnh Tây Ninh, Bạc Liêu, Bình Thuận. Từ tháng 4-7/2020, ê kíp bác sĩ của Khoa đã trực tiếp tham gia điều trị bệnh nhân phi công người Anh (Bệnh nhân 91) tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh, sau đó tiếp tục điều trị và chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Chợ Rẫy đến khi xuất viện (ngày 11/7/2020).
Từ tháng 7-9/2020, Khoa HSCC cử đoàn bác sĩ tham gia phòng, chống dịch tại Đà Nẵng và Quảng Nam. Tại Đà Nẵng (từ 24/7/2020 - 31/8/2020), bác sĩ và điều dưỡng của Khoa tham gia Đội phản ứng nhanh số 1 (do BS.CKII Trần Thanh Linh làm trưởng đoàn) của Bệnh viện Chợ Rẫy trong công tác điều trị bệnh nhân 416 và sau đó là công tác phòng, chống dịch khi dịch bùng phát.
Giai đoạn đầu, ê kíp hỗ trợ điều trị bệnh nhân nguy kịch tại Khoa HSCC - Bệnh viện Đà Nẵng, xây dựng các phương án giải phóng ổ dịch tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng và tham gia hỗ trợ cấp cứu, vận chuyển bệnh nhân các bệnh viện lân cận.
Sau đó, ê kíp gấp rút thành lập 2 đơn nguyên HSCC Covid-19 tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng - nơi tiếp nhận các ca nhiễm Covid nguy kịch. Tại đây, ê kíp phối hợp cùng các đội phản ứng nhanh 3,4,5,6 của Bệnh viện Chợ Rẫy cùng điều trị - chăm sóc bệnh nhân nặng nguy kịch, triển khai các kỹ thuật cao như ECMO, lọc máu đồng thời đào tạo chuyển giao kỹ thuật cho các đồng nghiệp Đà Nẵng.
Hơn 6 tuần nỗ lực cùng với lực lượng y tế cả nước, các y, bác sĩ Khoa HSCC đã giúp Đà Nẵng khống chế được dịch bệnh và cứu sống được rất nhiều bệnh nhân, để lại tình cảm tốt đẹp trong lòng người dân Đà Nẵng.
Tại Quảng Nam (từ tháng 7-8/2020), Khoa cử ê kíp bác sĩ tham gia Đội phản ứng nhanh số 2 (do BS.CKI Huỳnh Quang Đại làm trưởng đoàn) tham gia công tác điều trị, thiết lập đơn vị hồi sức, phân luồng tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam.
Tháng 2/2021, khi dịch bùng phát tại Hải Dương, Gia Lai, lực lượng Khoa HSCC tiếp tục tham gia 2 đội phản ứng nhanh số 1 và số 2 đến Gia Lai, trong 5 ngày đã xây dựng xong bệnh viện dã chiến 300 giường tại Gia Lai, giúp thu dung điều trị bệnh nhân.
Tháng 4/2021, Khoa HSCC tiếp tục xuống Kiên Giang xây dựng trung tâm Hồi sức Covid-19 tại Hà Tiên và Bệnh viện Dã chiến điều trị người bệnh Covid-19 tại Kiên Giang, đồng thời còn cử các bác sĩ chi viện điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại Đắk Lắk.
Tháng 5/2021, dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, 2 bác sĩ và 1 điều dưỡng của Khoa cùng 10 thành viên khác của Bệnh viện Chợ Rẫy ra Bắc Giang, là lực lượng chủ lực chịu trách nhiệm điều trị bệnh nhân tại Trung tâm Hồi sức - Bệnh viện Phổi Bắc Giang, cứu sống được rất nhiều bệnh nhân nặng nguy kịch, trong đó có các bệnh nhân được thực hiện kỹ thuật ECMO đầu tiên tại tỉnh Bắc Giang.
Tháng 6/2021, các bác sĩ, điều dưỡng của Khoa tham gia điều trị nhiều bệnh nhân nặng, nguy kịch tại khoa Bệnh nhiệt đới và Khoa HSCC khu D Bệnh viện Chợ Rẫy, đặc biệt cứu sống trường hợp chiến sĩ công an mắc Covid-19 rất nặng khi làm nhiệm vụ chống dịch. Từ tháng 6-10/2021, Khoa cử bác sĩ hỗ trợ công tác điều trị, thiết lập đơn vị Hồi sức tại Bệnh viện Đa khoa Long An.
Bệnh nhân 91 điều trị tại Khoa hồi sức cấp cứu- Bệnh viện Chợ Rẫy. (Nguồn: Bệnh viện Chợ Rẫy) |
Từ ngày 14/7 đến nay, Khoa HSCC hỗ trợ thiết lập Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP. Hồ Chí Minh và cử nhiều bác sĩ, điều dưỡng HSCC tham gia điều trị và chăm sóc các bệnh nhân nặng - nguy kịch tại đây. BSCKII Trần Thanh Linh giữ chức vụ Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Hồi sức Covid-19 kiêm Trưởng khoa ICU2A, trực tiếp tham gia chỉ đạo công tác điều phối nhận bệnh, công tác điều trị bệnh nhân nguy kịch, tham gia ECMO cấp cứu ngoại viện và vận chuyển bệnh nhân.
Trong tháng 10/2021, bác sĩ, điều dưỡng của Khoa tiếp tục chi viện cho tỉnh Kiên Giang. Sau khi dịch bệnh tại TP. Hồ Chí Minh cơ bản ổn định dịch thì các tỉnh Miền Tây và Tây Nguyên bùng dịch, Khoa đã cử nhiều bác sĩ và điều dưỡng cùng đoàn công tác Bệnh viện Chợ Rẫy đến Cà Mau, Sóc Trăng, Đắk Lắk và Bạc Liêu giúp các tỉnh trong công tác phòng, chống dịch bệnh và trực tiếp tham gia điều trị cho nhiều bệnh nhân.
Đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, theo “mệnh lệnh của trái tim” và lương tâm người thầy thuốc, các cán bộ, nhân viên y tế Khoa HSCC vẫn tiếp tục nối dài những bước chân không mỏi, xông pha vào vùng tâm dịch, với quyết tâm “Hết dịch mới về”.
Với những thành tích trong công tác phòng, chống dịch và điều trị cho bệnh nhân Covid-19, tập thể Khoa HSCC và nhiều cá nhân đã được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế.
Trong thời gian tới, Khoa HSCC chú trọng đẩy mạnh ứng dụng và hoàn thiện các kỹ thuật cao trong hồi sức cấp cứu nhằm gia tăng chất lượng điều trị, rút ngắn thời gian nằm viện, giảm biến chứng, giảm chi phí y tế, giảm tử vong. Phấn đấu trở thành Trung tâm ECMO lớn nhất nước, có thứ hạng trong ELSO (phấn đấu hạng Silver).
| Loại vaccine Covid-19 nào có hiệu quả nhất cho mũi tăng cường? Vaccine sử dụng công nghệ mRNA như Pfizer, Moderna tăng nhiều kháng thể nhất so với các loại vaccine còn lại và có lợi thế ... |
| Một người có thể bị nhiễm Covid-19 hai lần trong 1 năm? Những người được khẳng định tái nhiễm Covid-19 chiếm tỷ lệ rất nhỏ, với 478 ca trong 4 triệu bệnh nhân. |