Khóa họp lần thứ 55 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (HĐNQ LHQ), khóa họp dài nhất của HĐNQ từ trước đến nay (26/2-5/4) vừa kết thúc tốt đẹp khi trải qua các chương trình nghị sự dày đặc và đầy tham vọng.
Việt Nam, với tư cách là thành viên HĐNQ nhiệm kỳ 2023-2025 có những đóng góp tích cực xuyên suốt Khóa họp, ghi dấu ấn trong năm 2024 và xa hơn, góp phần xây dựng xây dựng hình ảnh Việt Nam luôn chủ động, trách nhiệm trong việc thúc đẩy các giá trị nhân quyền toàn cầu.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phát biểu tại Phiên họp cấp cao Khóa 55 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. (Nguồn: Mạng X) |
32 nghị quyết và 2 quyết định
Nếu như tại phiên khai mạc Kỳ họp, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Dennis Francis hay nhiều lãnh đạo các nước kêu gọi tinh thần “hành động ngay” của cộng đồng quốc tế trước bối cảnh đáng báo động về thực trạng nhân quyền ở nhiều khu vực trên thế giới thì ngay lập tức, các phiên thảo luận trong kỳ họp đã phát huy tinh thần đó với nhiều giải pháp thiết thực được đưa ra với 32 nghị quyết và 2 quyết định quan trọng.
Khóa họp lần này đã tổ chức thành công phiên họp cấp cao; 7 phiên thảo luận chuyên đề - về phổ cập quyền con người, chống hận thù tôn giáo dẫn đến kích động phân biệt, thù địch, bạo lực, các thách thức và thực tiễn tốt để bảo đảm quyền an sinh xã hội và cung cấp dịch vụ công chất lượng, quyền người khuyết tật; 2 phiên thảo luận về quyền trẻ em; kỷ niệm Ngày quốc tế chống phân biệt chủng tộc; những phiên thảo luận, đối thoại với khoảng 36 thủ tục đặc biệt và các cơ chế nhân quyền của LHQ; những phiên thảo luận, đối thoại về tình hình nhân quyền tại các nước trên thế giới.
Tại Khóa họp, HĐNQ cũng đã xem xét, thảo luận khoảng 80 báo cáo; tham vấn, xem xét thông qua 32 dự thảo Nghị quyết chuyên đề; thông qua các báo cáo Cơ chế Rà soát Định kỳ Phổ quát về Quyền con người (UPR) của 14 quốc gia; thông qua quyết định hoãn một số hoạt động của HĐNQ và về hình thức họp kết hợp trực tuyến với trực tiếp.
Một trong nghị quyết đáng chú ý, nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ dư luận quốc tế, đó là Nghị quyết yêu cầu ngừng bán vũ khí cho Israel của HĐNQ. Trong bối cảnh “điểm nóng” xung đột Israel-Hamas đang gây ra những nhức nhối về quyền con người khiến cộng đồng quốc tế vô cùng quan ngại. Nghị quyết yêu cầu ngừng bán vũ khí cho Israel được thông qua ngày 05/4/2024 ngay trước khi kết thúc kỳ họp.
Theo đó, kêu gọi các nước “chấm dứt việc bán, chuyển giao vũ khí, đạn dược và các thiết bị quân sự khác cho Israel”. Văn bản nêu rõ điều này là cần thiết "để ngăn chặn những hành vi vi phạm thêm luật nhân đạo quốc tế cũng như các hành vi vi phạm và lạm dụng nhân quyền". 28 trong số 48 quốc gia thành viên của Hội đồng đã bỏ phiếu ủng hộ, 13 phiếu trắng và 6 phiếu chống. Động thái này đánh dấu lần đầu tiên cơ quan nhân quyền hàng đầu của LHQ đưa ra quan điểm về cuộc chiến Gaza đẫm máu nhất từ trước đến nay.
Ngoài ra, HĐNQ cũng thông qua một số nghị quyết quan trọng liên quan đến vấn đều Ukraine, Syria, Haiti, Mali, Belarus, Nam Sudan… Hy vọng, với tinh thần quyết tâm cao của cộng đồng quốc tế, các vấn nạn về nhân quyền ở nhiều điểm nóng trên thế giới sẽ sớm tìm ra lối thoát.
HĐNQ đã xem xét, thảo luận khoảng 80 báo cáo; tham vấn, xem xét thông qua 32 dự thảo Nghị quyết chuyên đề; thông qua các báo cáo Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người (UPR) của 14 quốc gia; thông qua quyết định hoãn một số hoạt động của HĐNQ và về hình thức họp kết hợp trực tuyến với trực tiếp. |
Trách nhiệm, chủ động, ghi dấu ấn
Có thể khẳng định rằng xuyên suốt Khóa họp, Việt Nam luôn phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động, đóng góp thực chất, có tính thời sự trong nhiều phiên họp quan trọng tạo nhiều dấu ấn nổi bật. Các sáng kiến, phát biểu và đề xuất của Việt Nam nhận được sự hưởng ứng, bảo trợ, ủng hộ rộng rãi của các nước.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Phiên họp cấp cao Khóa họp 55 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, ngày 26/2 tại Geneva, Thụy Sỹ. (Ảnh: Nhất Phong) |
Nổi bật, tại phiên họp cấp cao, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã nhắc đến Việt Nam như một “câu chuyện thành công” về những nỗ lực đảm bảo quyền con người trong bối cảnh khu vực và quốc tế có nhiều biến động, việc đảm bảo quyền con người gặp nhiều thách thức.
Bộ trưởng đã khẳng định lại các ưu tiên của Việt Nam khi tham gia HĐNQ LHQ, trong đó có bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới, chuyển đổi số và quyền con người. Đặc biệt, trên tinh thần tích cực, cam kết mạnh mẽ vào công việc của HĐNQ, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn tuyên bố và kêu gọi các nước ủng hộ Việt Nam tái ứng cử làm thành viên HĐNQ nhiệm kỳ 2026-2028.
Ngoài ra, trải rộng trên các chủ đề “nóng” của kỳ họp HĐNQ lần này, Việt Nam đều tích cực phát biểu, thỏa luận như về quyền môi trường trong lành, bền vững; quyền lương thực; quyền văn hóa; quyền của người khuyết tật; quyền trẻ em... Cùng với đó, Việt Nam còn tích cực tiếp xúc, trao đổi, tham vấn với các đoàn đại biểu của các nước, đồng bảo trợ một số sáng kiến trên tinh thần đối thoại và hợp tác; thực hiện nhiệm vụ của thành viên HĐNQ trong công tác tham vấn, bỏ phiếu thông qua 32 dự thảo nghị quyết và 2 quyết định của HĐNQ.
Không chỉ phát biểu, đóng góp ý kiến trên quan điểm của Việt Nam, đoàn Việt Nam còn tham gia xây dựng ở các phiên thảo luận trên tinh thần là thành viên ASEAN. Điều này đã và đang được Việt Nam lồng ghép trong các hoạt động tại nhiều cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc. Lần này, cùng với các nước ASEAN, đoàn Việt Nam đã có phát biểu chung về chủ đề được các nước ASEAN cùng quan tâm, chia sẻ ở lĩnh vực khai thác thủy sản và bảo đảm quyền lương thực.
Đại diện Việt Nam chia sẻ nhiều sáng kiến của ASEAN nhằm hỗ trợ hoạt động của ngư dân nhỏ, trong đó Kế hoạch hành động chiến lược về hợp tác thủy sản ASEAN (2021-2025). Bên cạnh đó, Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN về tăng cường an ninh lương thực và dinh dưỡng để ứng phó với khủng hoảng, được thông qua vào tháng 9/2023, nhấn mạnh cam kết tạo điều kiện tiếp cận tài chính cho ngư dân, nhằm cải thiện khả năng phục hồi lâu dài và tính bền vững của ngành thủy sản.
Đại sứ Mai Phan Dũng phát biểu thay mặt Nhóm nòng cốt Nghị quyết về quyền con người và biến đổi khí hậu, bao gồm Việt Nam, Bangladesh, Philippines, trong phiên đối thoại về báo cáo của Cao ủy Nhân quyền LHQ về chủ đề các biện pháp giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu đối với việc thụ hưởng quyền lương thực. (Nguồn: TTXVN) |
Việt Nam cũng phát biểu thay mặt Nhóm nòng cốt Nghị quyết về quyền con người và biến đổi khí hậu - bao gồm Việt Nam, Bangladesh, Philippines - trong phiên đối thoại liên quan báo cáo của Cao ủy Nhân quyền LHQ về chủ đề các biện pháp giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu đối với việc thụ hưởng quyền lương thực.
Theo đó, đại diện Việt Nam khẳng định bảo đảm an ninh lương thực luôn là ưu tiên hàng đầu của các nước, đặc biệt trong bối cảnh những thách thức do biến đổi khí hậu gây ra làm trầm trọng thêm tình trạng dễ bị tổn thương trước nạn đói và suy dinh dưỡng. Tháng 6 tới, Việt Nam cùng với Bangladesh và Philippines sẽ trình dự thảo nghị quyết thường niên về thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trong bối cảnh biến đổi khí hậu tại Kỳ họp thứ 56 HĐNQ LHQ.
Tự tin ứng cử nhiệm kỳ 2026-2028
Một điểm nhấn của Việt Nam tại Kỳ họp lần này là việc Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn tuyên bố và kêu gọi các nước ủng hộ Việt Nam tái ứng cử làm thành viên HĐNQ nhiệm kỳ 2026-2028. Với những nỗ lực và đóng góp của Việt Nam tại HĐNQ thời gian qua, Việt Nam hoàn toàn có thể tự tin tiếp tục có những đóng góp quan trọng tại HĐNQ ở những chặng đường phía trước.
Bà Ramla Khalidi, trong phát biểu khai mạc Hội thảo quốc tế tham vấn dự thảo Báo cáo quốc gia theo Cơ chế UPR chu kỳ IV của Việt Nam, ngày 24/11/2023. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam Ramla Khalidi, trong phát biểu khai mạc Hội thảo quốc tế tham vấn dự thảo Báo cáo quốc gia theo Cơ chế UPR chu kỳ IV của Việt Nam, ngày 24/11/2023 bày tỏ: “Tôi mong muốn Việt Nam sẽ tiếp tục thể hiện vai trò đi đầu trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người cả ở trong nước và ở cấp độ toàn cầu”.
Khi đảm nhiệm vai trò thành viên HĐNQ LHQ nhiệm kỳ 2023-2025, Việt Nam đã tham gia sâu hơn vào công việc chung, thúc đẩy đối thoại và hợp tác tại HĐNQ trên tinh thần “Tôn trọng và hiểu biết. Đối thoại và hợp tác. Tất cả các quyền. Cho tất cả mọi người”. Việt Nam đã thực hiện rất trách nhiệm nghĩa vụ và quyền lợi chính của quốc gia thành viên HĐNQ trong quá trình thương lượng, bỏ phiếu thông qua các dự thảo nghị quyết.
Tính riêng trong năm 2023, 6 sáng kiến nổi bật của Việt Nam tại cả 3 Khóa họp thường kỳ của HĐNQ đều có ý nghĩa quan trọng, gắn liền với các ưu tiên trọng tâm của nước ta trong tham gia HĐNQ, góp phần nâng cao hình ảnh Việt Nam là thành viên trách nhiệm, tích cực của cộng đồng quốc tế.
Đặc biệt quan trọng trong năm 2023 của HĐNQ phải kể đến sáng kiến Nghị quyết Kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna được HĐNQ thông qua bằng đồng thuận, với 121 nước đồng bảo trợ. Ngay tại Phiên cấp cao Khóa họp 52 HĐNQ, ngày 27/2/2023, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã đưa ra sáng kiến về việc kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn Nhân quyền và 30 năm Tuyên bố và Chương trình Hành động Vienna bằng một văn kiện của HĐNQ.
Việt Nam đã có cách tiếp cận xây dựng trong những vấn đề nhân quyền còn nhiều khác biệt, bị chính trị hóa, có nhiều cọ xát tại HĐNQ như tình hình các nước cụ thể (Ukraine, Nga, Palestine, Sudan…), quan hệ giữa phát triển và nhân quyền, sức khỏe sinh sản và giáo dục giới tính, quyền của người người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT), khoan dung tôn giáo...
Một mặt, Việt Nam đóng góp vào cuộc đấu tranh chung của các nước đang phát triển bảo vệ nguyên tắc không chính trị hóa, không sử dụng các vấn đề nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền. Mặt khác, Việt Nam đã lắng nghe, tôn trọng các nhu cầu hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật của các nước, thúc đẩy hợp tác, đối thoại để HĐNQ có thể hành động đáp ứng nhu cầu chính đáng của các nước trong lĩnh vực này.
Như vậy, năm 2024 - năm bản lề của nhiệm kỳ thành viên HĐNQ 2023-2025 của Việt Nam đã có những khởi sự thành công với nhiều dấu ấn Việt Nam tại Kỳ họp lần thứ 55. Mặc dù còn không ít khó khăn, thách thức nhưng với quyết tâm cao chúng ta hoàn toàn có thể vững tin vào tương lai. “Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục có những đóng góp quan trọng tại Hội đồng Nhân quyền, ghi dấu ấn trong năm 2024 và xa hơn, góp phần xây dựng nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam vững mạnh, toàn diện, hiện đại, chuyên nghiệp và nâng tầm đối ngoại đa phương", Thứ trưởng Đỗ Ngoại giao Hùng Việt khẳng định trong bài viết về dấu ấn Việt Nam tại HĐNQ vừa qua.
Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt chủ trì họp báo công bố Báo cáo quốc gia theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ IV ngày 15/4. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Nghị quyết yêu cầu ngừng bán vũ khí cho Israel được thông qua ngày 5/4/2024 ngay trước khi kết thúc kỳ họp. Theo đó, kêu gọi các nước “chấm dứt việc bán, chuyển giao vũ khí, đạn dược và các thiết bị quân sự khác cho Israel”. Văn bản nêu rõ điều này là cần thiết "để ngăn chặn những hành vi vi phạm thêm luật nhân đạo quốc tế cũng như các hành vi vi phạm và lạm dụng nhân quyền". 28 trong số 48 quốc gia thành viên của Hội đồng đã bỏ phiếu ủng hộ, 13 phiếu trắng và 6 phiếu chống. Động thái này đánh dấu lần đầu tiên cơ quan nhân quyền hàng đầu của LHQ đưa ra quan điểm về cuộc chiến Gaza đẫm máu nhất từ trước đến nay. |
| Mỗi bước đi đều mang theo khát vọng vươn mình Còn nhớ trong một trả lời phỏng vấn trước thềm Xuân Giáp Thìn, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn từng nhắc đến ước vọng ... |
| Mở rộng mặt trận công luận quốc tế ủng hộ Việt Nam về nhân quyền Trong bức tranh đối ngoại nhân quyền của Việt Nam, công tác thông tin tuyên truyền về nhân quyền đã thực sự tạo ra mặt ... |
| Không thể xuyên tạc sự thật Lợi dụng thông tin Việt Nam tái ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (HĐNQ LHQ) nhiệm kỳ 2026-2028, các tổ chức, cá ... |
| Thứ trưởng Ngoại giao bác bỏ các báo cáo sai lệch về quyền con người ở Việt Nam Theo Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, các báo cáo của các cơ quan Liên hợp quốc và các bên liên quan về Việt ... |
| Việt Nam tin tưởng vào việc tái ứng cử Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ tới Trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (HĐNQ LHQ) nhiệm kỳ 2023-2025, Việt Nam tiếp tục có nhiều sáng kiến ... |