Sau 10 ngày diễn ra sôi động tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Liên hoan Phim (LHP) tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ 8 đã khép lại với những dư âm thú vị cùng sự hưởng ứng nhiệt tình của hơn 5.000 lượt khán giả.
Người ta không còn xa lạ với bầu không khí phấn khởi, những rạp chiếu chật kín người và những tràng pháo tay cổ vũ. Đương nhiên, không chỉ vì lý do phim được chiếu miễn phí, mà LHP đã ngày càng hấp dẫn thực sự và tạo dựng được chỗ đứng trong lòng khán giả yêu phim tài liệu. Riêng năm nay, công chúng đã nhận ra sự phát triển tích cực của dòng phim này tại Việt Nam...
Cảnh trong phim “Chuyện ngày hôm qua”. |
Diện mạo mới khi ra rạp
Nhắc đến phim tài liệu, người ta thường nghĩ đến những bộ phim giới hạn thời gian, nội dung tuyên truyền và được sản xuất theo kiểu đơn đặt hàng. Tuy nhiên, tới nay, câu chuyện ấy đã cũ. Dễ dàng nhận thấy ở những LHP gần đây, phim tài liệu Việt Nam đã cân nhắc nhiều hơn trong việc sử dụng lời bình, âm nhạc, độ dài cùng với chủ đề phản ánh sự đa dạng, chân thực về cuộc sống của người Việt Nam. Điều này chứng tỏ phim Việt Nam đã có những bước đổi mới ngoạn mục qua từng mùa với sức sống hoàn toàn mới.
Dù là đề tài cũ, bộ phim “Việt Nam thời bao cấp” của đạo diễn Trần Tuấn Hiệp lại kể về trải nghiệm mới mẻ của một thanh niên thế hệ 9X với cuộc sống vất vả và tình người sâu đậm thời bao cấp. Hay bộ phim “Dấu tích Sa Huỳnh” của đạo diễn Phùng Ngọc Tú là sự giải mã lý thú những bí ẩn trong văn hóa Sa Huỳnh - nền văn hóa cách đây khoảng 3.000 năm, nằm trên dải đất miền Trung.
Phim tài liệu đã dần đi vào những câu chuyện đời thường, dễ chạm đến trái tim của người xem hơn như bộ phim “Hai đứa trẻ” của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư đề cập đến hai đứa trẻ bị trao nhầm sau khi được sinh ra cách đây gần bốn năm, hoặc bộ phim “Nhật ký của ba” của đạo diễn Hoàng Hà Lê kể lại quá trình “gà trống nuôi con” của người cha Trình Tuấn vì vợ qua đời chỉ 10 ngày sau sinh.
Điển hình là mới đây, bộ phim “Chuyện ngày hôm qua” do Hãng phim Tài liệu và Khoa học trung ương sản xuất đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của khán giả. Bộ phim của hai đạo diễn Phạm Hồng Thăng và Đặng Thị Linh là câu chuyện cảm động về 21 năm hình thành và phát triển của ban nhạc rock Bức Tường qua lời kể của chính những người trong cuộc: cố nghệ sĩ Trần Lập và các thành viên. Đây cũng là bộ phim tài liệu khá hiếm tại Việt Nam với độ dài gần 80 phút, tương đương với dung lượng của phim truyện chiếu ở rạp.
Chia sẻ về diện mạo mới này, đạo diễn, NSND Nguyễn Như Vũ - Quyền Tổng Giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương cho rằng: “Đây là biểu hiện cho sự đổi mới của chính Hãng phim từ việc tuyển chọn đề tài, cách làm phim, đến việc nghiên cứu về thị trường và chọn khung thời lượng”.
Cảnh trong phim “Hai đứa trẻ”. |
Tinh thần hội nhập không ngại vượt khó
Không thể phủ nhận phim tài liệu là thể loại kén khán giả, nhưng như NSND Nguyễn Như Vũ khẳng định, hơn 60 năm sản xuất, hãng vẫn có lượng khán giả trung thành qua nhiều thế hệ. Đặc biệt, qua mỗi mùa LHP, Việt Nam đã giao lưu và học tập được cách làm phim của nhiều nước châu Âu trong việc đa dạng đầu ra cho phim của mình.
Với ông Emmanuel Labrande - Giám đốc Viện Pháp tại Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội các Viện Văn hóa và các Đại sứ quán châu Âu (EUNIC) tại Việt Nam, phim tài liệu sẽ luôn hấp dẫn bởi đó là “cơ hội để phân tích xã hội chúng ta đang sống, để chất vấn những mối quan hệ giữa chúng ta với môi trường và để khám phá các vùng đất, các chủ đề mới”.
Tuy nhiên, câu chuyện “đầu ra” cho phim tài liệu vẫn bài toàn khó với không chỉ riêng Việt Nam. Theo Phó Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam Davis Best, tìm nguồn tài trợ cho phim tài liệu lúc nào cũng là vấn đề đau đầu đối với các nhà sản xuất. “Khi chúng ta đã ý thức làm phim tài liệu thì đừng tham vọng làm giàu hay kiếm hàng trăm triệu USD. Hãy làm với tâm huyết và ý nguyện để truyền tải câu chuyện hay thông điệp nào đó tới khán giả”, ông Davis Best nói. Phó Đại sứ Israel tại Việt Nam Doron Lebovich có cái nhìn lạc quan hơn bởi hiện nay, nhiều bộ phim tài liệu đã giành được các giải thưởng quốc tế danh giá và thu hút được lượng khán giả đông đảo. Ông tin vào sức mạnh của phim tài liệu trong việc thu hút, giáo dục, kết nối con người và tạo ra thay đổi xã hội.
Những năm gần đây, đạo diễn phim tài liệu nổi tiếng người Bỉ Thierry Michel thường xuyên mang phim đến Việt Nam và thực hiện các khóa giảng dạy về phim tư liệu. Năm nay, ông giới thiệu bộ phim“Người đàn ông chữa lành vết thương cho phụ nữ, sự nổi giận của Hippocrates” kể về bác sĩ phụ khoa người Congo Denis Mukwege đã chiến đấu không mệt mỏi cho nhân quyền và bảo vệ phụ nữ. Xem phim của Thierry Michel, các nhà làm phim Việt Nam có thể học hỏi cách kể một câu chuyện thật sâu sắc và mãnh liệt. Ông cũng luôn xây dựng sự tin tưởng giữa người đạo diễn và các nhân vật của mình để mang lại một câu chuyện hay và có sức nặng.
Xác định theo đuổi thể loại rất khó làm, và khó kinh doanh, nhưng các nhà làm phim như Phùng Ngọc Tú, Đặng Thị Linh vẫn tin vào sức sống bền lâu của phim tài liệu và dành trọn tâm huyết cho con đường này. “Chúng tôi tự hào vì có một quy trình sản xuất phim rất khắt khe, từ ý tưởng đến kịch bản nhưng không làm cản trở sức sáng tạo của các nhà làm phim. Gần đây, những phim của chúng tôi đã đề cập đến nhiều vấn đề khác lạ so với trước đây như những thăng trầm của lịch sử, những vụ án từng bị nâng lên đặt xuống nhiều lần, đề tài tham nhũng...”, NSND Nguyễn Như Vũ chia sẻ.