📞

Khoảng 14.000 vũ khí hạt nhân được dự trữ trên toàn cầu, Tổng thư ký LHQ: Đã đến lúc bắt đầu một giai đoạn mới

Bảo Hà 07:51 | 27/09/2021
Ngày 26/9, nhân ngày Quốc tế về Xóa bỏ hoàn toàn Vũ khí hạt nhân, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres tuyên bố cần phải loại bỏ vũ khí hạt nhân khỏi thế giới và bắt đầu một giai đoạn mới của đối thoại, tin cậy và hòa bình.
Mặc dù tổng số vũ khí hạt nhân đã giảm trong nhiều thập kỷ, nhưng khoảng 14.000 vũ khí được dự trữ trên khắp thế giới. (Nguồn: World Atlas)

Ông Guterres nhấn mạnh, giải quyết mối đe dọa vũ khí hạt nhân đã là trọng tâm công việc của LHQ kể từ khi thành lập. Ông lưu ý: "Năm 1946, nghị quyết đầu tiên của Đại hội đồng nhằm 'loại bỏ vũ khí nguyên tử khỏi kho vũ khí quốc gia và tất cả các loại vũ khí nguy hiểm khác có khả năng gây ra sự hủy diệt hàng loạt'".

Ông cho hay mặc dù tổng số vũ khí hạt nhân đã giảm trong nhiều thập kỷ, nhưng khoảng 14.000 vũ khí được dự trữ trên khắp thế giới. Con người đang phải đối mặt với "mức độ rủi ro hạt nhân cao nhất" trong gần 4 thập kỷ.

Ông Guterres nói: “Bây giờ là lúc để loại bỏ đám mây này, loại bỏ vũ khí hạt nhân khỏi thế giới của chúng ta và mở ra một thời kỳ mới của đối thoại, lòng tin và hòa bình cho tất cả mọi người”.

Trong thông điệp này, ông Guterres cũng đã hoan nghênh quyết định của Nga và Mỹ về việc gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) trong bối cảnh có những dấu hiệu đáng lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang mới.

Trước đó, ngày 4/2, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gia hạn New START thêm 5 năm. Với quyết định này, cả Nga và Mỹ đã chính thức gia hạn hiệp ước duy nhất còn lại về kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa hai nước.

Đây được cho là bước đi tích cực giữa hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới nhằm góp phần giảm bớt những nguy cơ đối với an ninh toàn cầu bởi New START là Hiệp ước có tính ràng buộc pháp lý duy nhất còn lại về kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa hai bên sau khi cựu Tổng thống Donald Trump rút Mỹ ra khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).

Hiệp ước này giới hạn kho vũ khí hạt nhân của mỗi nước chỉ ở mức 1.550 đầu đạn hạt nhân, 700 quả tên lửa đạn đạo liên lục địa và 800 bệ phóng.

(theo THX, TASS)