📞

Khoảng cách giàu - nghèo ở Trung Quốc và Mỹ

14:52 | 28/06/2010
Quốc gia nào cũng có người giàu và người nghèo. Tuy nhiên, sự chênh lệch giàu nghèo cách biệt như ở Mỹ và Trung Quốc khiến người ta không khỏi đi từ tò mò tới ngạc nhiên... Trong 20 năm gần đây, nếu ở nước Mỹ, 5% dân số nắm giữ 60% của cải của quốc gia thì ở Trung Quốc, 1% gia đình cũng nắm tới 41,4% của cải của cả nước.
Vợ chồng tỷ phú Bill Gates lập ra Quỹ từ thiện lớn nhất thế giới Bill & Melinda Gates năm 1994 và đóng góp vào đó 33 tỷ USD. Tổng vốn của quỹ này hiện

Theo số liệu thống kê của Cục điều tra dân số Mỹ, năm 2007, 1% số gia đình giàu nhất nước Mỹ chiếm 34,6% tổng mức của cải của các gia đình Mỹ. 19% số gia đình được coi là giàu (có thu nhập hơn 138.000 USD/1 năm), chiếm 50,5% tổng mức của cải của các gia đình Mỹ. Như vậy, 20% số gia đình giàu của nước Mỹ đã chiếm giữ 85% tổng mức của cải của toàn xã hội, trong khi 80% số gia đình Mỹ còn lại chỉ chiếm giữ 15% của cải của toàn nuớc Mỹ. Cũng theo báo cáo của Cục điều tra dân số Mỹ, thu nhập bình quân của các gia đình trung lưu ở Mỹ khoảng 50.303 USD/năm. Còn tiêu chuẩn người nghèo ở Mỹ là thu nhập một năm dưới 10.991 USD, trong đó thu nhập năm của gia đình có hai người là dưới 14.051 USD, của gia đình có 3 người là dưới 17.163 USD và của gia đình 4 người là dưới 22.025 USD. Điều này có nghĩa là tiêu chuẩn người nghèo ở Mỹ tuy chênh lệch với người giàu khoảng 12 lần, nhưng vẫn cao hơn quy định của LHQ tới 30 lần.

 

Còn ở Trung Quốc, căn cứ số liệu do Cục Thống kê Quốc gia công bố, đến cuối năm 2007, tổng dân số Trung Quốc là hơn 1.321.290.000 người, trong đó có 415.000 người giàu (chiếm 0,03% tổng dân số) có tổng của cải vượt quá 1 triệu USD. Chỉ 0,03% dân số nói trên đã có tổng giá trị tài sản là 2.116,5 tỷ USD (khoảng 14.820 tỷ NDT), tương đương với 60,1% GDP, gấp 2.895 lần tổng thu nhập quốc nội. Thu nhập bình quân của cư dân thành thị Trung Quốc năm 2007 khoảng gần 14.000 NDT/năm, trong khi ở nông thôn chỉ hơn 4.100 NDT/người/năm. Theo số liệu của Công ty tư vấn Boston (Mỹ) công bố năm 2006, 0,4% gia đình Trung Quốc đã chiếm 70% tổng của cải quốc dân. Điều đặc biệt là nếu xét theo tiêu chuẩn người nghèo của Trung Quốc là 1.196 NDT/người/năm, thì số người nghèo Trung Quốc hiện nay không nhiều lắm, song nếu theo tiêu chuẩn mỗi ngày mỗi người 1 USD, thì số người nghèo Trung Quốc sẽ lên tới 120 triệu đến 130 triệu người.

 

Không chỉ chênh lệch về thu nhập, theo thống kê của Cục Thuế Quốc gia Mỹ công bố năm 2007, chỉ 1% người thu nhập cao nhất nước Mỹ đã nộp thuế thu nhập cá nhân chiếm tới 40,4% tổng mức thuế thu nhập cá nhân của toàn nước Mỹ, trong khi 95% người nộp thuế thu nhập cá nhân Mỹ chỉ nộp 39,4% tổng mức thuế này. 1% người thu nhập cao nhất nước Mỹ chỉ khoảng 1,4 triệu nguời, nhưng số tiền mà họ nộp thuế nhiều hơn số tiền nộp thuế của 134 triệu người thu nhập trung bình và thấp của nước Mỹ.

 

Còn ở Trung Quốc, việc nộp thuế không được rõ ràng như ở Mỹ. Theo một báo cáo mới nhất ở Trung Quốc, 20% số người giàu ở nước này chỉ nộp thuế thu nhập cá nhân chưa bằng 10% tổng mức thuế thu nhập mà Nhà nước thu được. Điều này cho thấy người giàu Trung Quốc mặc dù nhiều tiền, nhưng không phải là những hộ nộp thuế lớn. Hơn nữa, người giàu Trung Quốc nộp thuế không nhiều, nhưng lại là tầng lớp khiến Trung Quốc trở thành nước đứng hàng đầu thế giới về nhập hàng xa xỉ.

 

Một tổng kết mới đây trên tờ Thời báo Hoàn cầu cho thấy người giàu nước Mỹ bỏ rất nhiều tiền làm từ thiện, trong khi người giàu ở Trung Quốc lại bỏ tiền ra để… di dân ra nước ngoài.

 

Người giàu nước Mỹ có khuynh hướng kiếm được càng nhiều tiền thì càng tự giác trả lại xã hội. Người giàu Trung Quốc cũng không thiếu lòng từ thiện, nhưng tỷ lệ này không cao. Nhiều người giàu có ở Trung Quốc hiện nay sợ đến một ngày tỷ lệ chênh lệch giàu-nghèo sẽ được san bằng, nên lũ lượt tìm cách di chuyển ra nước ngoài. Canada, Australia, Mỹ, Singapore… đang là những nước được người giàu Trung Quốc di dân tới.

 

Ở Mỹ hiện nay cứ đầu tư 1 triệu USD (hoặc 50 vạn USD vào vùng lạc hậu) sẽ có thể được xét là đầu tư di dân. Năm 2009, Mỹ có 4.218 người nước ngoài được phê chuẩn là đầu tư di dân, trong đó có tới khoảng 70% là người đến từ một số nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc… Đặc biệt, trong số đó có tới 1.000 người là người giàu của Trung Quốc.

 

Dương Quốc Anh(Theo Thời báo Hoàn cầu)